Chiếc bánh chưng con

(Dân trí) - Chiều 28 tết, mẹ chồng nói sẽ ra chợ mua mấy cái bánh chưng. Chồng tôi xua tay: “Năm nay để con gói bánh cho. Bánh con gói không đẹp như người ta nhưng chắc chắn là ngon hơn”.

Chiếc bánh chưng con - 1

Rồi anh âu yếm nói với cô con gái nhỏ: “Miu nè, bố gói thêm cho con vài chiếc bánh chưng con nhé”. Một câu nói của anh mà như đưa tôi quay về cả một vùng trời kí ức.

Tôi nhớ ngày tôi còn bé, sống ở quê, tết là dịp được chúng tôi chờ mong nhất trong suốt một năm dài đẵng đằng. Những năm 80, hầu hết mọi làng quê đều còn nghèo, cơm chưa đủ no, áo quần anh em còn thay nhau mặc. Thuở đó, đúng dịp tết mọi nhà mới gói bánh, gói giò. Nhà dù nghèo khó đến đâu, chí ít cũng lo được vài cân giò, chục cái bánh.

Bánh chưng ngày đó không có thịt, chỉ có hành và đỗ xanh, nhưng với chúng tôi mà nói, đó là những chiếc bánh ngon nhất mỗi năm mới được ăn một lần vào dịp tết.

Từ giữa tháng Chạp mẹ đã tranh thủ những ngày nắng đem lúa nếp ra phơi. Lúa sau khi xát về được mẹ cất cẩn thận. Tầm 28 tết mẹ mới mang nếp ra, áng chừng gói bao nhiêu bánh chưng thì đong bấy nhiêu bát gạo. Rồi mẹ ngâm nếp, ngâm đỗ xanh, sai lũ nhỏ chúng tôi đi rửa lá dong, ngồi bóc hành giã tỏi.

Thường là chiều 28 tết nhà nhà sẽ gói bánh chưng. Bố tôi trải chiếu ra sân, bố và anh ngồi gói, còn tôi và em trai ngồi cắt lá dong. Những chiếc bánh chưng được gói kĩ bằng bốn lớp lá dong, vuông vức, xinh xắn xếp chồng lên nhau. Cuối cùng, lúc nào bố cũng sẽ gói cho mỗi đứa một chiếc bánh chưng con nhỏ bằng bàn tay. Đó sẽ là những chiếc bánh dành riêng cho chúng tôi, sẽ được ăn trước nên vô cùng háo hức.

Nồi bánh chưng được mẹ bắc lên bếp củi, đun từ chiều tối tới tận 2, 3 giờ sáng. Trong khi canh nồi bánh chưng, cả nhà thường quây quần bên bếp lửa. Chị em chúng tôi đem khoai, đem hành lùi vào than nướng, mùi hành, mùi khoai thơm nức. Mẹ ngồi kể chuyện tết ngày xưa, thời mẹ còn trẻ. Trong ánh lửa bập bùng, khuôn mặt mẹ đăm chiêu, mẹ nhớ ông bà ngoại, nhớ những cái tết đói ăn đói mặc khi xưa. Giọng kể của mẹ vì thế rất buồn khiến tiếng nói cười trên môi chúng tôi nhỏ lại.

Mỗi sáng mai, khi chị em tôi thức dậy đã thấy từng cặp bánh mẹ treo trên xà nhà. Còn cặp bánh chưng con dành cho hai chị em mẹ để riêng trong rổ. Hai chị em chúng tôi giành lấy, đứa nào cũng mong được cái vuông vức và đẹp hơn, rồi đưa lên mũi hít hà mùi thơm của hành của tiêu hòa lẫn trong mùi nếp mới. Chúng tôi ôm bánh, mang từ nhà nọ sang nhà kia khoe chúng bạn mình đã có bánh chưng con.

Những chiếc bánh chưng con chẳng tồn tại được bao lâu vì những đứa trẻ chúng tôi quá thèm. Hai chị em, đứa nào cũng xui đứa kia ăn trước. Chị em tôi rón rén bóc từng lớp lá, rồi cứ thế, mấy đứa thay nhau cắn. Mỗi đứa hai miếng đã hết cái bánh chưng con. Lại thèm thuồng bóc cái khác ra ăn, ăn xong vẫn còn chưa thấy chán.

Thực ra, bánh chưng to bố gói nhiều, nhưng ăn cứ cảm giác không ngon bằng bánh nhỏ. Có lẽ vì ít nên ngon, hoặc cũng có lẽ vì đó là những chiếc bánh chưng đầu tiên cả năm mới được ăn nên thấy đặc biệt hơn những chiếc bánh khác.

Sau này, khi tuổi thơ đi qua, những chiếc bánh chưng con đã không còn là nỗi cám dỗ với chúng tôi nữa. Vì những đứa trẻ lúc nào chả nghĩ mình đã lớn, sẽ rất xấu hổ khi lớn rồi còn cầm chiếc bánh chưng con. Bố cũng thôi không còn gói những chiếc bánh chưng con nhưng năm nào cũng nhắc.

Giờ thì bố tôi đã già, mắt mờ chân chậm. Mỗi năm tết về, bố không thể ngồi tỉ mẩn vuốt từng chiếc lá, đong từng bát gạo để gói bánh chưng như xưa. Bố chỉ ngồi ở thềm, từng lời chậm rãi, chẳng rõ vui hay buồn: “Bây giờ cuộc sống đủ đầy, người ta chơi tết chứ không ăn tết nữa. Tết không gói bánh chưng thì không được, không gói thì thiếu mà gói thì thừa”.

Chồng tôi người thành phố, sinh ra và lớn lên trong cuộc sống đủ đầy. Anh chỉ biết gói bánh chưng khi làm rể nhà tôi, mỗi năm tết về được bố tôi chỉ dạy. Anh biết hồi nhỏ tôi rất thích những chiếc bánh chưng con. Vậy nên khi anh nói sẽ gói cho con gái vài chiếc bánh chưng con, trong tôi bỗng trào dâng một niềm xúc động.

Ngân Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm