Ngày mưa bão, chị chồng ki bo bỗng có hành động khiến tôi xúc động bật khóc

An Phi

(Dân trí) - Mấy hôm mưa to gió lớn, nhà tôi không may bị lật mái tôn, vỡ vài chỗ cửa kính. Khi tôi đang chưa biết giải quyết thế nào thì chị chồng bỗng nhiên xuất hiện...

Qua những câu chuyện như "Hoãn ra tòa vì mưa bão, vợ chồng tôi bất ngờ muốn "yêu lại từ đầu"" hay "Gặp nạn ngày mưa bão, tôi nhận ra sự thật rồi lập tức viết đơn ly hôn", tôi cũng muốn chia sẻ đến mọi người câu chuyện của chính mình mấy ngày qua.

Gia đình chồng tôi có hai chị em, chồng tôi là con út. Hai chị em đều đã lập gia đình và sống gần nhau. Bố mẹ chồng ở quê muốn người thân sống quây quần tại thành phố nên nhất quyết chỉ hỗ trợ tiền khi hai chị em mua nhà cạnh nhau.

Nói thật, tôi rất ghét ở cạnh nhà chị gái chồng, đủ thứ bất tiện. Nhưng đợt mua nhà không đủ tiền, bố mẹ chồng bán đất ở quê, đỡ cho vợ chồng tôi được 500 triệu đồng nên tôi đương nhiên không có tiếng nói.

Không giấu giếm gì, tôi vốn không ưa chị gái của chồng. Ngay từ lần đầu tiên về ra mắt, nhìn cách chị hỏi han rồi xét nét tôi, tôi đã không có mấy thiện cảm. Hồi đó vừa đến nhà trai, chị đã bắt tôi vào bếp nấu nướng rồi "thử tài" rửa bát. Chị cũng không quên đưa ra hàng loạt câu hỏi không khác nào "hỏi cung".

Ngày mưa bão, chị chồng ki bo bỗng có hành động khiến tôi xúc động bật khóc - 1

Tôi từng rất khó chịu với chị chồng cho đến khi... (Ảnh minh họa: Sina).

Chị gái chồng làm nghề buôn bán thịt cá ngoài chợ. Phong cách của chị là "ăn to nói lớn", có phần thô lỗ. Trong khi đó, tôi lại là dân học hành, nói năng nhỏ nhẹ. Nói đến đây thôi, mọi người cũng đủ hiểu tôi và chị chồng thực sự không hợp nhau thế nào.

Đặc biệt, bên cạnh nhiều chuyện, chị chồng có một cái tính mà tôi rất không thích. Đó là ki bo, rất khó để chị chịu bỏ tiền ra. Mỗi lần nhà có công việc gì chung, chị luôn có một "bài ca": "Con trai trưởng trong nhà đóng góp đi, chứ phận đàn bà, con gái có bao giờ được hưởng gì đâu mà bắt đóng góp".

Chồng tôi vì vậy luôn đứng ra chịu hết, anh bảo không nên so đo với người trong nhà. Tôi tức lắm nhưng phận làm em nên nhiều khi vẫn phải nhịn. Dù bố mẹ chồng không nói ra, tôi thừa biết, hồi mua nhà, bố mẹ cho đều hai chị em mỗi người 500 triệu đồng. Có khác biệt gì đâu mà chị nói chồng tôi là con trai nên được hưởng phần hơn.

Vì ở cạnh nhà nhau nên suốt ngày chị chạy sang nhà tôi. Dù là chị em ruột thịt thật, các em đã trưởng thành, lập gia đình thì chị cũng nên tôn trọng không gian riêng tư của gia đình người khác. Đằng này, hơi một tí thiếu chút muối hay nước mắm... chị lại chạy sang xin.

Chị còn không ngại mở tủ lạnh nhà tôi ra, thấy có kẹo bánh hay hoa quả gì nhiều là lại bảo: "Chị mang về một ít cho các cháu nhé". Những lần như thế, chẳng nhẽ tôi nói không được.

