"Nếu con trai mẹ đi làm dâu thì bao lâu người ta đuổi về?"

Huyền Anh

(Dân trí) - Một nàng dâu đã thẳng thắn "tâm sự" với mẹ chồng mình như thế sau khi bị mẹ chồng bảo "con này vào được nhà mình còn dễ tính, chứ vào nhà khác người ta trả lại nhà đẻ lâu rồi".

Câu chuyện của nàng dâu được chia sẻ trên một hội nhóm mạng xã hội như sau:

Hôm nay công ty mình có cuộc họp sớm, mình đã bảo với chồng nên sáng dậy rồi đi luôn. Khi về thấy chồng nằm chơi điện thoại giữa đống quần áo mình rút vào y nguyên từ sáng trên giường, không gập cất gì, nhà cửa bừa bộn lộn xộn hết cả lên.

Nếu con trai mẹ đi làm dâu thì bao lâu người ta đuổi về? - 1

Tấm ảnh nhà cửa bừa bộn được nàng dâu chia sẻ trên mạng xã hội (Beatvn).

Giữa lúc đó thì mẹ chồng cô bước vào, thái độ tỏ vẻ không vui, bà nghiêm giọng nói: "Nhà như cái bãi rác thế mà cũng đi được à".

Thấy mẹ chồng ý nói mình nên nàng dâu giải thích rằng sáng nay công ty cô có cuộc họp đột xuất, cô đã bảo với chồng rồi. Thế mà anh về trước cũng không dọn qua cho. Rồi cô nói tiếp rằng để mình dọn vèo cái là xong. Mẹ chồng bực dọc: "Thôi chị để tôi, thằng C. làm sao nó biết làm mấy việc này...", nói xong bà hất tay con dâu ra.

Cô liền đi nấu cơm rồi dọn dẹp bếp, không để ý xem lúc đó đã mấy giờ.

Đến giờ ăn cũng chẳng ai gọi mình vào ăn cơm, cả nhà mặt nặng mày nhẹ. Lúc bê mâm bát đi mình có nghe thấy mẹ mình bảo: "Con này nó vào được nhà mình còn dễ tính, chứ vào nhà khác người ta trả lại nhà đẻ lâu rồi".

Làm xong việc mình mới vào tâm sự với mẹ:

- Mẹ nghĩ xem, nếu anh C. mà đi làm dâu nhà người khác thì có bị người ta đuổi về không? Quần áo mặc xong không biết cho vào máy, máy giặt xong không biết phơi biết gập. Ăn uống không biết tự lo, ốm đau cũng không biết tự mua thuốc chứ đừng nói lo cho người khác...

Mọi người luôn nghĩ làm vợ, làm phụ nữ là thiên chức ở nhà, trong xó bếp, thật đơn giản và chả có gì nặng nề. Nhưng đã có ai nghĩ rằng việc phải xa rời bố mẹ và sống ở một gia đình khác là một thiệt thòi lớn, lại còn phải lo cho gia đình nhà chồng những công việc chẳng có tên.

Ở đây có bao nhiêu ông dám vỗ ngực rằng, nếu mình đặt vào vị trí của vợ mình, thì cũng có thể lo chu toàn mọi thứ để gia đình ấm êm?, nàng dâu viết.

Câu chuyện của nàng dâu trẻ thu hút hàng vạn biểu tượng cảm xúc và hàng ngàn bình luận quan tâm. Nhiều người cho rằng mấy việc mà nàng dâu trẻ liệt kê qua ra đây đều là kỹ năng sống, ai cũng cần phải biết làm và có ý thức làm. Bà mẹ chồng sinh ra được một người con trai như vậy có khác gì đẻ ra con gà công nghiệp đâu. "Chẳng cần đi làm dâu, con mẹ cứ ở một mình đi đã xem có ở nổi không. Chăm bản thân mình không nổi thì còn làm được cái gì", một thành viên bình luận.

Các thành viên hội nhóm cũng lên tiếng chỉ trích người mẹ chồng chiều con không phải lối, có sự thiên vị lớn trong đối xử giữa con trai và con dâu, coi con mình là ngọc là vàng còn con gái nhà người ta là viên đá cuội, nên mới có lối suy nghĩ mọi việc nhà đều phải đến tay con dâu và nếu không chu toàn thì mặt nặng mày nhẹ với con dâu mà không thử nhìn lại con trai mình.

Không ít ý kiến chỉ ra rằng đó chính là cái hạn chế trong suy nghĩ của người Việt từ trước đến giờ, cứ bảo "coi con dâu như con cái trong nhà" nhưng là "con ghẻ chứ không phải con đẻ". Chừng nào còn đối xử thiên vị, phân biệt như vậy, chừng đó còn khó lòng thu phục tình cảm của con dâu, có khi còn làm con trai ế vợ: "Thời nào rồi mà còn quan niệm con gái nhà người ta về nhà mình mặc nhiên là osin trong nhà nữa. Thời này là thời đàn ông không ngoan không có vợ đâu các mẹ chồng"- một thành viên góp ý.

500 anh em cõi mạng hiến kế cho cô vợ trẻ, muốn chồng nên người tốt hơn cả là nên ra ở riêng, "chứ cứ ở chung với mẹ chồng xong nay mẹ tỉa này mai mẹ tỉa kia, rồi hầu hạ con trai yêu xong đá thúng đụng nia khi thấy con trai mình phải làm là mệt đầu rồi! Chưa kể các anh trai không chịu làm gì, nhưng thấy mẹ mình làm mà vợ không làm thì lại xót mẹ, lại quay ra nói vợ!".

Câu chuyện vẫn đang tiếp tục thu hút sự chú ý và nhiều ý kiến bình luận của cư dân mạng xung quanh chuyện mẹ chồng nàng dâu và việc lấy phải một ông chồng con trai cưng của mẹ.