Vợ kêu bị mất trộm tiền, vô tình để lộ âm mưu khiến tôi quá thất vọng

Giang Hà

(Dân trí) - Tôi luôn biết ơn sự nhân hậu mà vợ dành cho con riêng của mình, cho đến khi tình cờ nghe được cuộc điện thoại cô ấy gọi cho mẹ. Tôi không muốn tin vào những lời mình vừa nghe.

21 tuổi, tôi cưới vợ lần đầu. 25 tuổi, chúng tôi ly hôn. Ngày đó, cả hai đều còn quá trẻ, "chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì" nên mới lỡ dính bầu. Dù cả hai đang đi học, trước tình thế ấy, người lớn hai bên gia đình họp mặt và quyết định tổ chức đám cưới.

Tuổi ấy, tôi còn ham chơi. Vợ tôi cũng chưa sẵn sàng làm vợ, làm mẹ. Sự thấu hiểu chưa nhiều, chia sẻ không có, hai vợ chồng khó hòa hợp nhau về mọi thứ. Cố gắng sống chung đến năm thứ 4 thì quyết định ly hôn.

Sau khi ly hôn, con gái ở với mẹ, tôi có trách nhiệm chu cấp nuôi con. Tôi và vợ cũ coi nhau như bạn bè. Tôi cho rằng, ly hôn là quyết định sáng suốt, giải thoát cho cả hai.

28 tuổi, tôi tái hôn. Vợ tôi không xinh đẹp như vợ cũ nhưng ăn nói khéo léo, dịu dàng, luôn tỏ ra rất biết điều và hiểu chuyện. Hồi còn tìm hiểu, cô ấy thường xuyên mua quà cáp, quần áo cho con gái tôi. Cô ấy nói rằng, nhất định cô ấy sẽ làm một bà mẹ kế thật tốt. Những lời của cô ấy khiến tôi vô cùng xúc động.

Vợ kêu bị mất trộm tiền, vô tình để lộ âm mưu khiến tôi quá thất vọng - 1
Tôi quá thất vọng với cách vợ tôi đối đãi với con riêng của chồng (Ảnh minh họa: Freepik).

Tháng trước, vợ cũ tôi tái hôn. Vì mới về nhà chồng, sống chung với bố mẹ chồng nên vợ cũ vẫn để con ở nhà ông bà ngoại, đợi một thời gian nữa mới tính.

Bố lấy vợ, mẹ lấy chồng, ai cũng có gia đình và hạnh phúc riêng, còn con gái lủi thủi với ông bà. Nghĩ đến cảnh đó, tôi rơi nước mắt vì thương, bèn bàn với vợ việc đón con đến ở với vợ chồng tôi một thời gian, cho con đỡ buồn tủi.

Vợ tôi nghe xong, nhiệt tình hưởng ứng. Vợ chồng tôi có một con trai hai tuổi, nhà cửa rộng rãi. Con đến ở với chúng tôi, đi học hơi xa xôi, bất tiện nhưng tạm thời, tôi có thể thu xếp đưa đón.

Con gái tôi đến nhà, vợ tôi tỏ ra rất yêu quý, niềm nở. Cô ấy luôn miệng khen con bé xinh đẹp, ngoan hiền, ước sau này cũng có thể sinh một đứa con gái giống như vậy.

Tuy nhiên, dù mẹ kế có chăm sóc, ngọt ngào, con bé vẫn có thái độ không cởi mở, gần gũi. Sau giờ học, nếu không ngồi với tôi, con bé cũng không bao giờ trò chuyện với mẹ kế, không chơi với em bé.

Tôi bảo vợ, con gái đang tuổi lớn, tâm sinh lý bất ổn, xa bố từ bé, giờ lại xa mẹ, chắc cũng rất buồn, hy vọng vợ sẽ không để ý đến thái độ của con. Vợ tôi cười dễ dãi: "Không sao, em cũng từng trải qua giai đoạn đó, em hiểu mà. Anh cứ kệ con, em yêu thương con đâu đòi hỏi con phải đáp lại". Vợ khiến tôi tự hào và biết ơn, tự tin mình đã chọn đúng người.