Đợt mưa bão này cũng thế, chị liên tục hỏi nhà tôi tích trữ đồ ăn thức uống được nhiều chưa, chuẩn bị đến đâu rồi. Tôi thừa biết, chị hỏi thế để xem nhà tôi có thừa gì không còn xin xỏ nên tôi bảo: "Không ạ, nhà em không mua gì mấy".

Thời gian gần đây, vợ chồng tôi đang dồn hết tiền cho việc góp vốn công ty cùng người bạn nên trong nhà cũng chẳng còn bao nhiêu, chỉ đủ ăn qua ngày. Do đó, tôi nhất quyết phải cứng rắn, không thể cứ tốn kém cho người chị chồng ki bo này được.

Mấy hôm vừa rồi, mưa to gió lớn, nhà tôi không may bị lật mái tôn, nước tràn vào hết cả nhà. Đó là còn chưa kể cửa kính cũng bị vỡ mất mấy chỗ. Nhìn cảnh tượng nhà mình, tôi xót xa vô cùng, khốn khổ đi dọn dẹp.

Khi tôi đang mệt mỏi, chưa biết bắt đầu từ đâu để giải quyết chuyện này, cũng hết sức lo lắng về chiếc mái nhà bị bung mất một phần liệu sẽ như nào trong những ngày sắp tới thì chị chồng xuất hiện như một "người hùng", đúng nghĩa là như vậy.

Chẳng cần chúng tôi phải nhờ vả, chị tay nhanh thoăn thoắt dọn dẹp hết "bãi chiến trường". Tay chị vừa làm, mồm chị vừa gọi hết chồng con sang nhà tôi phụ giúp, chỉ đạo mọi người làm đâu ra đấy.

Vì chị hàng ngày làm ngoài chợ nên quen biết nhiều chủ cửa hàng. Chị ngay lập tức gọi điện nhờ người này, người kia. Không phải chờ đợi lâu, đã có người mang kính đến thay chỗ cửa sổ và vài người thợ đến làm lại mái tôn nhà tôi.

Nhìn chị mướt mải mồ hôi, liên tục gọi điện thoại, tự nhiên tôi thấy xấu hổ quá. Tôi luôn nhìn chị với ánh mắt hằn học, chê bai chị chợ búa, không hợp với mình. Tôi nói chị hay xét nét tôi nhưng chính tôi mới là người luôn xét nét chị, từ cách ăn nói, quần áo chị mặc cho đến việc chị tiêu tiền..., dù đó hoàn toàn là quyền của chị.

Chi phí sửa chữa nhà cửa của tôi cũng lên đến tiền triệu. Khi tôi ái ngại vì nhà đang chưa có tiền trả chị, không biết mở lời thế nào, chị đã nói ngay: "À tôi biết thừa cô chú đang đầu tư, chị em với nhau lúc nào trả cũng được. Khi nào thành công, nhớ đừng quên người chị già lắm chuyện này". Nghe chị nói xong, tự nhiên tôi chảy nước mắt, chỉ biết nói lí nhí cảm ơn chị.

Tôi ngần này tuổi, đúng là đã có thêm một bài học cho bản thân - đừng quy chụp, dễ dàng đánh giá người khác. Không phải chị chồng ki bo mà đồng tiền chị kiếm được từ chợ cực khổ nên cần chi tiêu cẩn thận. Thực tế, đến lúc nhà tôi cần, chị có mảy may tiếc tiền đâu.

Tôi cũng đã hiểu vì sao bố mẹ chồng luôn muốn chị em sống gần nhau. Ở nơi đất khách quê người này, những lúc hoạn nạn, khốn khó, không có người thân bên cạnh thì biết xoay sở thế nào?

Chị sống ở quê từ nhỏ, giờ làm việc ở chợ nên ăn nói có phần bỗ bã nhưng thực tâm. Vì nghĩ chúng tôi là em trong nhà nên chị mới hay sang chơi. Cũng vì chị quan tâm đến nhà tôi nên mùa mưa lũ thế này, chị mới hỏi han xem tích trữ được gì chưa, chuẩn bị đến đâu rồi. Thế mà tôi...

Đúng là tôi bấy lâu nay đã quá thiển cận. Nhiều người muốn sống gần người thân còn chẳng được, đúng không?

Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.