Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình

Hà Phương

(Dân trí) - Tôi vẫn luôn quan điểm khi con còn thơ ấu, con sai, lỗi hoàn toàn nằm ở bố mẹ. Có thể bố mẹ không trực tiếp gây ra 100% vấn đề ở trẻ nhỏ nhưng bố mẹ phải chịu trách nhiệm với mọi vấn đề đó.

Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình - 1

Ảnh minh họa: Getty Images

Bởi con không tự lựa chọn được sinh ra mà chính bố mẹ đã đưa con đến thế giới này, dần nuôi lớn con từ một em bé đỏ hỏn với tâm hồn như tờ giấy trắng trở thành một bạn nhỏ có cá tính, thói quen, và cách ứng xử riêng.

Xã hội đang ngày càng văn minh nhưng nhiều lúc tôi vẫn ngạc nhiên vì thái độ "đổ lỗi" của một số bậc phụ huynh. Có ông bố khi được cô giáo mầm non chia sẻ về việc con anh thường xuyên đánh nhiều bạn trong lớp, anh ta bảo chắc đứa trẻ khác giành đồ chơi của con mình, rồi đi thằng vào lớp của con hùng hổ hỏi: "Đâu đâu đứa nào dành đồ chơi của bạn D.". Đọc đến đây chắc ai cũng hiểu D. hung hăng thế là vì đâu.

Gần nhà tôi có một bạn nhỏ hay đành hanh, vô lễ với người lớn dù cháu mới lên lớp hai. Mẹ cháu vẫn thường xin lỗi mọi người vì sự vô lễ của cháu, kèm theo lời giải thích tôi thấy rất khó chấp nhận: "Cháu học tính cô nó nên đỏng đảnh thế". Một người cô ở cách xa cháu cả 100km, chỉ gặp cháu một năm dăm ba lần có sức ảnh hưởng mạnh đến vậy sao? Tôi lại càng không tin sự đỏng đảnh, thiếu lễ phép lại là gene di truyền.

Thứ tôi mắt thấy, tai nghe là việc hằng ngày người mẹ chì chiết những tật xấu của bé dù chỉ là sơ suất nhỏ, và kết câu không bao giờ quên đính kèm "mày học lấy tính bà cô khó chịu của mày". Có lẽ chính người mẹ đã gieo vào đầu con niềm tin mình là người xấu tính, một khi đã tin thì sẽ kiên định làm theo.

Con tôi cũng có nhiều lúc mè nheo, bướng bỉnh. Những lúc như vậy, tôi thường tự soi lại mình, và lấy làm xấu hổ vì mình chưa kiểm soát được cảm xúc, chưa có cách hành xử bình tĩnh, làm gương cho con. Nhưng tôi chấp nhận chứ không căng thẳng với sự bất hoàn hảo của mình. Chấp nhận để cải thiện, chứ không phải để buông xuôi. Tôi là một bà mẹ trẻ, vẫn đang học làm mẹ mỗi ngày.

Con trai tôi vừa lên hai, lứa tuổi gặp nhiều khủng hoảng. Có lúc con đi học về đòi được mẹ ôm nhưng mẹ vì đang mải mê một cuộc điện thoại gấp với khách hàng mà đóng sầm cửa phòng lại trước mặt con. Dù sau đó mẹ đã xin lỗi, cả tối con vẫn buồn và khó chịu hơn ngày thường. Con ăn ít, ném đồ ăn và không hứng thú mấy với những trò chơi yêu thích của mình.

Hôm sau mẹ rút kinh nghiệm, đón con về nhà với nụ cười và tinh thần phấn khởi, con tươi vui, bi bô kể chuyển ở lớp. Tối đó con cũng ăn uống hợp tác và hào hứng tham gia các hoạt động với bố mẹ. Thế mới biết cảm xúc, cách cư xử của bố mẹ, dù nhỏ, dù chỉ xảy ra trong tích tắc, cũng có thể ảnh hưởng mạnh đến con. Về lâu dài, sẽ hình thành nếp suy nghĩ và hành động.

Bố mẹ bất hòa, cãi vã, thì con bất hạnh. Bố mẹ nóng nảy, cực đoan thì con thô lỗ, bạo lực. Bố mẹ hà khác, áp lực thì con thu mình, bất cần. Bố mẹ tôn trọng, thì con ngoan ngoãn. Bố mẹ yêu thương thì con vui vẻ, hòa đồng. Bố mẹ ham đọc thì con tò mò, yêu sách. Bố mẹ khiêm tốn thì con nhã nhặn, lễ phép. Con cái chính là tấm gương nhí phản chiếu cách ứng xử và nỗ lực nuôi dạy con của bố mẹ. Vậy nên, khi đã mang cho mình trọng trách làm bố, làm mẹ hãy luôn “nhìn cây sửa đất, nhìn con mà sửa mình”.