7 mẹo giúp cha mẹ giao tiếp hiệu quả với con tuổi teen

Không ít phụ huynh có con bước vào tuổi thanh thiếu niên phản ánh rằng, họ rất khó giao tiếp với con đặc biệt là con trai. Nhiều đứa trẻ bình thường đang rất ngoan nhưng khi bước vào tuổi dậy thì, chúng bỗng trở nên ương ngạnh, khó bảo.

7 mẹo giúp cha mẹ giao tiếp hiệu quả với con tuổi teen - 1

Cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện với trẻ, đặc biệt là trẻ trai để hiểu con hơn. Ảnh minh họa

 

Chị Minh Uyên (ở Biên Hòa, Đồng Nai) kể rằng, Tuấn - con trai năm nay 15 tuổi luôn là cậu bé ngoan ngoãn dễ thương, hay thủ thỉ trò chuyện cùng mẹ. Thế nhưng từ ngày vỡ giọng dậy thì, Tuấn trở nên ít nói, hạn chế giao tiếp với mẹ. Nhiều lần chị Uyên tìm cách nói chuyện với con nhưng Tuấn thường lảng đi không nghe. Vì lo con có vấn đề gì đó nên chị Uyên càng cảm thấy lo lắng hơn. Không ít lần chị gọi con ngồi xuống nói chuyện gì đó nhưng con trai dường như không hợp tác. "Mẹ thì cố sức nói nhưng con cứ tỏ ra uể oải, bồn chồn như đang bận việc gì đó. Tệ hơn là cháu cứ càu nhàu trả lời mẹ, thậm chí có lúc còn hét lên giận dữ", chị Uyên chia sẻ câu chuyện của mình.

Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, trẻ bước vào tuổi thanh thiếu niên thường có tâm lý thích khẳng định, trong khi bản thân trẻ lại đang bước vào một giai đoạn khó khăn nhất, đặc biệt là khó khăn trong giao tiếp với chính bản thân mình. Bởi vậy, nếu không thấu hiểu con, bố mẹ rất khó để giao tiếp với trẻ trong lứa tuổi này. Đặc biệt đối với các bé trai, người mẹ rất khó để giao tiếp cùng con. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi người mẹ nào đó cố gắng nói chuyện với con nhưng dường như không thành công. Đây được xem như là một thách thức không của riêng phụ huynh nào khi có con bước vào tuổi dậy thì.

Theo các chuyên gia tâm lý, để giao tiếp với con tuổi teen thành công, ngoài tình yêu và thấu hiểu ra, bố mẹ cũng cần trang bị cho mình nghệ thuật giao tiếp với con hiệu quả.

Lắng nghe

Nếu bố mẹ tò mò muốn biết những gì đang xảy ra trong cuộc sống của con, những câu hỏi trực tiếp thường không hiệu quả bằng việc chỉ đơn giản là ngồi lại và lắng nghe. Trẻ em có nhiều khả năng cởi mở với cha mẹ nếu chúng không cảm thấy áp lực khi chia sẻ thông tin.

Thể hiện sự tin tưởng

Tuổi thanh thiếu niên thường muốn được công nhận một cách nghiêm túc từ bố mẹ. Bởi vậy bố mẹ nên tìm cách thể hiện rằng mình tin tưởng vào con.

Bố mẹ hãy tỏ ra cho con biết rằng, con là chỗ dựa đầy sự tin tưởng của bố mẹ. Hãy thường xuyên nhờ con làm điều gì đó và cho con thấy rằng, bố mẹ nghĩ là con có thể xử lý nó. Việc này sẽ giúp con tự tin hơn và mở lòng hơn khi giao tiếp cùng bố mẹ.

Đừng là một kẻ độc tài

Bố mẹ vẫn có thể đặt ra các quy tắc, nhưng hãy sẵn sàng giải thích cho con. Mặc dù việc đặt ra ranh giới là rất cần thiết nhưng bố mẹ cần phải giải thích chu đáo lý do tại sao con lại không được phép vượt qua ranh giới đó. Như vậy, sẽ khiến quy tắc mà bố mẹ đặt ra cho con có vẻ hợp lý hơn và sẽ khiến chúng chấp nhận.

Hãy khen ngợi

Bố mẹ có xu hướng khen ngợi con nhiều hơn khi chúng còn nhỏ mà quên mất rằng, lứa tuổi thanh thiếu niên cũng rất cần sự tăng cường lòng tự trọng. Con rất cần được bố mẹ thường xuyên khen ngợi. Các có thể thích hành động như thể chúng hết sức tuyệt vời mà không cần đến sự quan tâm của bố mẹ. Nhưng sự thật là con vẫn muốn sự chấp thuận của bố mẹ. Bởi vậy bố mẹ nên tìm mọi cơ hội để khen ngợi khuyến khích con. Điều đó giúp cho mối quan hệ giữa bố mẹ và các con được tốt hơn, đặc biệt khi khi con cảm thấy căng thẳng.

Kiểm soát cảm xúc của bạn

Bố mẹ thường rất khó kiềm chế được sự nóng giận khi con hỗn hào. Nhưng là bố mẹ cần phải đặt cho mình một nguyên tắc là không được đánh con. Hãy nhớ rằng, bố mẹ là người trưởng thành và con ít có khả năng kiểm soát cảm xúc của chúng hơn. Khi cảm thấy nóng giận, bố mẹ hãy đếm đến mười, hoặc hít thở sâu trước khi trả lời. Nếu cả bố mẹ và con đều bức xúc thì tốt nhất, bố mẹ hãy tạm kết thúc câu chuyện cho đến khi có cơ hội bình tĩnh trở lại.

Làm mọi việc cùng nhau

Nói chuyện không phải là cách duy nhất để giao tiếp. Trong khoảng thời gian con bước vào tuổi thanh thiếu niên, thật tuyệt nếu bố mẹ có thể dành thời gian làm những việc mà cả gia đình cùng thích, cho dù đó là nấu ăn hay đi bộ đường dài hoặc đi xem phim, mà không nói về bất cứ điều gì cá nhân. Điều quan trọng là các con phải biết rằng, chúng có thể ở gần bố mẹ và chia sẻ kinh nghiệm tích cực mà không phải lo lắng rằng bố mẹ sẽ "xâm phạm vào đời tư" của chúng.

Thường xuyên vui vẻ trong những bữa cơm gia đình

Ngồi ăn cùng con trong những bữa cơm gia đình là một cách tuyệt vời khác để bố mẹ gần gũi với những đứa con tuổi teen. Trò chuyện trong những bữa cơm gia đình về những chủ đề mà con yêu thích là cơ hội tuyệt vời để bố mẹ giao tiếp với con. Những đứa trẻ tuổi teen cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với bố mẹ về những điều hàng ngày có khả năng sẽ cởi mở hơn khi những điều khó khăn hơn xuất hiện.

Theo Ngân Khánh

Gia đình và Xã hội