Vợ nghỉ lễ về ngoại là "bôi gio trát trấu" vào nhà chồng?

Vừa ở nhà ngoại về, tôi đã bị mẹ chồng gọi ra giáo huấn: “Mày vừa được nghỉ lễ đã xách ngay túi về nhà đẻ là mày khinh cái nhà này, họ cười vào mặt nhà tao vì nghĩ nhà tao đối xử tệ bạc với mày, mày có ăn có học mà hành động bôi gio trát trấu vào mặt nhà tao”.

Hai vợ chồng tôi cưới nhau được 3 năm. Ngày còn yêu nhau, tôi biết tính anh cũng không lãng mạn nên khi về chung một nhà, những ngày lễ như 14.2, 8.3, 20.10… anh cũng ít khi mua quà, mua hoa tặng vợ. Thay vào đó là sự quan tâm chu đáo và giúp đỡ vợ một cách kín kẽ khi có thể. Nói “kín kẽ” bởi lẽ chúng tôi sống chung với bố mẹ chồng mà mẹ chồng tôi là một người cực kỳ cổ hủ, thường soi xét con dâu. Bà có một quan niệm bất di bất dịch là con trai phải làm đại sự, chuyện cơm nước nhà cửa là của đàn bà con gái, chồng tôi không muốn mất lòng mẹ nên mỗi khi muốn giúp vợ việc gì đều phải nhìn trước ngó sau, không thấy mẹ mới dám làm.

Nhiều lần, khi tôi nấu cơm, chồng hăng hái xuống nhặt rau, thái thịt giúp, nhưng vừa nhìn thấy mẹ đã vội buông tay đứng dậy rồi chỉ trỏ tỏ vẻ như đang dạy dỗ tôi làm việc gì đó. Bởi nếu không sẽ bị mẹ xỉa xói “đàn ông đàn ang cứ rúc vào bếp thì làm được trò trống gì?” hoặc mát mẻ nói tôi “đàn bà có cái mâm cơm vặt mà làm cũng không xong”.


Mẹ chồng tôi thường mát mẻ “đàn bà có cái mâm cơm vặt mà làm cũng không xong” (Ảnh minh hoạ IT)

Mẹ chồng tôi thường mát mẻ “đàn bà có cái mâm cơm vặt mà làm cũng không xong” (Ảnh minh hoạ IT)

Buổi tối khi máy giặt đã giặt quần áo xong, tôi nhờ chồng: “Em bận việc, anh lấy giúp em quần áo trong máy” thì chồng tôi lắc đầu quầy quậy. Anh ấy bảo: “Máy giặt để ngay cạnh phòng mẹ, em đi lấy quần áo ra đây rồi anh phơi cho (sân phơi ở chỗ khuất) không mẹ lại càu nhàu”. Nhiều lần như thế tôi cũng thấy bực mình nhưng chồng tôi đều bảo: “Người già khó tính em ơi, chiều mẹ một tí” nên tôi đành nuốt hậm hực vào lòng.

Tôi nhớ nhất ngày 8.3 năm kia, sau khi ăn cơm xong, chồng tôi muốn giúp vợ nên xông xáo vào bếp cầm giẻ định rửa bát. Thấy thế mẹ chồng tôi sầm mặt chạy ra giằng lấy cái giẻ rửa bát trên tay con trai rồi gằn giọng: “Vợ mày không muốn làm thì để đấy tao làm, tao hầu hết”.

Dịp Tết dương lịch gần đây, khi ấy được nghỉ 3 ngày nên tôi xin phép bố mẹ chồng cho tôi về nhà ngoại chơi, do chồng có việc bận nên tôi đi một mình. Mấy hôm sau khi trở về nhà chồng, mẹ chồng gọi tôi ra giáo huấn: “Mày thấy nhà này đối xử với mày như thế nào mà mày vừa được nghỉ đã cắp túi về nhà bố mẹ đẻ. Ít ra mày phải ở lại đây 1 ngày rồi mới được về nhà ngoại chứ. Mày làm thế là không tôn trọng cái nhà này, mày "bôi gio trát trấu" vào mặt nhà tao. Chồng mày bận không đi mà 1 mình mày cũng đi được à, mày có ăn có học mày hỏi bạn bè mày xem mày làm thế có được không?”.

Lúc ấy thật lòng tôi quá sốc vì cái sự vô lý của mẹ chồng, nên đáp trả: “Con thấy con có làm gì sai đâu, mẹ thử hỏi làng xóm xung quanh xem con làm thế có gì sai không”. Mẹ chồng tôi vỗ đùi đành đạch kêu giời, mắng tôi là “đứa con dâu láo toét, dám cãi nhau tay đôi với mẹ chồng, cá mè một lứa không có tôn ti trật tự...”

Chuyện đến tai chồng, chồng không hiểu thấu bản chất sự việc lại chỉ nghe mẹ nói là tôi cãi nhau tay đôi với mẹ chồng nên quay ra trách mắng vợ, bắt tôi phải xin lỗi, tôi nhất quyết không đồng ý nên hai vợ chồng to tiếng cãi vã nhiều lần.

Tôi ấm ức mà không biết giải tỏa sự việc ra sao, nhưng nếu sống mãi như thế này thì tôi thực sự lo cho hạnh phúc của mình.

Theo Tùng Anh
Dân Việt