Lập “phòng nhì” khi vợ bệnh

Bị cắt hai buồng trứng vì ung thư, chị Tâm không còn thích "gần gũi" chồng nữa. Thấy vợ như vậy, chồng chị cũng mất hứng và đi tìm niềm vui với người đàn bà khác. Họ vẫn sống chung một nhà, nhưng chẳng mấy khi chạm mặt nhau.

Ba người đàn bà, một số phận

 

Mới ngoài 40 tuổi nhưng hơn 3 năm qua, chị Tâm, nguyên là kế toán trưởng của một công ty địa ốc ở TPHCM đã thu mình sống khép kín.

 

Hạnh phúc gia đình bắt đầu rạn vỡ từ khi chị bị ung thư, phải cắt hai buồng trứng. Sau phẫu thuật, chị có cảm giác tâm tính mình thay đổi và không còn thích "gần gũi" chồng. Dù vậy, chị vẫn cố gắng thực hiện nhiệm vụ vì sợ anh buồn. Nhưng trong một lần "yêu", thấy vợ đau đớn, chồng chị mất hứng thú và từ đó không đòi hỏi nữa, chị cũng né luôn.

 

Rồi anh đi tìm sự chia sẻ chăn gối ở người đàn bà khác. Chị vừa đau đớn vì bệnh tật, vừa vật vã trong tâm trạng một người vợ bị phản bội nhưng không dám ghen, cũng chẳng trách được chồng.

 

"Ngày trước còn nghèo khổ, nhà chật, vợ chồng có cãi vã thì vẫn chạm mặt nhau. Giờ nhà rộng mênh mông, con cái lại đi học xa, muốn to tiếng cũng chẳng được vì mỗi người một tầng", chị tâm sự. Tuy thế, vợ chồng chị không ai nghĩ đến chuyện ly hôn vì còn sợi dây ràng buộc là những đứa con.

 

Chị Thuỷ, 32 tuổi, giảng viên của một trường đại học ở TPHCM cũng ở hoàn cảnh tương tự. Vợ chồng chị từng là mơ ước của bạn bè. Hai người đều thành đạt, hạnh phúc và có cậu con trai 3 tuổi.

 

Cách đây 4 năm, trong một lần "yêu" chồng, chị phát hiện âm đạo bị xuất huyết bất thường. Đến bệnh viện kiểm tra, chị nhận được tin sét đánh: ung thư tử cung. Bác sỹ còn dặn chị hạn chế "quan hệ" trong thời gian điều trị vì cơ thể mệt mỏi do phản ứng phụ của thuốc.

 

Sau ngày đó, dù anh Đức Minh, chồng chị, vẫn ân cần săn sóc vợ và không đòi hỏi nhưng chị rất buồn, mang mặc cảm mình không làm tròn bổn phận người vợ. Sau hơn một năm điều trị, sức khoẻ đã khá hơn, có những lúc chị cũng khát khao được "gần gũi" chồng để bù đắp cho anh. Nhưng cảm xúc của chị vừa loé lên đã bị chồng dập tắt ngay: "Thôi, em không khoẻ mà" hoặc anh "trả bài" chiếu lệ nên chị tự ái, cụt hứng luôn.

 

Thấy chồng không còn nồng nàn với mình như xưa, lại có những biểu hiện đi sớm về muộn, chải chuốt hơn, hay bối rối, linh cảm phụ nữ khiến chị nhờ người theo dõi.

 

Kết quả còn khiến chị sốc hơn lần biết mình bị ung thư: Anh đã lập "phòng nhì" mà tình địch lại là cô bạn thân của chị. Dù lý trí không cho phép ghen tuông vì nghĩ mình cũng có lỗi nhưng chị không sao kiểm soát được sự đau đớn của con tim.

 

Tuy không giàu có, nhưng chị Ngọc, 37 tuổi ở TPHCM rất hài lòng với cuộc sống hạnh phúc bên người chồng chí thú làm ăn cùng 3 đứa con ngoan và một quán cơm tấm đang đông khách. Năm 2002, chị phát hiện mình bị ung thư tử cung. Mâu thuẫn bắt đầu khi chị không đáp ứng được nhu cầu tình dục của chồng và tránh ngủ cùng anh.

 

Điều này làm anh Sĩ, chồng chị, buồn bực, tìm rượu giải khuây. Mỗi lần nhậu về, anh lại kiếm cớ chì chiết chị, thậm chí còn chửi mắng, đuổi đánh. Nghĩ lỗi ở mình, chị chịu đựng hết, kể cả việc anh cặp với người phụ nữ khác. Một năm sau, sức khoẻ ngày càng cạn kiệt vì bệnh tật và những trận đòn của chồng, chị xin ly hôn. Anh đồng ý ngay. Tuy vậy, hai người vẫn sống chung một nhà và thỉnh thoảng anh lại đòi "yêu" nhưng chị từ chối.

