Mỗi năm có gần 100 trẻ bị xâm hại tình dục

(Dân trí) - Xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn nạn báo động sự suy đồi đạo đức. Mặc dù pháp luật đã “thẳng tay” nhưng hành động mất nhân tính này vẫn rình rập con trẻ. Một trong những nguyên nhân tiếp tay cho tội ác ấy là sự thiếu quan tâm của gia đình.

Số liệu từ phòng Bảo vệ Chăm sóc trẻ em thuộc Sở Lao đông Thương binh và Xã hội thành phố cho thấy, trong 8 năm (từ 2005 đến 2012) trên địa bàn thành phố có tới 720 trẻ em bị xâm hại tình dục, trong đó có cả bé gái lẫn bé trai. Nhóm tuổi bị xâm hại tình dục nhiều nhất là từ 13 đến 16 tuổi. Tuy nhiên, đây chỉ là con số thống kê được khi hành động tội ác bị phanh phui. Nhiều khả năng trên thực tế số trẻ bị xâm hại tình dục còn lớn hơn.

Sự thiếu quan tâm của gia đình đang tiếp tay cho tội ác (ảnh minh họa)
Sự thiếu quan tâm của gia đình đang tiếp tay cho tội ác (ảnh minh họa)

Bà Lượng Thị Tới, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em cho biết, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ở thành phố diễn ra rất nghiêm trọng, đáng báo động về sự suy đồi đạo đức. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thể chất và sự phát triển tâm sinh lý cũng như sức khỏe sinh sản của những trẻ bị xâm hại. Hiện Bình Chánh và Củ Chi là hai huyện trên địa bàn thành phố có số trẻ bị xâm hại nhiều nhất.

Các vụ án xâm hại tình dục thường tập trung vào những thời điểm “nhạy cảm” như Valentine, Noel, Tết. Theo phân tích của Thượng tá Lê Ngọc Phương, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an TPHCM thì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại là do bố mẹ lo kiếm sống, bỏ mặc trẻ ở nhà một mình tạo cơ hội thuận lợi cho những kẻ suy thoái về mặt nhân các đạo đức. Việc phụ huynh thiếu quan tâm chia sẻ cũng như định hướng về những vấn đề giới tính để mặc trẻ tự tìm hiểu cũng dẫn trẻ đến những con đường lầm lạc dễ bị dụ dỗ hoặc khống chế để xâm hại.

Trước thực trạng trên, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan ban ngành quyết liệt vào cuộc để ngăn chặn những hành động tội ác này. Theo đó, nhà trường và gia đình cần quan tâm giáo dục để trang bị kiến thức cho trẻ đồng thời các tổ chức xã hội phải thường xuyên kiểm tra giám sát việc bảo vệ và chăm sóc trẻ tại địa phương. Thắt chặt quản lý các dịch vụ kinh doanh “nhạy cảm” thường là nơi tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi xâm hại trẻ như nhà nghỉ, khách sạn, quán Internet.

Li Uyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm