Lắng nghe con

(Dân trí) - Có những điều tưởng chừng như rất đơn giản nhưng không không phải bậc phụ huynh nào cũng làm được. Đôi khi chính sự thờ ơ của cha mẹ khiến con trẻ có cảm giác cô đơn, lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình.

 

“Lúc nào bố cũng muộn”

 

Hết giờ làm anh Tùng vội xếp sắp tài liệu vào cặp khẩn trương đi đón con.

 

Đến nơi đã thấy bé Tú đứng đợi sẵn ở cổng trường. Rơm rớm nước mắt bé phụng phịu: “Sao bố lâu thế? Các bạn con về hết rồi”.

 

Không kịp xin lỗi con, anh giục bé: “Thôi nào, nhanh lên tắc đường về nhà lại muộn bây giờ”. Tú lẳng lặng leo lên xe tấm tức khóc suốt chặng đường vì nghĩ bố chẳng hề quan tâm đến mình.

 

Đón con muộn, không ông bố bà mẹ nào muốn cả. Thế nhưng đã có mấy ai để ra vài giây để nói một câu xin lỗi các bé chưa? Một câu xin lỗi, một vài lời ân cần hỏi han trên đường về sẽ khiến trẻ thông cảm với bố mẹ hơn, không có cảm giác bố mẹ luôn thờ ơ với mình.

 

“Bố mẹ lúc nào cũng công việc”

 

Cu Tuấn đang chơi với em Tú chợt nhớ ra điều gì, chạy ngay vào phòng lấy tờ giấy mời họp phụ huynh đưa cho bố: “Bố ơi, mai bố đi họp phụ huynh cho con nhé! Cô giáo bảo tất cả các phụ huynh không ai được vắng mặt”.

 

Anh Tùng cáu: “Ồn ào quá, có yên cho bố làm việc không hả? Ra ngoài kia đưa cho mẹ!”. Thằng bé mặt tiu nghỉu: “Bố lúc nào cũng làm việc”.

 

Tuấn phụng phịu ra đưa tờ giấy mời cho mẹ. Chị Lan đang chuẩn bị bữa tối, không nhìn tờ giấy, chỉ gật gù cho qua: “Ừ, mẹ biết rồi! Con để giấy lên bàn, dọn đồ chơi cho em giúp mẹ, rồi gọi bố ra ăn cơm”. Thằng bé lủi thủi đi dọn đồ cho em, mời bố ra ăn cơm trong lòng tủi thân nghĩ bố mẹ chẳng ai để ý đến mình.

 

Bữa cơm gia đình diễn ra trong lặng lẽ. Ai nấy đều theo đuổi những ý nghĩ riêng. Anh suy nghĩ làm sao cho kịp tiến độ công việc, chị mải mê đến kế hoạch gặp đối tác ngày mai. Hai đứa trẻ vừa “ngồi đếm” từng hạt cơm vừa dỗi bố mẹ, lại không dám mở lời sợ bố mẹ mắng. Chúng chỉ buông bát khi nghe bố ra lệnh: “Hai đứa ăn cơm nhanh rồi vào học bài đi”.

 

“Con ước cả nhà mình cùng đi chơi!”

 

Sáng hôm sau đến lớp cô giáo hỏi cu Tuấn: “Con đã đưa giấy mời cho bố mẹ chưa? Sao cô không thấy bố mẹ con đến họp?”. Cu Tuấn mặt buồn thiu: “Mẹ bảo bố đi họp cho con vì mẹ đi công tác, còn bố chắc quên rồi” - Mắt đỏ hoe Tuấn nói với cô giáo.

 

Chiều tối vừa thấy anh Tùng đến nó đã khóc nức nở: “Sao bố không đến họp cho con, các bạn ai cũng có bố mẹ đến họp cả!”.

 

Anh Tùng biết mình vì nhiều việc quá nên quên, vội vàng an ủi con: “Thôi, bố quên rồi. Cu Tuấn cho bố xin lỗi nhé! Cuối tuần này hai anh em cu Tuấn muốn đi đâu bố sẽ cho các con đi!”.

 

Nghe bố nói thế mặt Tuấn tươi tỉnh hẳn lên: “A, thích quá! Bạn Thu ngồi cạnh con tuần nào cũng được đi công viên. Con muốn cả nhà mình cùng đi chơi công viên nước. Em Tú cũng thích đi chơi lắm bố ạ!”. Hôm nay cả đoạn đường về nhà thằng bé sướng như mở cờ trong bụng, khuôn mặt rạng rỡ hẳn lên.

 

Nghe con nói anh Tùng mới nhớ ra đã lâu lắm rồi anh không đưa các con đi chơi, dù là buổi đi chơi công viên rất bình thường, đơn giản như các con nói. Đã lâu lắm rồi anh không hỏi con xem hôm nay vì sao con buồn. Anh cũng không hỏi xem hôm nay ở lớp con được điểm mấy, có chuyện gì xảy ra không. Cuộc sống bận rộn với những lo toan đã khiến anh chị quên đi một trách nhiệm rất đơn giản của người làm bố, làm mẹ, đó là lắng nghe con nói.

 

Đôi khi những câu hỏi rất đơn giản của bố mẹ như: “Hôm nay con thích mặc váy hay mặc quần?”, “Hôm nay con thích ăn gì mẹ nấu?”, “Ở lớp con chơi thân với bạn nào nhất?”… lại làm cho trẻ có cảm giác bố mẹ chính là người bạn thân thiết của mình.

 

Cũng từ đó trẻ có thói quen chia sẻ với cha mẹ những điều chúng băn khoăn, vướng mắc. Quan tâm đến trẻ, lắng nghe trẻ nói không chỉ giúp các bậc làm cha làm mẹ giáo dục con tốt hơn mà còn là sợi dây gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.  

 

Lan Tường

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con cái