Ra trường - dấu chấm hết cho những cuộc tình?

Tình yêu thời giảng đường là tình yêu được bao cấp theo đúng nghĩa của nó. Nhiều cuộc tình mặn nồng thời sinh viên đã tan tành chỉ sau ngày nhận bằng tốt nghiệp. Chưa ai thử làm phép thống kê xem có bao nhiêu cặp tình nhân chia tay nhau khi kết thúc quãng đời sinh viên.

Tình yêu dễ phôi phai

 

Theo Sơn, sinh viên trường ĐH Mở Bán công thì chỉ tính riêng trong lớp cậu ta đã có 6 cặp trong tổng số 8 cặp yêu nhau từ năm nhất đến năm tư thì chia tay - thống kê vào thời điểm cả lớp nhận bằng tốt nghiệp, số phận của hai đôi còn lại cũng mong manh dễ vỡ. 

 

Hoa và Cương - sinh viên trường ĐH KHXH&NV cũng vừa chia tay sau gần bốn năm gắn bó. Cương tâm sự: “Bốn năm bên nhau, chia sẻ đủ thứ chuyện, có thời gian thuê nhà sống chung, thế mà chỉ hơn 1 tháng xa nhau cô ấy lại gọi điện thoại nói lời chia tay chỉ vì mình không lo nổi cho cô ấy khi ra trường”.

 

Vì đâu?

 

Công việc là nguyên nhân dễ khiến các cặp tình nhân chia tay nhau trong thời hậu sinh viên nhất.

 

Vừa tốt nghiệp, V.A – cựu sinh viên khoa CNTT trường ĐH Bách khoa TPHCM  được nhận vào làm ở một Cty tin học với mức lương khá cao, trong khi người yêu của cô phải chạy ngược xuôi xin việc với tấm bằng cử nhân Xã hội học. Gần ba tháng người yêu của V.A vẫn chưa tìm được việc, lâu lâu cô phải cho chàng tiền xài vì bố mẹ anh ta đã cắt chu cấp từ ngày tốt nghiệp.

 

Quá chán nản, V.A trách người yêu: “Ngay cả lo cho mình cũng không được sao tính chuyện lâu dài”. Thời gian hai người gặp nhau ít dần. Và mỗi lần gặp nhau V.A luôn nhắc chuyện công việc.

 

Vừa buồn tình cảnh của mình vừa trách V. A không thông cảm, người yêu của cô đành nói lời chia tay. “Mình thương anh ấy lắm chứ, nhưng không hiểu sao từ khi ra trường đi làm mình nhìn tình yêu theo hướng thực hơn và mình lo cho tương lai của cả hai”.

 

…Và còn vô số lý do vừa chính đáng vừa không chính đáng khiến nhiều bạn trẻ chia tay tình yêu thời sinh viên. Ví như chàng phải về quê làm việc, nàng đi làm công việc mà chàng không thích…

 

Đôi điều cần nói

 

Có thể thấy những sinh viên chia tay nhau khi kết thúc thời gian ngồi trên giảng đường đều xuất phát từ những suy nghĩ nông cạn, thiếu chín chắn trong việc định hướng tương lai lâu dài. Họ yêu lấy yêu để rồi chia tay cũng nhanh chóng.

 

Hậu quả trước mắt là những thanh niên này thiếu niềm tin, ủ rũ và dẫn tới mọi công việc, sinh hoạt trong cuộc sống cũng bị chi phối. Nhưng người này cần nhiều khoảng thời gian để lấy lại thăng bằng, chính khoảng thời gian đó cướp đi của họ nhiều cơ hội thậm chí làm nảy sinh những hành động ngông cuồng gây hậu quả lớn đến xã hội.

 

Ví như một vài bạn trẻ sau khi chia tay với người yêu thì tìm đủ mọi cách để trả thù. Thậm chí họ tìm đến giải pháp “chết chung” vì không muốn mất đi người yêu.

 

Theo Tiền Phong