Vụ con gái hành hung mẹ già: “Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày”

Lê Giang

(Dân trí) - Tôi không đủ can đảm để xem hết, thật sự không đủ can đảm. Và lúc ấy, nếu bảo tôi nói về đoạn clip con gái đánh mẹ, thú thật, tôi không biết phải nói như thế nào, hệt như ngôn từ cũng đớn đau bất lực.

Chuyện xưa kể về nàng Thoại Khanh - một người phụ nữ xinh đẹp, có tài văn chương, là vợ hiền dâu thảo. Năm đó, Châu Tuấn - chồng nàng do khước từ hôn ý công chúa mà bị đày đi sứ 17 năm, phải chịu cảnh “hôn nhân ép buộc” với công chúa lữ quốc.

Thương nhớ Châu Tuấn, Thoại Khanh và mẹ chồng lên đường đi tìm chàng, băng qua bao rừng sâu núi thẳm. Trên quãng đường lưu lạc, đói rách, Thoại Khanh luôn chăm chút, nhường hết đồ ăn thức uống cho mẹ chồng. Khi mẹ chồng kiệt quệ sức lực vì đói, Thoại Khanh đã quyết định “lóc thịt” nơi cánh tay mình cho mẹ ăn. Giây phút nàng tự xẻo thịt trên cơ thể mình, tiếng hét của nàng vang lên thất thanh rừng núi, nhưng mẹ chồng nàng nhờ được ăn thịt mà tỉnh lại.

Sau đó hai mẹ con nàng đi qua một ngôi miếu Ác Thần, nàng bị đòi đôi mắt “ngọc” để đổi lấy mạng sống của mẹ chồng. Nàng không do dự nói: Tôi sẽ hiến dâng đôi mắt tôi cho ngài, xin đừng giết mẹ chồng tôi, người đã chịu khổ đau qua năm tháng dài…

Mỗi lần xem vở cải lương này, lần nào mẹ tôi cũng khóc vì xúc động. Nàng Thoại Khanh vì cứu mẹ chồng, đã không tiếc thịt da, không tiếc cả đôi mắt mình. Sự hiếu thảo này có thể nói khiến đất trời cũng phải rung động.

Một vở cải lương tôi đã xem thời niên thiếu, cách đây hơn hai chục năm bỗng nhiên lại hiện về rõ nét như vậy khi hôm qua tôi vô tình xem được đoạn clip ghi lại cảnh một người đàn bà đang hành hạ chính mẹ ruột của mình được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội.

Vụ con gái hành hung mẹ già: “Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày” - 1

Hình ảnh được cắt từ clip

Tôi không đủ can đảm để xem hết, thật sự không đủ can đảm. Và lúc ấy, nếu bảo tôi dùng một vài từ để miêu tả về đoạn clip trên, thú thật, tôi cảm thấy không biết phải nói như thế nào, hệt như ngôn từ cũng đớn đau bất lực.

Khi tôi chưa làm mẹ, như tất cả những đứa trẻ khác, tôi không thể hiểu hết hai từ “nghĩa mẹ, công cha”. Có những điều khi mình không thể hiểu, mẹ sẽ nói với tôi rằng: Sau này khi con lớn lên, sinh con nuôi con, rồi con sẽ hiểu.

Giờ tôi đã làm mẹ, tuy chưa dành hết cả cuộc đời vì con, nhưng gần chục năm nuôi con cũng đã thấm thía nỗi lo âu vất vả. Làm mẹ, giấc ngủ chập chờn, bữa ăn nguội lạnh. Mỗi lần con ốm con đau, chỉ mong có thể thay con đau đớn. Con ăn thêm một muỗng, mẹ vui thêm mấy phần. Con tăng lên một lạng, mẹ khấp khởi mừng vui. Chỉ cần con khỏe mạnh, con vui, cơ cực bao nhiêu mẹ cũng không hề để tâm đếm xỉa.

Và tôi thấm thía nhận ra, mình đã được sinh ra từ cơn đau xé lòng của mẹ, từ những tất bật của cha. Mình lớn lên bởi vô vàn giọt mồ hôi, nước mắt cùng với sự lo lắng yêu thương cháy lòng. Mình lớn lên đi học, rồi kết hôn, từ đó chỉ chăm chăm lo cho gia đình nhỏ.

Thanh xuân của mẹ mất dần đi theo từng bước trưởng thành của con. Rồi con đã đủ lông đủ cánh bay giữa trời làm chủ cuộc đời mình, mẹ thân tàn lực kiệt. Không yêu thương sao được? Không xa xót sao đành?

Một đứa con dùng tiền để báo hiếu đã bị coi là vô tâm rồi. Một đứa con thiếu quan tâm mẹ cha lúc tuổi già đã là tệ bạc rồi. Một đứa con gái, đối với mẹ ruột của mình luôn miệng xưng hô “mày-tao”, rồi chửi mắng la hét, cào cấu đánh đập, xúc chất thải đổ lên đầu mẹ,những việc như thế, người bình thường chắc chắn không thể nào đủ tàn nhẫn mà làm được. Những việc như thế, là việc mà một đứa con có thể làm được hay sao?

Người xưa có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Nhưng bản thân tôi nghĩ, hầu hết cha mẹ trên đời này sinh con ra không phải hầu mong để sau này nhờ cậy. Niềm hạnh phúc của người làm cha mẹ là thấy con mình khỏe mạnh, lớn khôn, tìm được chỗ đứng giữa đời và sống làm người tử tế. Con khôn thì cha mẹ được nhờ, con khờ dại thì cha mẹ xót xa. Con vấp ngã sai lầm, đánh con một roi, con đau một, mẹ cha đau mười. Cảm nhận này, làm cha mẹ rồi sẽ thấu.

Nhưng người phụ nữ này cũng đã làm mẹ, cũng từng đau cắt da cắt thịt, từng mất ăn mất ngủ vì con. Làm mẹ công ơn trời biển, vất vả gian lao cỡ nào chắc chắn đã nếm trải. Làm sao bà ấy có thể nhẫn tâm đến mức độ như vậy với chính người sinh thành ra mình đã ở tuổi 80?

Làm việc với cơ quan điều tra, người này khai rằng: Do bực tức việc mẹ không để lại tài sản, khi già lại chỉ có mình bà nuôi dưỡng nên mới có hành động đánh, mắng cụ. Không phải ngẫu nhiên mà ông bà ta nói “Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng. Con nuôi cha mẹ, kể tháng kể ngày”. Ngẫm lại, thật xót xa.

Ai cũng nói nhân - quả nhãn tiền. Với trường hợp này không hề sai. Người phụ nữ này đối xử tệ bạc với chính mẹ ruột của mình. Cuối cùng, chính con gái bà lại là người ghi lại những hình ảnh kia để đẩy bà vào vòng lao lý, âu cũng là “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”. Người mẹ này giờ có muốn trách giận con, e rằng không đủ tư cách nữa rồi.

Hôm qua, trong những phẫn nộ của cộng đồng, tôi đọc được một câu hỏi rất xót xa: “Chữ Hiếu thời nay đâu rồi?”. Đó không chỉ là một câu hỏi, không còn đơn giản chỉ là một câu để hỏi.

Cụ già bất hạnh ấy đã qua đời cách đây một tuần rồi. Sự ra đi nào cũng để lại nỗi đau, nhưng với cụ, có lẽ chính là một sự giải thoát. Cụ ra đi đúng vào ngày rằm tháng Bảy, ngày lễ Vu Lan.