Từ vụ bé 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu: Nghĩ về chọn cha, chọn mẹ cho con
(Dân trí) - Vụ bé gái 8 tuổi ra đi tức tưởi vì bị dì ghẻ bạo hành còn chưa kịp lắng xuống, một bé gái khác đã lại nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì có 9 cây đinh găm trong đầu do người tình của mẹ gây nên.
Mỗi khi đọc những tin tức như thế này, một người mẹ đang có con nhỏ như tôi lần nào cũng bật khóc. Cái gì đã khiến những con người ấy có thể ra tay tàn độc đến như vậy với một đứa trẻ?
Tôi đã từng mất vài đêm không ngủ nổi vì ám ảnh cảnh bé gái đã phải chịu sự tra tấn suốt bốn giờ đồng hồ từ "mẹ kế hờ" cho đến khi sức tàn lực kiệt. Bốn giờ đồng hồ ấy dài đến cỡ nào để có thể kết thúc một cuộc đời trong đớn đau như vậy.
Và bây giờ tim tôi như thắt lại khi nghĩ đến bé gái mới ba tuổi với 9 cây đinh găm trong đầu. Tôi thật sự ước rằng tôi chưa đọc những chi tiết miêu tả hành động gã đàn ông đó làm với con. Mình dẫm phải một cái gai nhỏ cũng đau nhức mất ăn mất ngủ. Trời ơi, cháu bé đã chịu đựng nó khủng khiếp đến như thế nào?
Càng nghĩ càng căm phẫn đến tột cùng. Đó không chỉ là bạo hành, đó là tra tấn. Những kẻ ấy phải dùng từ ngữ gì để gọi tên cho đúng?
Điều đáng nói, những hành động man rợ đó không chỉ diễn ra một lần, nó đã kéo dài bằng những hình thức khác nhau. Điều đáng nói, những bé gái này đang được sống cùng cha hoặc mẹ chứ không phải trong một động quỷ chỉ toàn những kẻ máu lạnh. Đến bố, mẹ các con cũng không bảo vệ các con, vậy thì mong chờ vào sự can thiệp kịp thời của người ngoài có phải là điều xa xỉ?
Rất nhiều người nói rằng vì bố mẹ ly hôn nên các con mới bất hạnh như thế. Nhưng tôi nghĩ hệ quả của nó đâu phải hoàn toàn do ly hôn. Hôn nhân bất hạnh là điều không ai mong muốn và ly hôn không phải lúc nào cũng là một giải pháp tồi. Bởi có những đứa trẻ lớn lên trong gia đình bố mẹ không hạnh phúc, những tổn thương tâm lý cũng rất đáng sợ. Nhưng nếu bố mẹ ly hôn trong văn minh, vẫn cùng nhau quan tâm nuôi dạy con cái thì những đứa trẻ vẫn lớn lên trong hạnh phúc.
"Con không sợ bố mẹ ly hôn. Con chỉ sợ bố mẹ ly hôn và bỏ rơi con" - Tôi không nhớ đã đọc câu này ở đâu, của ai, nhưng ấn tượng về nó quả thật rất sâu đậm.
Mỗi khi nghe tin một đôi vợ chồng nào đó ly hôn, tôi thường nghĩ nhiều về những đứa trẻ. Những đứa trẻ đang bình yên bỗng bị lôi ra khỏi mái nhà ấm áp. Chúng như những con chim non bất ngờ mất tổ không biết phương hướng nào. Hoặc chỉ có thể sống cùng bố, hoặc chỉ có thể sống cùng mẹ, ở với mẹ thì nhớ bố, về với bố thì mong mẹ. Chúng ngây thơ và bé bỏng nào có hình dung ra, chiếc tổ mới bố hoặc mẹ xây nên có thêm người lạ ở, và có thể biến cuộc đời con ngập trong bão giông. Con có hai nơi để về nhưng lại chẳng nơi nào là tổ ấm trọn vẹn thuộc về con cả.
Những người đã có diễm phúc làm cha mẹ đều hiểu, không ai có thể so sánh với đứa con mình dứt ruột sinh ra. Điều đó cũng có nghĩa là không thể mong chờ mẹ kế hay bố dượng thương một đứa trẻ không phải con mình như con ruột. Và có lẽ khi tái hôn, cũng chẳng ai hy vọng nhiều đến thế. "Mấy đời bánh đúc có xương", chỉ mong "người mới" có thể vì mình mà không ngược đãi hay lạnh nhạt với con mình đã là vui.
Nhưng có những người lạ lắm. Họ sinh con ra. Họ biết ngoài mình ra con chẳng còn ai mà bấu víu, nhưng họ để mặc người khác hành hạ con mình. Thậm chí chính họ còn làm ngơ và tiếp tay cho cái ác. Mình sinh ra con, nếu không thể chăm lo, nếu không thể yêu thương thì hãy trả con về cho những người yêu thương chúng. Sống không đầy đủ tình yêu thương đã là một thiệt thòi không dễ bù đắp, sống trong bạo hành ngược đãi quả thật rất đớn đau.
Ly hôn là điều không ai mong muốn. Tái hôn là nhu cầu hạnh phúc chính đáng của mỗi người. Nhưng một khi đã có con, những người làm cha làm mẹ xin hãy nghĩ đến con mình một chút trước khi tái hôn hay bắt đầu một mối quan hệ mới.
Con không có quyền chọn cha chọn mẹ, nhưng cha mẹ sau một lần đổ vỡ hoàn toàn có quyền chọn một người cha, một người mẹ đủ tốt cho con mình mà, không phải vậy sao?
Lê Giang