Rối loạn nhân cách ái kỷ - mối nguy khi trẻ chỉ biết yêu bản thân mình

(Dân trí) - Con luôn muốn mình là cái rốn của vũ trụ, luôn tự hâm mộ và coi trọng bản thân mà không chú ý đến mọi người xung quanh, đây thực chất là những dấu hiệu cho thấy con bạn có thể đã mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ.

Rối loạn nhân cách ái kỷ - mối nguy khi trẻ chỉ biết yêu bản thân mình - 1
Cha mẹ cần lưu ý khi con có những dấu hiệu tự luyến nghiêm trọng

Rối loạn nhân cách ái kỷ là gì?

Đây là một hội chứng rối loạn tâm lý liên quan đến sự yêu thích vô bờ bến tự dành cho bản thân, tự hâm mộ và coi trọng bản thân cũng như những yêu cầu, mong ước của mình.

Những đứa trẻ mắc chứng này luôn cho rằng chúng là quan trọng và xứng đáng được đối xử đặc biệt hơn người khác. Đồng thời, chúng không hề coi trọng cảm xúc của mọi người xung quanh mà chỉ chú ý đến bản thân.

Phân biệt trẻ bình thường và trẻ ái kỷ

Các bậc phụ huynh cần sớm nhận ra sự khác biệt giữa trẻ bình thường và trẻ bị rối loạn nhân cách ái kỷ, cụ thể như sau:

Trẻ bình thường: Mong muốn sự chú ý của mọi người nhưng thường biểu hiện phù hợp với độ tuổi. Trẻ biết ơn và trân trọng khi được mọi người chú ý.

Trẻ thích được coi trọng, được tỏa sáng hay có thể sắm vai người hùng, siêu nhân nhưng trẻ tự biết đây là những mong muốn không thực. Do đó, yêu cầu của trẻ thường thực tế và có thể thực hiện được. Trẻ có nhiều bạn và có mối quan hệ tốt với mọi người trong gia đình.

Trẻ bị rối loạn nhân cách ái kỷ: Trẻ tìm kiếm sự chú ý vì cho rằng đây là quyền lợi của mình và không thể hiện sự biết ơn khi nhận được quan tâm hay tình cảm từ bố mẹ.

Trẻ tin rằng chúng rất vĩ đại và những người khác đều thấp kém hơn mình. Đồng thời, trẻ có sự đòi hỏi cao đến mức vô lý với mọi người xung quanh và khó tìm được bạn bè cũng như duy trì tình bạn.

Dấu hiệu nhận biết

Rối loạn nhân cách ái kỷ sẽ khiến con bạn có những biểu hiện bất thường đáng được lưu ý như sau:

  • Trẻ cho mình là quan trọng nhất.
  • Trẻ muốn có những thành tựu cũng như quyền lực không thực tế và nghĩ mình có quyền có được mọi thứ mà chúng yêu cầu.
  • Trẻ lo lắng khi ở một mình.
  • Trẻ tin rằng mình tài giỏi hơn tất cả những đứa trẻ khác.
  • Trẻ không hiểu được những mong muốn, nhu cầu của bạn bè cùng trang lứa.
  • Trẻ kiêu căng, thường thổi phồng năng lực và thành công của bản thân.
  • Trẻ có tính lợi dụng và hành vi cơ hội.
  • Trẻ ghen tỵ với thành công của người khác.
  • Trẻ không thể tiếp thu các ý kiến đóng góp tích cực, dễ cảm thấy bị tổn thương, bị xúc phạm.
  • Trẻ có xu hướng đổ lỗi cho mọi người khi gặp thất bại.

Trà Xanh

Theo Mom