 

Một lần, đi nhậu về, anh ta lại vô cớ chửi mắng chị. Thấy chị không trả lời, anh cho rằng mình bị coi thường mình nên xông vào đánh. Nỗi uất ức bị chồng ức hiếp bấy lâu dồn nén chợt bùng lên. Chị vớ con dao đâm thẳng vào ngực chồng cũ khiến anh chết trên đường đi cấp cứu. Trở thành kẻ sát nhân, nhưng vì đang mang bệnh nan y nên vụ án được tạm đình chỉ chờ chị điều trị bệnh.

 

Ý kiến chuyên gia

 

Bác sĩ Ngọc Phượng, nguyên giám đốc bệnh viện Từ Dũ, hiện là Chủ tịch hội Nội tiết và sinh sản TPHCM cho biết, thường người phụ nữ không chịu giãi bày nỗi lòng, chia sẻ với chồng về bệnh tật cũng như chuyện tế nhị là bị trục trặc sinh lý.

 

Nếu chồng đòi hỏi, các chị sẽ xử sự theo hai cách: Đáp ứng trong đau khổ (do sức khoẻ yếu, không còn ham muốn) hoặc né tránh. Tâm lý ngại ngùng mặc cảm khiến họ im lặng, mặc chồng hiểu hay không. Chính điều đó khiến vợ chồng ngày càng xa cách nhau do không còn tìm thấy sự hoà hợp về tình dục cũng như tình cảm.

 

Cũng theo bác sĩ Ngọc Phượng, năm 2005, bà và các cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu trên 990 phụ nữ và phát hiện có đến 1/3 số trường hợp cần hỗ trợ về vấn đề khó nói là tình dục.

 

Năm 2006, một nghiên cứu khác trên 305 người phụ nữ ở tuổi mãn kinh và bệnh nhân phải cắt tử cung, cắt một hoặc hai bên buồng trứng, cũng cho thấy phần lớn họ bị rối loạn chức năng tình dục. Những đối tượng này lại rất ít chịu bày tỏ, khiến việc điều trị càng khó khăn. Và nhiều bi kịch gia đình cũng xuất phát từ đó. Trường hợp của chị Ngọc nêu trên là ví dụ.

 

Để tránh bi kịch là nỗi bất hạnh nhân đôi vừa bị bệnh, lại đổ vỡ gia đình, bác sỹ Ngọc Phượng và tiến sỹ tâm lý Đinh Phương Duy, tuy ở hai góc độ khác nhau nhưng lại đưa ra cùng toa thuốc đặc trị: Giữa vợ chồng phải có sự chia sẻ, hợp tác.

 

Theo tiến sỹ Duy, về mặt tâm lý, khi bị trở ngại về tình dục, phụ nữ thường mang mặc cảm tự ti vì không có khả năng đáp ứng nhu cầu của chồng. Điều này khiến các chị dằn vặt, đau khổ làm bệnh càng trầm trọng hơn và dễ phát sinh mâu thuẫn với gia đình, dẫn đến đổ vỡ. Khó khăn này sẽ được giải toả phần nào nếu người vợ chịu chia sẻ để chồng hiểu, thông cảm và cùng nhau chữa trị bằng tâm lý và y học. Những lời nói, cử chỉ âu yếm của chồng sẽ là liều thuốc hữu hiệu giúp vợ tự tin và không còn cảm giác mình là người đàn bà vô dụng.

 

Còn theo bác sỹ Phượng, bị phẫu thuật ở cơ quan sinh dục, nhất là cắt tử cung và buồng trứng ít nhiều ảnh hưởng đến chức năng hoạt động tình dục ở phụ nữ, khiến họ mất ham muốn, khó đạt đỉnh khoái cảm, giao hợp đau. Các chị cần được cảm thông, chia sẻ, hợp tác của người chồng để điều trị có hiệu quả. Cách tốt nhất là hai vợ chồng cùng đến gặp bác sĩ để được tư vấn.

 

Bà Phượng khẳng định, tất cả những rối loạn tình dục (do mãn kinh hoặc bệnh tật) đều có thể cải thiện bằng thuốc hoặc liệu pháp tâm lý, nếu cả hai vợ chồng cùng hợp tác điều trị. Việc quan hệ vợ chồng vẫn diễn ra bình thường sau khi phẫu thuật và không phải kiêng nếu người vợ được hỗ trợ bằng nội tiết trong những tháng đầu tiên sau mổ, có bác sĩ tư vấn, theo dõi thường xuyên.

 

Theo Phụ Nữ