Sinh viên mới ra trường và áp lực "mang tiền về cho mẹ"

Ngọc Linh

(Dân trí) - Vừa ra trường lại gặp những khó khăn vì dịch bệnh, không ít bạn trẻ mất đi nhiều cơ hội để phát triển bản thân và tìm kiếm một công việc ổn định.

Tết Nguyên Đán năm nay, khi đã trở thành "những đứa trẻ phải đi xa nhà", mỗi bạn trẻ thế hệ Gen Z vừa tốt nghiệp Đại học lại có một tâm lý rất khác nhau.

Có nhiều bạn cảm thấy hào hứng khi bắt đầu trở thành người "phát lì xì", nhưng cũng có bạn cảm thấy áp lực khi chưa thể tự lập vững vàng tài chính để "mang tiền về cho mẹ" trong dịp Tết.

Bạn Lò Thanh Minh (Sơn La) vừa tốt nghiệp Đại học trong năm 2021. Thay vì lựa chọn bươn chải ở thành phố, Minh đã trở về quê tìm kiếm những cơ hội cống hiến cho quê nhà bằng những kiến thức đã học trong 4 năm.

Thanh Minh chia sẻ: "Với một người vừa tốt nghiệp ra trường như mình thì Tết không đơn thuần chỉ là một chuỗi ngày vui mà nó còn gây ra những áp lực đáng kể.

Những câu hỏi về định hướng, về công việc, về tiền lương, về việc lập gia đình được đặt ra một cách chóng mặt từ người thân.

Sinh viên mới ra trường và áp lực mang tiền về cho mẹ - 1

Thanh Minh vừa hoàn thành chương trình Đại học trong năm 2021 (Ảnh: NVCC).

Mục đích của việc đưa ra câu hỏi như thế chủ yếu chỉ để thăm dò và kịp thời động viên con cháu, nhưng nó vô tình khiến mình phải suy nghĩ và bận tâm. Đặc biệt, như mình vừa là con cả trong gia đình, lại vừa là anh lớn của đại gia đình bên nội, nỗi áp lực lại càng nhân đôi".

Thanh Minh cũng cho biết, những câu hỏi trên thường được đặt ra chủ yếu từ người thân ở xa, ít có dịp về sum họp. Bố mẹ và họ hàng kề cận thì gặp nhau thường xuyên nên những gì cần hỏi và chia sẻ mọi người đã hỏi từ trước đó.

Với Minh đó cũng là điều khiến bạn cảm thấy áp lực trong Tết năm nay. Nhưng bạn trẻ này lại cho rằng, đó là áp lực chung mà ở độ tuổi 23, 24 như Minh ai cũng sẽ phải trải qua.

Khác với Thanh Minh, bạn Lê Hằng (Hà Tĩnh) lại cho rằng: "Đối với mình thì áp lực lớn nhất trong những ngày cận kề Tết này là vấn đề có người yêu. Có bạn trai chưa con? Năm nay có dẫn đứa nào về ra mắt bố mẹ không?... Những câu hỏi như vậy là áp lực đè nặng lên vai những con người cô đơn như mình", Hằng cười nói.

Lê Hằng sinh ra và lớn lên ở miền Trung, trong nhà cũng ít anh em nên bố mẹ luôn mong ngóng các con lập gia đình sớm.

Tuy nhiên, Hằng chia sẻ, bản thân cô nàng lại là người khá độc lập và chưa quá kỳ vọng vào việc có bạn trai hay lập gia đình. Vậy nên về nhà trong dịp Tết nỗi ám ảnh việc "mang rể về cho mẹ" vẫn luôn khiến Hằng áp lực.

"Thôi thì năm nay coi như "nháp" năm sau cố gắng mang rể về ra mắt bố mẹ vậy.

Sinh viên mới ra trường và áp lực mang tiền về cho mẹ - 2

Lê Hằng gặp áp lực vì những câu hỏi "Bao giờ lấy chồng"? (Ảnh: NVCC).

Còn về vấn đề tài chính năm nay, mặc dù dịch bệnh khá khó khăn, đánh mất đi nhiều cơ hội, nhưng mình may mắn vì công việc vẫn khá ổn định nên mình cũng không lo lắng lắm về vấn đề đó.

Việc được phát lì xì các em hay biếu quà bố mẹ, mọi người trong nhà là việc mình rất thích. Được phát lì xì chứng tỏ mình đã thực sự "lớn" rồi", Hằng chia sẻ.

Không phải bạn trẻ nào sau khi ra trường cũng "đủ duyên" để theo đuổi công việc đúng ngành nghề như Hằng. Với những bạn lựa chọn một công việc trái ngành sau khi ra trường, những thách thức, khó khăn chất chồng gấp bội.

Chính vì điều đó mà áp lực lại càng lớn hơn khi dịp Tết cận kề vì nhiều lý do khác nhau, bạn Nguyễn Trung (Thái Bình) chia sẻ: "Tết có áp lực không? Tất nhiên là có chứ! Nhưng dù sao đây cũng là dịp mà cả nhà được quây quần bên nhau sau một năm dài làm việc mà.

Năm vừa qua là một năm rất đặc biệt đối với mình, mình đã chọn bỏ công việc đúng ngành học để ra kinh doanh. Khi mà mọi thứ chưa thực sự ổn định thì đã đến Tết rồi.

Vậy nên Tết này mình cũng nhiều thứ phải lo hơn, nào là tính toán hàng hóa như thế nào để không bị tồn sang năm mới, bán đến khi nào để kịp gửi đến tay khách trước Tết...

Hơn nữa, đa phần mọi người đều nghĩ rằng, mình kinh doanh ổn lắm, chứ không biết đến những lúc khó khăn, được mất ra sao", Trung tâm sự.

Sinh viên mới ra trường và áp lực mang tiền về cho mẹ - 3

Lựa chọn từ bỏ công việc đúng ngành để kinh doanh riêng, Trung gặp không ít khó khăn và áp lực khi Tết cận kề (Ảnh: NVCC).

Vì những khó khăn đó, chỉ nghĩ đến việc phải đối mặt với những câu hỏi từ cô dì chú bác như "Năm nay công việc thế nào?" , "Năm nay kinh doanh tốt chắc biếu bố mẹ nhiều lắm đây" mà nỗi sợ Tết đến lại khiến Trung cảm thấy áp lực.

Khi được hỏi, liệu những bạn trẻ như Trung có buồn không khi hết tuổi được nhận lì xì, thậm chí còn phải "phát lì xì", Trung cười nói:

"Mình thì thấy khá vui vì chuyện này, bởi không được nhận lì xì nữa như một sự "ngầm" công nhận việc mình đã trưởng thành, đã làm ra tiền báo hiếu ông bà, bố mẹ.

Cả năm vất vả ngược xuôi để tự thân kiếm được những đồng tiền bằng mồ hôi, công sức. Tết này tự tay lì xì cho ông bà, bố mẹ và đàn em nhắng nhít cũng vui mà".

Còn bạn, bạn có gặp bất cứ một áp lực nào khi Tết đến không? Hãy cùng chia sẻ nhé!