Yêu bao lâu là "đủ" để tiến tới hôn nhân?
(Dân trí) - Yêu bao lâu là "đủ" để đi tới hôn nhân? Chắc hẳn không ít người vẫn đắn đo câu hỏi này mãi trong đầu, thậm chí là nghi ngại chính mình trước ngưỡng cửa hôn nhân.
Yêu nhau bao lâu thì kết hôn? Đã yêu gần một thập kỷ rồi tại sao chưa cưới? Mới yêu nhau 1-2 tháng kết hôn liệu có quá vội vàng hay không? Có lẽ khi đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân, trước khi quyết định kí tên mình lên một tờ giấy để đảm bảo tính pháp lý, sự ràng buộc trách nhiệm trong một mối quan hệ, ai cũng đã từng một lần đắn đo trước những câu hỏi này.
Chia sẻ về vấn đề trên, chuyên gia tâm lý học lâm sàng, Thạc sĩ Nguyễn Hạnh Ngân (Giám đốc Trung tâm tư vấn và chăm sóc rối nhiễu tâm trí) chia sẻ: "Chúng ta thường lấy thời gian làm thước đo để kiểm chứng tình yêu, để cân đo đong đếm mức độ của một mối quan hệ. Quan điểm này không sai, tuy nhiên cần phải nhận thấy rằng, để xây dựng một mối quan hệ bền vững, thời gian chỉ có vai trò là yếu tố "cần".
Trong xã hội hiện đại, có rất nhiều mối quan hệ đã có yếu tố "cần", nhưng chưa tìm được yếu tố "đủ" nên mặc dù đã yêu nhau rất lâu nhưng không đi đến cái kết hôn nhân". Trong suốt quá trình nghiên cứu và làm việc tại trung tâm, chuyên gia Hạnh Ngân cho biết, có một vài nguyên nhân dẫn đến việc ngại kết hôn dù đã yêu nhau một thời gian rất dài như:
Không còn sự trân trọng khi yêu quá lâu
Khi bắt đầu một tình yêu, người ta thường trân trọng những điều đơn giản nhất. Họ luôn muốn đối phương xuất hiện trong mọi khía cạnh trong cuộc sống của mình. Họ cho rằng đối phương là mảnh ghép còn lại để cuộc sống của mình trở nên hoàn hảo nhất, nên luôn cố gắng phấn đấu hoàn thiện bản thân và vun đắp cho mối quan hệ mới.
Tuy nhiên theo thời gian, bắt đầu xuất hiện những suy nghĩ chủ quan, theo kiểu trước sau gì cũng thành vợ thành chồng nên không còn trân trọng nhau như ngày đầu, không còn phấn đấu vì nhau như thuở trước. Những toan tính thực tế đã dần thay thế cho sự lãng mạn của ngày xưa.
Tình yêu không còn là ưu tiên hàng đầu
Với những cặp đôi đã cùng nhau trải qua gần một thập kỷ, có nghĩa là họ đã trải qua thời gian "tình yêu gà bông" không toan tính, âu lo, từng thề nguyện sống chết với tình yêu. Tuy nhiên ở hiện tại, họ phải đối mặt với rất nhiều, quá nhiều nỗi lo về cơm áo gạo tiền để duy trì cuộc sống, vì vậy, có nhiều việc cần làm hơn là yêu. Tình yêu lúc này không còn quá quan trọng với người trưởng thành.
Hơn nữa, cũng vì yêu lâu nên đôi khi người ta trở nên thờ ơ, không còn vun vén cho mối quan hệ của mình như lúc ban đầu. Cũng có khi do tình yêu được xây dựng trên những kỳ vọng quá nhiều, những đòi hỏi quá cao, khi không được đáp ứng, họ trở nên thất vọng, buông xuôi, không còn động lực để tiến tới hôn nhân.
