Tôi nên làm gì khi vợ tuyên bố "tiền ai nấy tiêu"?
(Dân trí) - Tôi không biết phải nói sao để hai vợ chồng thống nhất được vấn đề tài chính. Bởi khi nghe tôi góp ý, vợ giận dỗi tuyên bố: "Đã thế thì tiền ai nấy tiêu, việc ai nấy làm".
Bạn bè trêu tôi lấy được Nga như lấy được kim cương. Biết là trêu nhưng tôi thừa nhận, tôi hãnh diện khi yêu và cưới được Nga. Nga xinh đẹp nức tiếng, rất nhiều vệ tinh theo đuổi nhưng em lại chọn tôi.
Tôi yêu không chỉ vì Nga đẹp. Cái đẹp nhất của Nga là mặc dù giàu có, nhìn bề ngoài vô cùng nổi bật, sành điệu, tính cách lại hòa nhã, lời ăn tiếng nói giản dị, không khoe khoang, kênh kiệu. Đã thế, Nga còn học giỏi, ngoan ngoãn, nhiệt tình, là lớp phó học tập rất năng nổ, dễ thương.
So với Nga, gia thế của tôi không bằng, hình thức cũng không nổi trội, nhưng tôi có sự tự tin. Vốn xuất thân từ gia đình bình thường ở quê, tôi có sự cố gắng nỗ lực, học hành thông minh, nhanh nhẹn, là người có tiếng nói trong các hoạt động đoàn thể của trường lớp.
Cho nên đối với mối quan hệ này, tôi hoàn toàn tự tin. Chúng tôi yêu nhau hai năm, ra trường 3 năm là cưới, tình yêu hoàn toàn suôn sẻ, thuận lợi.
Khỏi phải nói, chúng tôi đã hạnh phúc thế nào khi có được đám cưới trong mơ, tròn đầy viên mãn. Duy chỉ có một chuyện phát sinh mà tận khi về chung một nhà, chúng tôi mới nhận ra mình cần đối mặt và phải đưa ra thỏa thuận cùng nhau.
Đó là vấn đề về thu - chi tài chính trong nhà. Vốn dĩ Nga là "con gái rượu" trong gia đình giàu có nên xưa giờ không phải lo lắng về tiền bạc, chi tiêu.
Thói quen tiêu xài hoang phí của Nga thường xuyên khiến tôi hốt hoảng. Thời gian đầu sau cưới, tôi giao toàn bộ tiền mừng cưới và tiền lương của tôi đưa cho Nga giữ.
Tôi nghĩ "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Vợ là tay hòm chìa khóa, là người giúp chồng quản lý tài chính, chi tiêu. Nhưng tiền vào tay Nga như "gió vào nhà trống". Chỉ chưa đầy một tháng, cô ấy đã chi tiêu sạch bách số tiền mà tôi mất mấy năm tiết kiệm để cưới vợ.
Nga chuyển hết đồ cũ trong căn hộ của tôi cho người bà con, thay một loạt đồ mới sang xịn, đắt tiền. Chưa hết, Nga còn tính chuyện mua ô tô tầm trên dưới một tỷ đồng với lý do hai vợ chồng cần phương tiện đi lại vì quê chồng ở xa, nếu không đủ tiền đã có bố mẹ em trợ giúp.
Tôi không muốn mang tiếng sống dựa vào bố mẹ vợ. Tôi có sĩ diện của tôi, tôi cũng không muốn nặng nhẹ với em mãi về vấn đề tài chính, nghe có vẻ ki bo, bủn xỉn, mất mặt đàn ông.
Nhưng tôi cần em hiểu, chúng tôi chỉ mới cưới, chưa giàu có, thừa thãi gì, cũng không thể hơi chút lại xin tiền ông bà ngoại được. Mua ô tô lúc này chưa cần thiết, lâu lâu chúng tôi mới về quê một lần, cơ quan của hai vợ chồng đều không xa nhà. Trong khi đó, chúng tôi còn nhiều việc phải lo cho tương lai sắp tới, con cái, học hành...
Chẳng nói đâu xa, nếu giữ nguyên cách chi tiêu phóng tay như Nga hiện tại, không có khoản tiết kiệm nào khác, lúc bố mẹ ốm đau cần đi bệnh viện phải làm sao?
Rồi những khoản phát sinh bất ngờ như sinh nhật, đám cưới, đầy tháng con đứa bạn và vô số chi phí bất thường khác mình chưa thể tính đến, có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tôi đã tìm cách nói dễ nghe nhất để Nga hiểu ý tôi nhưng em vẫn giận dỗi tuyên bố: "Đã thế thì tiền ai nấy tiêu, việc ai nấy làm".
Tôi không biết phải nói sao để hai vợ chồng thống nhất được vấn đề tài chính. Xưa nay, mọi người mặc định phụ nữ là người giỏi vun vén tề gia, quản lý tiền bạc trong nhà. Nếu tôi đề nghị để tôi phụ trách tiền nong, sợ rằng sẽ mang tiếng là đàn ông mà chặt chẽ, so đo.
Nhưng nếu làm theo cách của Nga kiểu "thân ai nấy lo" thì còn đâu là gắn kết gia đình nữa? Tôi không muốn chỉ vì chuyện tiền nong, hai vợ chồng xảy ra căng thẳng xung đột. Giờ cũng chẳng biết làm sao để hòa hợp, thống nhất với nhau trong vấn đề tế nhị này.
Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.