Tâm tư của một người chồng
(Dân trí) - Sáng đi làm, gặp chị hàng xóm ở chỗ trọ cũ ngày xưa. Sau câu chào hỏi, chị bảo: “Tuần trước đi siêu thị gặp vợ em, sao dạo này nó gầy và già đi thế, nhìn mãi mới nhận ra”. Nghe xong tự nhiên thấy lòng trĩu nặng.
Về nhà, mình cứ ngồi bần thần nghĩ ngợi, đúng là càng nhìn càng thấy vợ trông gầy và già hẳn đi. Vợ thua mình bốn tuổi, vậy mà ra đường nhiều người vô tâm bảo trông cứ như hai chị em. Những lúc như thế mình cứ ha hả cười, lại còn trêu “em không cẩn thận là anh tìm mối khác đấy”, đâu hay lúc đó vợ nhíu mày, chắc lòng mông lung suy nghĩ.
Vợ mình đã thay đổi nhiều lắm rồi, đâu còn là cô gái xinh tươi ngày nào mình ngày đêm tương tư thương nhớ. Mái tóc dài óng mượt ngày nào giờ lúc nào cũng búi cao trên đầu cho gọn. Những ngón tay mềm mại thon dài ngày xưa giờ trông gầy guộc xanh xao. Khuôn mặt hồng hào ngày xưa giờ đã lốm đốm vài ba vết nám. Ngày xưa vợ hay mặc những chiếc váy ôm sát khoe những đường cong gợi cảm, nay toàn mặc những bộ quần áo rộng để che đi cái bụng ngấn mỡ. Đôi bận vợ vô tình để lộ những vết rạn chằng chịt khó coi ở vùng bụng do trải qua hai lần sinh nở, mình lại khen mấy cô em người mẫu bụng trắng mịn phẳng lì đến “cái rốn cũng xinh”.
Ngày xưa vợ hiền dịu nết na, giờ thì đụng vào chuyện gì cũng dễ dàng nổi cáu. Vợ nói nhiều hơn, cằn nhằn nhiều hơn. Những chuyện tưởng như chẳng liên quan được vợ đưa lên bàn ăn, rồi dặn chồng, nhắc con, cẩn thận như một bà già khó tính. Nên mình cứ hay cáu kỉnh “em cứ coi anh như trẻ con không bằng”. Hai đứa con cũng bắt chước bố: “chúng con lớn rồi mẹ đừng áp đặt”. Những lúc bàn luận việc gì, thường thì ba bố con sẽ về một phe, sẽ thay nhau phản biện mẹ hùng hồn. Vậy nên dù mẹ đúng vẫn luôn yếu thế.
Từ nhỏ, mình được bố mẹ dạy “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Dù mình chẳng làm ông to bà lớn gì, chẳng phải mộng lớn chí cao gì, nhưng những việc lớn nhỏ trong nhà cứ mặc kệ vợ chăm lo thu vén. Đôi lần vợ ốm, đôi dịp vợ có việc vắng nhà, thu dọn nhà cửa được đôi hôm lại tự hào rằng mình cũng đảm đang, được việc. Nhà có ba người đàn ông, dọn dẹp thì ít, bày biện thì nhiều, vô hình chung lại dồn gánh nặng không tên lên vai vợ.
Vợ có còn nói những lời ngọt ngào với mình không? Có đấy. Nhưng mỗi lần như thế mình lại thường đáp lại bằng một câu không thể tệ hơn “em có việc gì cần nhờ anh à?” , “hôm nay em có việc gì vui mà tử tế đột xuất thế” khiến vợ chưng hửng quay đi hờn dỗi.
Hai đứa con được mẹ chăm cho từng li từng tí vậy mà chẳng hiểu sao chỉ thích quấn bố. Có lẽ bởi vì bố chẳng bao giờ quát nó phải để đồ đúng chỗ, phải học bài đúng giờ, phải ăn hết suất cơm, không gào thét bắt nó tắt game trên điện thoại để đi ngủ. Bố luôn dung túng cho mọi yêu sách mè nheo của con, bố luôn đóng vai ông tiên hiền lành và nhường “vai ác” cho mẹ.
Đã có lần mình vô tâm hỏi vợ: “sao em khác xưa nhiều thế. Người ta cũng có chồng có con, cũng phải đi làm và lo toan cho gia đình, sao người ta vẫn rạng ngời xinh đẹp, vẫn dịu dàng nhẹ nhàng như thế?”. Vợ nhìn mình: “Lúc nào anh được như chồng người ta rồi hãy đem vợ người ta ra mà so sánh với vợ mình”. Lúc đó mình tự ái kêu “chồng người ta thế nào, anh thì làm sao. Khối kẻ ra đường gái gú về nhà mắng vợ đánh con. Chồng em thì chẳng nghiện ngập thứ gì, em còn may mắn chán”. Vợ nghe xong buồn buồn thôi tranh luận. Mình tưởng những mối lo của vợ là vụn vặt, nhưng thật ra là do mình không đủ quan tâm để biết rằng nó cũng rất phiền hà và mệt mỏi.
Cho đến hôm nay nghe người ta than vợ mình gầy gò già cỗi, mới giật mình nhận ra rằng mình quá hờ hững và vô tâm. Làm phụ nữ thực ra khó lắm, thực ra không dễ dàng: ở cơ quan thì phải giỏi giang, về nhà lại không được tỏ ra giỏi hơn chồng. Ra đời phải mạnh mẽ để không bị bắt nạt, về nhà lại phải tỏ ra dịu dàng yếu đuối. Con hư một chút thì đổ rằng tại mẹ, chồng lít nhít lăng nhăng thì bị trách không biết giữ chồng. Chồng chẳng muốn động tay động chân gì đến việc nhà, lại còn đòi hỏi vợ phải luôn dịu dàng xinh đẹp.
Thỉnh thoảng mình cũng đăng vài bức ảnh cho vui lên facebook, khi thì đang quần đùi áo cộc lau nhà, khi thì đeo tạp dề vào bếp, một tay cầm đũa, một tay bế con. Những bức ảnh “tự sướng” ngay lập tức được bạn bè like tới tấp rồi còn phong cho danh hiệu “ông chồng của năm”, “ông bố của năm”. Nhưng vợ mình thực tâm không cần những nút like ảo tưởng ấy. Có lẽ điều vợ cần chỉ là mình làm cho vợ thấy vợ là một người mẹ, một người vợ đúng nghĩa chứ không phải là một “người giúp việc” trong chính ngôi nhà của mình.
L.G