Không muốn rời vùng an toàn, ngại thay đổi
"Tôi cho rằng, đây là một trong những lý do khiến người trẻ hiện nay luôn muốn trì hoãn việc lập gia đình. Kết hôn đồng nghĩa với việc trách nhiệm của họ tăng lên rất nhiều, họ không còn thời gian cho những niềm vui, sở thích của bản thân nữa. Vì vậy không ít người trẻ có quan niệm "hay là yêu thôi đừng cưới".
Tôi cũng có những người bạn cho rằng "đăng kí kết hôn chỉ là một tờ giấy, không liên quan gì đến trách nhiệm hôn nhân.Người sống có trách nhiệm thì không cần đến tờ giấy này họ cũng sẽ làm tròn bổn phận. Người không có trách nhiệm thì dù có 10 tờ giấy đăng kí kết hôn thì cũng không giữ họ lại bên mình được". Vì vậy, không ít người trẻ lựa chọn việc yêu và không kết hôn để tránh sự ràng buộc về pháp lý", chuyên gia Hạnh Ngân bày tỏ.
Những mối quan hệ mới hoặc người thứ ba
Có nhiều mối quan hệ yêu đương không thể đi đến hôn nhân vì sự xuất hiện của "người thứ ba". Trong khi tình yêu lâu năm đang rơi vào cũ mòn, nhàm chán thì người thứ ba thật sự là một nguy cơ "một cái lại bằng tạ cái quen", là một nhân tố tác động mạnh từ bên ngoài khiến tình yêu đổ vỡ.
Trên quan điểm của người phụ nữ, khi phải chia tay mối tình gắn bó với mình gần một thập kỷ, đã có không ít người rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực trong một khoảng thời gian dài.
Thế nhưng ngay cả những người đàn ông khi bị bỏ rơi sau một mối tình quá lâu, bản thân họ cũng gặp phải những tổn thương tâm lý vô cùng lớn. Ngược lại cũng có những cặp đôi vì sự thay lòng của đối phương mà tự nhìn nhận lại chính mình. Sau khi kết thúc một mối tình dài họ lại có động lực bứt phá hơn so với cuộc sống quá quen thuộc.
Như thế nào là "đủ" để tiến tới hôn nhân?
"Yêu lâu" không có nghĩa là đã "đủ"
Theo thạc sĩ Nguyễn Hạnh Ngân, trong mối quan hệ yêu đương, khi đủ yêu thương, đủ là chính mình, đủ suy nghĩ thấu đáo, đủ cảm thông, đủ sẻ chia… thì các cặp đôi có thể tính tới chuyện cùng nhau tiến tới hôn nhân. Bởi sau khi kí tên vào tờ giấy đăng kí kết hôn, chỉ có tình yêu thôi chưa đủ, điều quan trọng là suy nghĩ thấu đáo, sống có trách nhiệm và đảm bảo sẽ mang lại hạnh phúc cho người bạn đời của mình. Đăng kí kết hôn không chỉ có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý, nó còn là minh chứng cho một bước tiến quan trọng của tình yêu.
Kết hôn khi nhận được sự đồng thuận từ phía gia đình hai bên
Sự đồng thuận từ phía gia đình hai bên là một trong những yếu tố "cần" để quyết định hôn nhân của bạn có bền vững hay không. Nếu gia đình hai bên yêu thương, thấu hiếu, đồng cảm với nhau thì cuộc sống hôn nhân sẽ dễ ràng hơn rất nhiều. Khi các bạn có mâu thuẫn trong hôn nhân, người giúp các bạn hóa giải mâu thuẫn và yêu thương nhau hơn, chắc chắn có một phần tác động từ phía gia đình.
Chuẩn bị một nền tảng kinh tế vững chắc trước khi kết hôn
Xã hội ngày một phát triển, chúng ta không thể sống với nhau bằng "một túp lều tranh hai trái tim vàng". Để tránh những mâu thuẫn trước, trong hôn nhân, chúng ta cần có công việc và sự nghiệp ổn định để xây dựng một nền tảng kinh tế vững chắc.