Vào bếp phụ mẹ bạn trai, tôi nghe được một chuyện và muốn chia tay ngay
(Dân trí) - Tôi tròn mắt khi nghe câu chuyện giữa bạn trai và mẹ. Tôi không hiểu sao họ lại có thể nói ra những lời như vậy?
Yêu nhau được gần một năm, Hoàng nói muốn đưa tôi về giới thiệu với gia đình. Đây là lần đầu tiên đến thăm nhà Hoàng nên tôi chuẩn bị rất kỹ lưỡng, từ trang phục đầu tóc đến quà tặng mang theo.
Gia đình Hoàng là gia đình trí thức, bố mẹ đều là cán bộ về hưu. Hoàng có anh trai vừa lấy vợ năm ngoái và cô em út đang học đại học năm thứ 4.
Buổi gặp mặt diễn ra rất vui vẻ. Mặc dù tôi chưa gặp được hết tất cả thành viên trong gia đình anh, cảm giác đem lại khá là dễ chịu, cho đến khi anh vào bếp để phụ tôi với mẹ nấu cơm. Lúc Hoàng bước vào là lúc bác gái đang hòa nhã chỉ dạy tôi cách chọn rau quả ngon, còn vui miệng kể cho tôi nghe những thói quen từ bé của Hoàng.
Câu chuyện đang rất hào hứng thì Hoàng vào bếp nói muốn phụ mẹ và tôi. Tôi quay sang mỉm cười với anh, thầm nghĩ mình đã không nhìn nhầm. Một người đàn ông có thể yêu thương tôi, lại có thể vào bếp phụ tôi thì còn gì tuyệt vời hơn nữa, nhất định sẽ là người xứng đáng để tôi dựa dẫm cả đời.
Nhưng hóa ra tôi đã tự mình nhận định hơi sớm. Chỉ vài phút sau đó, tôi lập tức muốn thu hồi lại suy nghĩ tốt đẹp này. Hoàng hỏi mẹ: "Chị Nga đâu, từ lúc về con không thấy?".
Nga là tên chị dâu anh. Mẹ anh đang vui vẻ với tôi, bỗng nhăn mặt lắc đầu, thái độ rất không hài lòng:
- Chị ấy kêu mệt.
- Sao vậy ạ? Sáng nay con vẫn thấy xuống ăn mà.
- Thì thế. Ăn xong chị ấy buồn nôn, xong là vào phòng nằm suốt từ lúc đó. Không làm gì, không chịu vận động thì chả thế.
Tôi dè dặt hỏi:
- Chị ấy ốm nghén à bác?
- Ốm nghén (mẹ anh kéo dài giọng tỏ ý chê trách). Bác đẻ 3 đứa con, chồng đi làm xa, tiền không có, đâu được sướng như bây giờ. Nằm suốt ngày, có người nấu ăn mang đến tận giường, tối còn bắt chồng xoa chân xoa lưng mà vẫn kêu. Chửa như chị ấy thì ai dám chửa?
Thấy tôi trầm ngâm không nói gì, Hoàng huých vào tay tôi trêu: "Nghe thấy không? Sau này đừng có lấy lý do ốm nghén để giả vờ hành anh biết chưa?".
Tôi tròn mắt nhìn anh nhưng không dám nói gì lúc đó. Theo anh, đấy gọi là giả vờ? Mẹ anh khó tính thì tôi có thể hiểu được vì người từng trải qua thăng trầm, vất vả sẽ thường có cái nhìn khắt khe. Nhưng Hoàng là đàn ông sức dài vai rộng, có hiểu biết sao lại coi chuyện một người phụ nữ bị ốm yếu trong giai đoạn thai nghén là giả vờ, là "làm bộ làm tịch"?
Mỗi người sẽ có những biểu hiện cơ thể khác nhau trong quá trình mang thai. Các triệu chứng ốm nghén phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của người mẹ rất nhiều, nhưng có một điều chắc chắn là không ai mong muốn mình ốm yếu cả. Anh đã không nói cho mẹ thông cảm với chị dâu, lại còn mặc nhiên thừa nhận.
Lỡ sau này tôi mang thai cũng ốm nghén, yếu ớt, anh sẽ đối xử với tôi thế nào? Hay cũng hùa với mẹ để chê trách, nói xấu tôi?
Tôi không bênh chị dâu anh. Từ lúc đến nhà, tôi còn chưa gặp mặt chị ấy. Nhưng tôi rất không thoải mái khi chứng kiến một người đàn ông gần 30 tuổi đang cùng mẹ anh ấy nói về một người không có mặt, với thái độ không dễ chịu tí nào. Hành vi này vừa thiếu công bằng, vừa không văn minh.
Tôi hiện tại mới chỉ là khách đến chơi nhà, chưa được coi là người thân của họ, ấy thế mà tôi mặc nhiên được tham gia một màn đấu tố không cần giữ ý. Hay mẹ anh nhân chuyện chị dâu để nhắc nhở tôi luôn?
Sau chuyến đến thăm gia đình Hoàng về, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện chia tay. Bởi thực sự tôi không muốn "ăn đời ở kiếp" với người chồng thiếu tình yêu thương và sự cảm thông như vậy.
Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.