"Chồng ơi, hãy nghe cách ông Obama nói về vợ"
(Dân trí) - "Obama là con người của công chúng, là nhân vật tạo nên nền tảng di sản ngoại giao", anh vẫn nói về ông ấy như vậy. Nhưng còn một Obama nữa sao anh không đề cập đến: Người đàn ông của gia đình!
Bao giờ cũng vậy, 12 giờ trưa, 7 giờ tối là thời gian vàng để anh căng tai, căng mắt nghe và tìm thần tượng của mình: ngài Obama. Khoảnh khắc đó trôi qua, anh gọi vợ lên để vấn đáp về vấn đề được đề cập đến. Anh nói say sưa như thể trước mặt mẹ con em, anh là một diễn giả hay chính khách, thậm chí là phát ngôn viên của cựu tổng thống Mỹ. Nào là chính sách đối nội, luật Obamacarre cho đến chính sách đối ngoại cứng rắn với Nga hay Trung Quốc... Phải thừa nhận rằng, chồng em có cái nhìn kín kẽ về nước Mỹ và ngài tổng thống, vì vậy nói với ai, ở đâu, mọi người đều nhận xét: Ông này sâu sắc, hiểu biết đầy mình.
Thế nhưng khi báo chí, truyền thông nói đến những hình ảnh, câu nói, cử chỉ của ngài Obama với phu nhân Michelle, anh có vẻ phớt lờ và chặc lười: Chính trị gia thì làm màu như thế!
Obama là con người của công chúng, là nhân vật tạo nên nền tảng di sản ngoại giao. Anh vẫn nói về ông ấy như vậy. Nhưng còn một Obama nữa sao anh không đề cập đến: Người đàn ông của gia đình!
Ngài ấy là người chồng, người cha chu đáo, tận tình trong mắt vợ , con. Không ngại chốn đông người, dù đó là trên sân vận động hay bên lề các cuộc họp cấp quốc gia, châu lục, Obama luôn để mắt tới vợ và trao cho bà ánh nhìn hay cái hôn nồng thắm.
Dẫu biết rằng, chính khách luôn hành xử theo chuẩn mực và đậm chất nghệ thuật, nhưng dân chúng Mỹ và cả thế giới sẽ nhận ra ngay nếu chất nghệ thuật ấy không xuất phát từ trái tim, sự chân thành và thành thật.
Cha ông ta có câu: “Đàn bà yêu bằng tai, đàn ông yêu bằng mắt”, không biết Ngài ấy có biết đến thành ngữ của người Việt không mà vận dụng hay đến thế. Obama không thấy ngượng ngùng khi tỏ tình với vợ mình trước ống kính máy quay, hẹn hò vợ sau những chuyến công du dài, dù hôn nhân của họ đã đi qua hơn hai thập kỉ.
Nhìn lại mình, gần mình, “made in Việt Nam” chính hiệu lại một trời một vực với ngài ở xứ trời Tây.
Ở cơ quan, mình gọi nhau là đồng nghiệp, trong tổ chức đoàn thể mình gọi nhau là đồng chí… Nhưng trở về nhà, hai đứa mình lại hoàn toàn khác biệt.
Em đã vứt bỏ cá tính của mình để làm tròn bổn phận của người vợ và mẹ của các con anh. Sau giờ tan sở, vợ vội về nấu những món ăn mà anh và con thích. Có thể chưa được hoàn hảo như nhà hàng, nhưng gia vị chính là tình cảm, tâm huyết vợ bỏ vào trong đó. Nhưng đến bữa ăn thấy vị chát mặn đầu môi: “Bổn phận của đàn bà, ăn cho là may. Nhận xét gì đây nữa”.
Lâu rồi cũng thành quen, vợ tự an ủi mình và vo tròn trong hai từ “bổn phận”. Để thấy vui mỗi lần anh đưa bạn bè về chơi, giới thiệu hùng hồn: vợ tớ nấu ăn cũng được. Nhưng là do tớ huấn luyện mới được như thế đấy!”. Chẳng biết em nên buồn hay nên vui hay nên chui xuống một lỗ nẻ nào dưới chân mình.
Em vẫn nhớ như in những lần đi công tác xa về, ga tàu không xa nhà mình, nhưng vợ vẫn tự về bằng taxi bởi đã biết tính anh không thích đón đưa ai. Thôi kệ, thế càng chủ động, đỡ làm phiền!
Thỉnh thoảng vợ chồng mình cũng đi chơi, nhưng chưa đi đã giục về, gặp bạn bè anh là em tự xử lấy. Ngồi sau xe không được hỏi sẽ đi đâu, thấy cảnh đẹp vợ ngắm chút là nguýt dài: "Còn trẻ quá ấy!". Thành ra, nhiều lúc vợ chỉ muốn được một mình một ngựa mà thả hồn cho sông, cho núi, cho quên đi ông chồng khô khan và cộc lốc của mình, nhưng cũng để rồi phải về sớm mà lo “bổn phận”.
Chồng em! Chúng ta là người trần chứ không phải thánh thần, nên không thể hoàn toàn hoàn hảo. Em cũng vậy và anh cũng thế, kể cả ngài Obama của anh cùng với vợ ông ta. Nhưng tiếc gì một lời nói, dù không gian là phòng riêng của vợ chồng ta, em ao ước được nghe một lần: “tôi đã cưới người tôi yêu, người bạn lớn nhất trong cuộc đời tôi” hay đại loại như thế, điều mà thần tượng của anh đã nghẹn ngào trong bài phát biểu cuối cùng trên cương vị tổng thống Mỹ. Liệu có quá sức không anh hay em sẽ còn phải chờ và chờ thêm nữa?
Lâm Huyền