Ngày 28/6 nói về thách thức của gia đình Việt

Một ngày, gia đình thấy bụng cô em gái to lên bất thường. Cả nhà hốt hoảng đưa em đi khám thì phát hiện ra em mang thai tháng thứ 6. Tác giả bào thai lại chính là ông anh rể. Một biến cố khủng khiếp trong gia đình thế nhưng các thành viên mảy may không biết, trong khi mạng internet chập chờn hay điện thoại bị trục trặc một chút là biết ngay. Các gia đình Việt Nam đang đứng trước một thách thức nghiệt ngã, đó là thách thức mang tên Internet và mạng xã hội.

Cô đơn, lẻ loi giữa những người thân

Trong khi bạn có thể dễ dàng nhấn nút like, chia sẻ trạng thái trên mạng xã hội thì ngoài đời thực lại dửng dưng, lạnh lùng. Ngày nay, nhiều người đang ngày càng thờ ơ, xa cách và bị lệ thuộc vào internet.

Quả thật, "có internet, thế giới chỉ bằng bàn tay". Con người ngày nay dành phần lớn thời gian sống cho Internet và mạng xã hội. Các thành viên trong gia đình, dù ngồi với nhau trong cùng một căn phòng nhưng mỗi người cầm trên tay một chiếc điện thoại thông minh và mải mê đọc báo hay trò chuyện với bạn bè trên zalo, trên facebook, không hề biết người bên cạnh nghĩ gì, làm gì, đang mừng vui hay đau khổ.

Nhiều cha mẹ đam mê internet mà sao nhãng chuyện giáo dục con cái trong gia đình. Trẻ em cần có cảm nhận là luôn luôn có bố mẹ bên cạnh, luôn luôn được bố mẹ quan tâm để ý đến. Chúng cần được trao đổi trực tiếp với bố mẹ, được chơi với bố mẹ... Khoa học đã chứng minh rằng trẻ em ít được trò chuyện với bố mẹ khi bắt đầu học nói sẽ bị chậm nói và khó khăn trong thể hiện suy nghĩ của mình, thậm chí còn có thể bị tự kỷ hoặc trầm cảm.

Ngày 28/6 nói về thách thức của gia đình Việt - 1

Mải mê trò chuyện với bạn bè trên zalo, trên facebook, không hề biết người bên cạnh nghĩ gì, làm gì, đang mừng vui hay đau khổ. Ảnh minh họa

 

Trẻ em lớn hơn thì lệ thuộc vào game. Mới đầu là trẻ con chơi game, sau đó là game chơi trẻ con, biến con trẻ thành con nghiện. Chúng bỏ học để chơi game, thậm chí cả tháng trời không về nhà. Chúng đi ăn cướp để có tiền chơi game, thậm chí khi cần tiền để chơi game, chúng có thể giết người.

Bố mẹ thì lệ thuộc vào zalo, facebook. Dù đi đâu, làm gì, ăn gì cũng phải nhanh chóng check in địa điểm đến và chụp ảnh "cúng" facebook trước, mặc kệ những khuyến cáo của nhiều chuyên gia nghiên cứu về tội phạm về tình trạng cả gia đình check in khi đi du lịch, và chính điều này đã vô tình như một bản thông báo cho trộm biết để chúng đàng hoàng vào nhà khuân sạch đồ. Hay những bức ảnh đăng hình con cái, quy luật đi lại, sinh hoạt của gia đình cũng là một trong những nguyên nhân đẩy con vào tình huống nguy hiểm khi tội phạm chú ý…

Những bữa cơm cuối ngày đủ mặt ông bà cha mẹ và con cái hiếm dần. Những câu chuyện tâm tình giữa các thành viên trong gia đình hiếm dần. Chính sự thưa dần các bữa cơm gia đình là nguy cơ càng khiến cho các mối quan hệ gia đình trở nên lỏng lẻo hơn, thiếu đi chất kết dính để tạo nên một nền tảng, bệ đỡ của tình cảm yêu thương cho mỗi người. Con người trở nên cô đơn, lẻ loi ngay trong chính gia đình mình. Các thành viên trong gia đình liên hệ với nhau một cách hờ hững và lỏng lẻo.

Thách thức của gia đình

Một gia đình ở thành phố có hai chị em gái. Chị gái lấy chồng và chồng ở rể cùng bố mẹ vợ. Cô em gái bị hội chứng down nên thần kinh không bình thường. Em không đi học, chỉ suốt ngày quanh quẩn ở nhà với chú chó con.

Một ngày, gia đình thấy bụng cô em gái to lên bất thường. Cả nhà hốt hoảng đưa em đi khám thì phát hiện ra em mang thai tháng thứ 6. Tác giả bào thai chính là ông anh rể. Một biến cố khủng khiếp trong gia đình mà các thành viên không biết, trong khi mạng internet chập chờn hay điện thoại bị trục trặc một chút là biết ngay. Các gia đình Việt Nam đang đứng trước một thách thức nghiệt ngã, đó là thách thức mang tên Internet và mạng xã hội.

Ngày 28/6 nói về thách thức của gia đình Việt - 2

Trước sức tấn công như vũ bão của internet và mạng xã hội, gia đình là thành lũy cuối cùng, là trận địa cuối cùng. Ảnh minh họa

 

Ăngghen từng viết rằng: "Nhân loại tiến một bước trên con đường văn minh lại phải chịu một bước lùi tương đối về văn hóa". Hơn một thế kỷ sau khi Ăngghen viết câu này, thế giới mới biết đến Internet. Nhưng bộ óc thiên tài này đã nhìn thấy trước quy luật tiến hóa của nhân loại. Và đã là quy luật thì chúng ta phải chấp nhận, nhưng là sự chấp nhận chủ động chứ không phải bị động. Chúng ta biết sự lợi hại của Internet và mạng xã hội để khai thác mặt lợi và hạn chế mặt hại của nó.

"Gia đình là nơi tồn giữ lâu bền nhất văn hóa của dân tộc". Văn hóa suy đến cùng là cách ứng xử giữa con người với nhau. Đó là đạo lý, là lối sống. Và không ai có thể thay thế được cha mẹ trong việc giáo dục con cái những giá trị nhân bản này. Trước sức tấn công như vũ bão của internet và mạng xã hội, gia đình là thành lũy cuối cùng, là trận địa cuối cùng. Internet và mạng xã hội có trong tất cả mọi lĩnh vực. Nhưng tình cảm gia đình thì chỉ trong gia đình mới có. Gia đình là cái không thể có ngoài xã hội, như cái tổ chim không có giữa bầu trời, như cái bến đỗ bình yên không thể có giữa đại dương bao la. Thế giới càng văn minh, gia đình càng trở nên quan trọng hơn. Và như vậy, mối liên hệ gia đình trở nên hờ hững và lỏng lẻo là do chính chúng ta chứ không phải do Internet và mạng xã hội.

Theo Nhật Linh

Gia đình và Xã hội