Tết này giản dị!

(Dân trí) - Nhớ năm ngoái, từ tết Dương lịch, theo sự chỉ điểm, giục giã của mẹ, vợ chồng tôi đã về gửi mẹ chồng ít tiền để xem sắm Tết được gì trước thì sắm cho khỏi cập rập.

 

Tết này giản dị! - 1

Hoa đào - Hương vị Tết giản dị

Tuần sau thấy mẹ phấn khởi báo, đã nhờ ông chú làm lái xe, qua Điện Biên thì mua hộ yến gạo nếp thơm ngon có tiếng, dành nấu bánh Chưng vừa dền vừa dẻo, ăn rồi nhớ mãi. Mẹ còn khoe đã mua đủ măng, miến, mộc nhĩ xếp sẵn đó, nghe chợt thấy rộn ràng mong ngóng tết.

 

Trước tết hai tuần khá rảnh rỗi tôi liền xách làn, thong thả lượn chợ, qua hàng khô nhìn bột mì bỗng “ngứa nghề” làm bánh. Thời sinh viên cũng bày vẽ ra trò, nên biết khá nhiều loại. Lần này tôi quyết định làm bánh nhúng, vừa dễ làm, ăn lạ miệng cũng hay. Ê chân mất hơn bốn tiếng đồng hồ mới xong được ba túi đầy.

 

Chia ra một cho đằng nhà chồng, một đằng vợ, một túi biếu hàng xóm và đồng nghiệp thưởng thức, họ khen khiến tôi tự tin lên nhiều. Và quả thật món bánh ấy đắt khách nhất trong đám bánh kẹo, hoa quả ê hề ngày tết, chồng được dịp lên mặt với mấy người ngày trước chẹp miệng: “Gái thị xã chắc chẳng biết làm gì đâu”.

 

28 Tết, đi xe máy về đã thấy hương vị tết. Từng dòng người tấp nập, hối hả, mang theo những túi đồ to cộ với các gói quà lấp ló bên trong. Hành lý trên ô tô đâu đó còn được cài cành Đào tươi thắm. Người người nở nụ cười tươi vui, nô nức.

 

Đến đầu làng cảm nhận không khí thoáng đãng, trong lành của mùa xuân. Những hàng cây mọc chen lấn ngày nào giờ đã được chặt, tỉa cho thẳng lối, đường đi như sạch sẽ hơn.

 

Về nhà cũng thấy rõ được điều mới mẻ, đó là cổng, tường nhà quét màu vôi ve mới, các cánh cửa gỗ được bố và em trai tranh thủ cuối tuần sơn cẩn thận, khiến ngôi nhà trở nên sáng bóng, nổi bật.

 

Giờ chỉ còn việc chuẩn bị món ăn cho ba ngày tết. Mẹ phân công hai vợ chồng ngồi rửa lá dong, mang phơi để kịp gói bánh.

 

Hôm 29, không khí tết đã chộn rộn đâu đây.

 

Bố chồng được giao trọng trách trông coi nồi bánh Chưng. Số còn lại tham gia chương trình cuốn chả.

 

Lần đầu tiên tôi được biết món chả cuốn lá bưởi, nó gần như là món truyền thống, tết không thể thiếu.

 

Chồng và em chồng thoăn thoắt đưa miếng chả thịt đã được cuộn tròn trong mỡ chài, cuốn ngoài là lá bưởi thơm thơm cho vào xiên, tôi vẫn loay hoay khiến lá bưởi nát hết, liếc sang thấy chồng được hai ba xiên. Luống cuống mãi, lúc gần xong mới tiến bộ hơn một chút.

 

Rồi đến vụ chả thịt nướng, món tủ nên tôi làm thoăn thoắt, gỡ được ít điểm từ vụ trước.

 

Nhìn ra xung xanh, thấy bên cạnh bố chồng đang vun trấu vào bếp, xếp thêm mấy cây củi gộc ninh nồi bánh chưng và đun ấm nước, chủ yếu để sưởi ấm.

 

Ngó xuống chái bếp, thấy con gà béo núc đã bị nhốt, sẵn sàng cho nồi đông thơm mát ngày hôm sau. Rau củ đủ loại, vườn nhà trồng nên lúc nào nom cũng tươi rói, non mơn mởn. Khi cần chỉ việc chạy ra hái được cả rổ.

 

30 Tết mọi việc đã tươm tất, nhà cửa cũng gọn gàng, mẹ chồng thở phào, cười nói như khen: “Năm nay thêm người có khác, năm trước loanh quanh đến đêm chửa xong”. 

 

Sau đó mẹ giục chồng tôi mang quà sang biếu bố mẹ vợ. Lát sau thấy mẹ tôi gọi điện, thầm thì: “Nhìn con rể lỉnh kỉnh tay xách con gà, quàng theo gói bánh to, cùng chai rượu biếu bố vợ mà vừa buồn cười vừa xúc động”.

 

Chiều 30 cả nhà họp và quán triệt, sẽ giản tiện mọi việc để có thêm thời gian đi chơi, thăm hỏi người thân, không được theo những tấm gương về tết là phải “làm trâu”, phục dịch suốt mấy ngày, hết nấu nướng, ăn uống rồi rửa bát, chẳng lúc nào mà ngửng mặt lên chơi bời, thăm thú…

 

Lịch trình như sau: Đêm 30 đương nhiên phải có mặt đông đủ để thắp hương, cúng tân niên. Sang mùng 1 đi lễ tết ông bà, họ hàng làng xóm quanh nhà chồng. Mùng 2 đến bên nhà vợ. Mùng 3 về hóa vàng, mùng 4 xuống cơ quan, đi chúc tết đồng nghiệp, anh em gần đó. Rồi về nghỉ ngơi đón một năm bận rộn ít khi gặp gỡ mọi người.

 

Tết năm ấy thật vui vẻ, dự báo năm mới gặp nhiều may mắn, an lành!

 

TSL