Nhớ ông bà tổ tiên
(Dân trí) - Ở thành phố cách làng quê cũng không xa nhưng lũ trẻ chúng tôi ít khi về thăm, trừ khi Tết nhất hay có những ngày kỵ giỗ. Đầu hôm mẹ chuẩn bị hành lý cho ba, tôi kỳ kèo mãi ba mới cho nghỉ một buổi học theo về.
Hồi đó tôi thấy bọn con nít ngang tuổi tôi lạ hoắc, chẳng biết nó thân thích với mình thế nào nên có khi đánh nhau chảy cả máu mũi. Đánh xong hai đứa đều bị ăn đòn rồi được người lớn bắt quỳ và “thuyết giáo” về lai lịch, họ hàng, máu mủ với nhau.
Khi có thêm một chút nhận thức thì tôi thường được bác tôi nhắc nhủ mỗi lần kỵ giỗ: “Ngày cúng cơm ông bà là để kỷ niệm ngày mất và cũng để tạo cơ hội cho con cháu, họ hàng gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Không thôi lớp người đi trước chết đi thì lớp đi sau chẳng ai biết ai thì khổ”.
Mỗi lần như thế bác thường bảo tôi ngồi xuống xếp vàng mã, giấy tờ, lễ vật chuẩn bị cho việc cúng, bác bảo tôi gọi người này bằng chú, người kia bằng anh, còn bên kia nữa thằng em con chú út... Nếu không có khả năng nhớ tốt thì khó mà nhớ mặt và nhớ tên từng người.
Cứ thế, mỗi lần về cúng giỗ ông bà là biết thêm nhiều anh em họ hàng xa, gần. Bác gái vợ bác cả thường tấm tắc khen ngợi sự huyên náo mỗi lần kỵ giỗ ở nhà bác, nào là “quanh năm bận làm ăn, ở thành phố nhà nào biết nhà đó, về đây mới thấy giọt máu đào hơn ao nước lã”...
Đến khi lập gia đình có con, mỗi lần kỵ giỗ các bác các chú ở dưới quê thường điện lên dặn: “Đợt này về quê nhớ đưa theo thằng cu Tý, về đây cho nó biết bà biết con”.
Mỗi lần như thế tôi thường thấy hình ảnh của mình trở về quê như ngày xưa. Khi thắp hương kính cẩn vái lạy ông bà, tôi thường thấm thía câu nói của bác cả “ Giàu sang ở đâu không biết, chứ về đến đầu làng vẫn là con dân của làng, cũng cũ khoai cũ sắn mà ra cả, dù cực khổ gì đi nữa thì tổ tiên vẫn không quên”.
Yên Mã Sơn