Trông bánh chưng ngày Tết

Nồi bánh chưng có lẽ là hình ảnh quen thuộc nhất của ngày Tết, nhà nào cũng gói, bất kể giàu nghèo. Tôi lẽo đẽo theo bố cả buổi, nào là rửa lá, vo gạo, đồ nhân…

Những ngày cuối năm rét đậm, gió lạnh căm căm, nhưng không ngăn được mọi người hối hả chuẩn bị Tết. Từ đầu tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), Tết đã bắt đầu được nhắc đến. Đi đâu cũng thấy người ta hỏi nhau chuẩn bị Tết đến đâu rồi, nào là gạo nếp, lá dong, lợn, gà, chè, rượu…

Những câu chuyện khiến lòng người rộn ràng và ấm áp. Lũ trẻ trong xóm bắt đầu đếm ngược thời gian một cách kiên nhẫn, hồi hộp. Câu chuyện của người lớn về việc chuẩn bị Tết được chúng tôi nghe ngóng, góp nhặt lại rồi bàn tán với nhau khá rành mạch, cứ ngỡ mình là nhân vật quan trọng nhất của ngày Tết. 

Tôi vốn là cậu bé nhút nhát, vậy mà trong những ngày này, tôi sẵn sàng theo các bạn lân la khắp làng. Nhà ai dựng cây nêu, treo cờ, gói bánh lúc nào chúng tôi có mặt ngay lúc đó. Nhất là có ai đi làm xa về, thấy họ từ đầu làng chúng tôi bám theo liền, chờ đợi được cho quà, dù chỉ một vài cái kẹo cũng thấy hạnh phúc. 

Lúc đó chúng tôi chẳng thấy ngại ngùng gì cả, vì cả làng đều là anh em họ hàng. Càng đến giáp Tết, không khí càng rộn ràng. Người lớn, trẻ nhỏ háo hức chuẩn bị. Tôi thích nhất là lúc nấu bánh chưng, không khí thật vui vẻ và ấm áp. 

Nồi bánh chưng có lẽ là hình ảnh quen thuộc nhất của ngày Tết, nhà nào cũng gói, bất kể giàu nghèo. Tôi lẽo đẽo theo bố cả buổi, nào là rửa lá, vo gạo, đồ nhân… Tôi chú ý quan sát từng tí một. Nhiều lúc nghĩ bố mình thật tài giỏi, biết gói bánh chưng. 

Cái ý nghĩ rất trẻ con, nhưng nó lại là cả một bầu trời tuổi thơ hạnh phúc. Đến lúc gói bánh, dù chả giúp gì được bố, tôi vẫn đem ghế ra ngồi bên cạnh, đếm từng cái lá, từng cái lạt, từng cái bánh. 

Mấy đứa bạn kéo đến xem, chúng cũng chỉ dám đứng từ xa nhìn, sợ sơ ý làm hỏng bánh. Thỉnh thoảng có cái lá hỏng bị loại ra, tụi nó lại tranh lấy, rồi xếp, gói giống hình cái bánh. Bên trong cái bánh giả ấy có khi là mớ lá chuối khô, vỏ trấu hay ít rơm vụn. Nhìn cái bánh méo mó mà sao khuôn mặt đứa nào cũng sáng ngời hạnh phúc.

Khoảnh khắc châm bếp lửa nấu bánh là lúc chúng tôi chờ đợi nhất. Trong cái thời tiết giá lạnh, ngọn lửa bập bùng trên vách, thỉnh thoảng nghe tiếng nổ lẹt đẹt của thanh củi, của vỏ trấu. Hơi ấm của bếp lửa, của hơi nước làm cho không khí lạnh như biến mất. Mùi nếp, lá dong bốc lên thơm lừng, chỉ cần thấy cái hương vị ấy thôi cũng khiến vị giác bị đẩy lên đến mức độ cao nhất. 

Trông bánh chưng ngày Tết - 1

(Ảnh minh họa: Việt Nguyễn).

Khi bếp lửa cháy được một phần, đám than sắp tàn được gạt ra, để cho củi vào đun tiếp là lúc chúng tôi làm công việc thú vị nhất. Mỗi đứa đều chuẩn bị cho mình vài bắp ngô, vài củ khoai, củ sắn để nướng. 

Vùi ngô, khoai, sắn xuống đám than, cùng nhau chui vào trong cái ổ rơm bên cạnh thật ấm cúng. Cái ổ rơm của lúa mùa vẫn còn thơm nồng. Chúng tôi lấy rơm bện cái nùn, bện dài, quấn tròn lại, đặt lên trên nồi bánh. 

Cái nùn rơm khiến cho bọt nước đỡ bắn ra ngoài, đồng thời nó là bệ đỡ để đặt nồi nước lên, nồi nước ấy sẽ được làm nóng bằng hơi nước từ nồi bánh. Sau đó, mọi người lấy chính nước từ đó tiếp thêm cho nồi bánh chưng, bù lại phần nước đã bị bốc hơi. Chỉ khoảng mười phút ngô, khoai, sắn đã chín. 

Đám trẻ chúng tôi lấy ra ăn, đứa nào đứa nấy ăn ngấu nghiến. Vừa ăn vừa thổi hơi ra vì sức nóng của đồ ăn. Như thế mới ngon. Khuôn mặt ai cũng bị nhem bởi than bếp. Chúng tôi cũng chẳng để ý, cứ ăn cho no bụng. 

Người lớn nhìn chúng tôi ăn chỉ lắc đầu cười, thỉnh thoảng còn mắng yêu: "Ăn như sắp chết đói ấy". Người lớn cũng có niềm vui riêng của họ. Các bà, các mẹ thì ngồi nhai trầu, lựa gạo lựa đậu cho một nhà nào đó, họ lẩm nhẩm nhà còn thiếu thứ gì để ngày hôm sau đi chợ phiên mua sắm. Các ông, các bác nhâm nhi ly trà nóng bàn chuyện đụng lợn, làm giò chả…

Ngồi trông nồi bánh chưng, nhìn ngọn lửa bập bùng, chui trong ổ rơm ấm, chúng tôi cứ thế nô đùa, nghịch ngợm mà quên cả thời gian, mệt mỏi. Đến lúc có đứa ngủ quên trong ổ rơm. Cũng chả cần để ý, lát nữa bố mẹ sang bế về, ở quê là vậy, chẳng ai câu nệ gì. Càng về khuya, tiếng nổ lẹt đẹt của củi, của trấu lại càng to, ánh lửa càng rõ hơn. 

Khi hàng xóm về hết, chỉ còn lại mấy người trong nhà ngồi trông bánh chưng, ông bà, bố mẹ tôi bàn chuyện sắm Tết. Tôi ngồi thả từng nắm trấu cho vào trong bếp để lửa cháy to hơn, tưởng tượng ra đủ thứ trên đời trong bếp lửa hồng ấy. Thỉnh thoảng lại lắng tai nghe vài câu chuyện của mọi người trong nhà, mai còn khoe lũ bạn. 

Tôi chìm vào giấc ngủ với câu chuyện cổ tích "Bánh chưng, bánh dày" từ khi nào không biết… Mùi bánh chưng vẫn ngào ngạt trong kí ức tuổi thơ. 

Độc giả An Phú

Theo vietnamnet.vn