Vợ có thói quen lạ khó bỏ, tôi xấu hổ chỉ muốn về nhà ngay
(Dân trí) - Vợ tôi là người rất tốt nhưng lại có một thói quen xấu khiến tôi và các con nhiều phen muối mặt.
Tôi năm nay 52 tuổi, đang làm trưởng phòng tại một cơ quan. Thu nhập của tôi không tệ, con cái đều đã lớn, gia đình thuộc diện đủ đầy ở khu phố. Thế nhưng có một điều tôi chưa bao giờ dám kể với ai, đó là nỗi khổ tâm mang tên… vợ tôi.
Vợ tôi không xấu, cũng chẳng ác. Cô ấy là người phụ nữ tảo tần, biết lo toan, làm lụng chăm chỉ từ khi còn trẻ. Cưới nhau hơn 25 năm, cô ấy chưa một lần đòi hỏi váy áo hàng hiệu, mỹ phẩm đắt tiền hay du lịch sang chảnh. Nghe thì có vẻ là người vợ tuyệt vời, đúng không?
Nhưng không. Chính sự "giản dị" đó của vợ tôi mang theo thói quen kỳ quặc: Nhặt nhạnh, tích trữ và có phần tham lam.

Tôi nhiều lần nhắc nhở vợ nhưng cô ấy vẫn không chịu sửa đổi thói quen xấu (Ảnh minh họa: Sohu).
Chuyện bắt đầu từ những bữa tiệc cưới, tiệc giỗ trong họ. Ai cũng đi ăn, trò chuyện, chúc tụng rồi về. Riêng vợ tôi, ngoài phần ăn tại chỗ, cô ấy còn xin thêm ít nhất một hộp mang về.
Có lần, cô ấy cầm theo 3 cái hộp nhựa loại lớn, đợi tàn tiệc mới lén đi từng mâm... xin đồ thừa. "Để ăn dần, cho đỡ phí của trời", cô ấy bảo thế.
Tôi ngượng muốn chui xuống gầm bàn. Tôi là sếp lớn trong cơ quan, mặc áo sơ mi là lượt, mang giày bóng loáng. Vợ lại tay xách 3 túi đồ ăn thừa từ các mâm, mặt tươi rói như vừa trúng số.
Có hôm, cô ấy còn hí hửng khoe với tôi: "Hôm nay may ghê, người ta không ăn mấy, em xin được cả nửa con gà luộc với chục cái bánh phu thê".
Tôi nhắc, tôi góp ý, tôi năn nỉ. Cô ấy ừ à cho qua nhưng lần sau đâu lại vào đấy. Mà mỗi lần nhắc thì y như rằng, cô ấy lại dỗi: "Anh chỉ giỏi sĩ diện, phí của thì được gì?". Hay "Anh cứ để em tự nhiên, người ta cho chứ em có giật đâu mà ngại?".
Tôi không biết phải giải thích sao cho vợ hiểu rằng, việc đi nhặt nhạnh lon nước ngọt, vỏ bia còn dở trên các mâm tiệc không chỉ là mất mặt với người ngoài, mà còn khiến con cái của chúng tôi xấu hổ đến mức không dám rủ bạn bè về nhà.
Một lần, trường con tôi tổ chức tiệc tất niên, phụ huynh được mời tham dự. Vợ tôi đi cùng tôi. Tiệc đang vui, tôi thấy vợ lấm lét đi quanh các bàn, tay thu gom mấy lon nước ngọt không ai uống. Có bàn chưa ăn xong, cô ấy đã hỏi nhỏ: "Chỗ này có ai dùng nữa không? Cho chị ít thịt này nhé?".
Tôi ngồi cách đó 3 bàn, thấy mà tim muốn ngừng đập. Mấy người xung quanh cười cười, ghé tai nhau thì thầm. Hôm đó, tôi phải giả vờ đau bụng để đưa vợ về sớm.
Trên đường về, xe lặng như tờ. Tôi nói: "Em có biết khi con nhìn thấy cảnh đó, mặt con xị xuống không? Con xấu hổ với bạn bè đấy".
Vợ tôi lặng thinh một lúc rồi lại ca "điệp khúc" quen thuộc: "Thế anh bảo để người ta đổ đi à?".
Cô ấy nói điều đó với sự nghiêm túc và thật thà đến đáng sợ. Cô ấy không hề nhận ra, việc mình làm là "lạ đời". Đối với vợ tôi, đó là sự tiết kiệm.
Tôi từng nghĩ, chắc do vợ tôi lớn lên trong nghèo khó, từng ăn chẳng đủ no. Nhưng rồi tôi dần nhận ra, chuyện không chỉ dừng ở nếp sống tiết kiệm, mà còn là nỗi ám ảnh mang tên "tích trữ".
Tủ lạnh nhà tôi luôn trong tình trạng chật ních, nào là hộp bánh cất từ tháng trước, nào là thịt kho đông lạnh từ đám giỗ tận cả tháng trước, nào là lon nước ngọt móp méo...
Có lần, cô ấy xin về cả mấy hộp trái cây cúng xong, để chín nhũn ra mới lôi ra làm sinh tố. Tôi uống vào thấy vị kỳ kỳ, hỏi thì được bảo "mít chín hơi quá thôi mà", hóa ra là để hơn một tuần rồi.
Con gái lớn tôi từng khóc nói với tôi: "Bố ơi, mai mốt con không dám dẫn bạn về nữa. Tủ lạnh nhà mình như cái kho, mùi gì cũng có…".
Tôi lặng người. Tôi hiểu con. Tôi cũng nhiều lần đứng trước cái tủ lạnh ấy mà ngán ngẩm. Nhưng tôi chưa từng nghĩ một ngày, con mình sẽ phải xấu hổ vì mẹ.
Tôi yêu vợ, thương sự tằn tiện cả đời vì chồng con của cô ấy. Nhưng tôi cũng thương chính mình. Mỗi lần dự tiệc, thay vì tự tin trò chuyện với người quen, tôi lại lo canh chừng xem vợ có lén đi xin đồ ăn hay không?
Mỗi lần có họp lớp, bạn bè rủ vợ chồng đi ăn chung, tôi lại phải lấy cớ vợ bận. Đơn giản vì tôi không muốn ánh mắt người ta nhìn mình như thể "ông trưởng phòng có vợ... kỳ quặc".
Tôi cũng xấu hổ thay cho các con khi thấy mẹ đi từ đám cưới về với một túi đầy bánh chưng, giò lụa, lon nước dở và cả hoa quả đã bị ai đó bóc ra.
Tôi biết vợ không cố ý. Nhưng làm sao để nói cho cô ấy hiểu rằng, đôi khi, giữ lại một chút thể diện cũng quan trọng không kém chuyện tiết kiệm từng đồng.
Tôi không muốn con tôi phải cúi mặt, không muốn người ta nhắc đến tôi với tiếng cười mỉa mai. Nhưng tôi cũng không nỡ mắng vợ nặng lời vì tôi biết, cô ấy không phải người tham lam theo kiểu hám lợi, mà chỉ là người phụ nữ đã sống quá lâu với suy nghĩ "của thừa cũng là của quý".
Tôi nên làm gì đây?
Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.