Con gái ở nhà tôi đi học được một tháng, tôi nhận thấy việc đi học xa của con khá vất vả. Con luôn phải dậy sớm, về muộn vì tôi còn phải vội vàng đi làm. Tôi dự định bàn bạc với vợ cũ, làm thủ tục chuyển trường cho con đến gần nhà tôi. Vợ cũ mới tái hôn, không rõ gia đình họ thế nào, nhưng con gái ở đây được vợ tôi yêu thương, chào đón, tạm thời con cứ nên ở đây.

Nhưng tôi chưa kịp chuyển trường cho con thì xảy ra một chuyện. Vào một bữa cơm tối, vợ tôi kêu mất tiền. Cô ấy nói chiều qua, mọi người trong phòng góp tiền gửi cô ấy đại diện đi thăm một đồng nghiệp nằm viện. Số tiền 2 triệu đồng cô ấy để trong túi xách, sáng nay đi làm tìm không thấy đâu.

Tôi bảo vợ tôi nên tìm kỹ hoặc nhớ lại xem có để đâu hay mua sắm gì không. Vợ tôi nói, hôm qua đi làm về thẳng nhà, không dừng mua thứ gì, cũng không đụng tới túi xách cho tới khi đi làm.

Trong khi nói, ánh mắt cô ấy nhìn chằm chằm vào con gái tôi. Rồi cô ấy hỏi: "Sáng nay, con vào phòng cô làm gì thế?". Con gái tôi từ tốn trả lời: "Con không thấy áo đồng phục nên tìm xem cô có để nhầm vào tủ áo của cô không?".

Vợ tôi lắc đầu, bảo rằng tiền không thể tự nhiên "không cánh mà bay". Tình trạng này chưa từng xảy ra từ trước tới nay, cũng không cách nào giải thích được. Cô ấy cứ càm ràm như thế suốt bữa cơm.

Sáng hôm sau, trên đường chở con đi học, con gái nói muốn về nhà ở với ông bà ngoại. Tôi nói: "Con cứ ở đây với bố, đừng ngại. Tuy không sinh ra con, cô cũng rất thương con". Con gái tôi trả lời: "Cô ấy chỉ tốt với con khi có bố ở nhà thôi".

Tôi đã không để ý đến câu nói ấy cho đến tối hôm sau, tôi tình cờ nghe được cuộc điện thoại của vợ gọi cho mẹ cô ấy: "Mẹ đừng lo, con bé sẽ không ở đây lâu nữa đâu. Hôm qua, con giả vờ kêu mất tiền, con bé đủ thông minh để hiểu con ám chỉ, nghi ngờ nó. Mẹ đúng là "gừng càng già càng cay", nghĩ ra cả cái trò đấy".

Tôi không muốn tin những gì vừa nghe. Vợ tôi là người luôn nói những lời ngọt ngào, bao dung, người luôn nói vì yêu tôi mà yêu cả con gái riêng của tôi. Hóa ra, những săn sóc, yêu thương cô ấy dành cho con bé trước mặt tôi chỉ là giả tạo để che đậy những âm mưu, toan tính của riêng cô ấy.

Nếu thật sự không muốn nuôi con chồng, cô ấy có thể bày tỏ tâm tư với tôi. Tôi nghĩ mình có thể đồng cảm với những lo lắng của cô ấy. Đằng này, vợ tôi lại nhẫn tâm bày trò, vu oan cho một đứa trẻ, thật quá tàn nhẫn. Giờ tôi mới hiểu câu con gái nói hôm qua: "Cô ấy chỉ tốt với con trước mặt bố thôi". Khổ thân con tôi, bao lâu nay đã phải âm thầm chịu ấm ức.

Với tình hình này, tôi chắc phải gửi con về lại nhà bà ngoại. Tình yêu thương là thứ không thể ép buộc. Tôi không muốn con phải chịu thêm tổn thương.

Nhưng trước khi cho con đi, tôi có nên nói rõ mọi chuyện, đề nghị cô ấy xin lỗi con gái tôi một câu không? Hay nên đưa con về nhà ngoại rồi mới nói chuyện?

Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.