“Lại một đứa trẻ được gửi về quê cho ông bà…”

(Dân trí) - Tôi có thói quen thảng thốt mỗi khi biết một người thân quen nào đó gửi con nhỏ (nhất là độ tuổi sơ sinh, hoặc chưa đi học lớp 1) ở quê cho ông bà trông giúp để rảnh tay làm việc. Tôi buồn rầu nghĩ thế là lại có thêm "một cuộc đời rắc rối" của tương lai rồi.

“Lại một đứa trẻ được gửi về quê cho ông bà…” - 1

Ảnh minh hoạ: GettyImages

Trẻ em cần thức ăn và cần tình yêu thương để lớn lên mạnh khỏe bình thường. Và tình yêu thương quan trọng nhất mà trẻ cần chính là bố mẹ.

Có thể nói với trẻ, sự có mặt của bố mẹ là điều không gì có thể so sánh, bù đắp được. Bố mẹ có thể không thể ở bên em trong cả ngày, tất nhiên rồi, nhưng mỗi buổi tối khi bố mẹ đi làm về là em lại được hưởng tình yêu thương của bố mẹ. Tình yêu thương ấy như một cái tẩy mầu nhiệm, giúp xóa đi những buồn tủi, bực bội, khó chịu mà em có thể gặp phải trong ngày hôm đó. Và sau một buổi tối được ở bên bố mẹ, em lại tràn đầy tình yêu thương, trở lại tươi mới tràn đầy (được sạc đủ pin) để trải qua một ngày mới.

Những em bé không may mắn được gặp bố mẹ vào buổi tối, thì em có thể mang theo những "vết sẹo" trong vô thức, và vết sẹo ấy có nguy cơ lớn dần lên vì nó không được "cái tẩy màu nhiệm" xóa đi cuối mỗi ngày.

Đối với trẻ em ở một độ tuổi nhỏ (sơ sinh, hoặc dưới 6 tuổi), em chưa thể hiểu được vì sao bố mẹ lại không thể ở bên mình mà lại "tống" mình về ở với ông bà. Trong trí óc non nớt của em, em chỉ hiểu được là bố mẹ không thích mình, không yêu mình nên mới ở xa mình. Và dù cuối tuần bố mẹ có về thăm em, thì sợi dây tình cảm của em với bố mẹ cũng lỏng lẻo lắm, cơ bản là em sẽ lạ mẹ, vì em đã chỉ quen với bà, có khi em còn chẳng theo mẹ nữa. Hoặc là em có vui khi bố mẹ về với em cuối tuần, thì em cũng không vui nhiều, vì em biết rằng, theo quy luật rồi, cũng chỉ hết cuối tuần là em lại phải xa "hai người ấy". Do vậy mà trong em tự nhiên hình thành một phản xạ đó là "chủ động xa cách" để giảm thiểu nỗi đau. Em làm thế như một cơ chế để bảo vệ cảm xúc của mình, kiểu như "mình chủ động phụ người chứ không để người phụ".

Những em bé lúc nhỏ phải sống xa bố mẹ sẽ dễ có nguy cơ bị hình thành cơ chế "trốn chạy", "chủ động xa cách" như vậy. Cơ chế này giúp em trong giai đoạn em còn nhỏ, nhưng sẽ trở nên ảnh hưởng đến các mối quan hệ của em khi em trưởng thành, mà thể hiện rõ nhất là khi em đi làm những công việc đầu tiên, hoặc khi em bước vào tình yêu. Với cơ chế này, em sẽ chủ động tách ra khi có những trở ngại (ví dụ như chủ động bỏ việc, chủ động bỏ người yêu) để giảm thiểu thương tổn cho bản thân. Với mô típ xử sự như vậy, em sẽ thường gặp khó khăn trong công việc và cuộc sống vì em hay bỏ cuộc sớm. Và em sẽ chỉ dứt bỏ được lối xử sự này khi mà có cơ may nào đó em ý thức được về lối xử sự đó của mình và rèn luyện tinh thần vượt khó; hoặc em được đi điều trị tâm lý bởi một chuyên gia giỏi.

Thật đáng buồn cho những em bé bị bỏ mặc như vậy, vì em sẽ bị thiệt thòi so với những em bé được lớn lên cùng bố mẹ. Hệ lụy của việc trẻ bị bỏ mặc có rất nhiều, trong đó cơ chế "chủ động xa cách" chỉ là một khía cạnh.

Bác sĩ nhi khoa, nhà tâm lý Donald Winnicott đưa ra một khái niệm là "vòng tròn hạnh phúc", đại ý là khi đứa trẻ biết rằng có bố mẹ ở ngay sau bên cạnh luôn dõi theo thì em có thể vui vẻ khám phá, chơi đùa, khi em có gì bực tức thì em lại được giải tỏa ngay khi em quay lại nhìn thấy bố mẹ và được hỗ trợ nếu cần.

Những đứa trẻ không được bố mẹ ở bên như vậy thì có thể nảy sinh tâm lý bất an, gặp khó khăn trong việc hoàn thành công việc, sau này khi lớn lên em có nguy cơ trở thành người chần chừ, hay bị muộn kế hoạch, hoặc ngại thử nghiệm, mạo hiểm.

Tôi đọc cuốn sách "Tôi làm việc, tôi hạnh phúc" của Đại sư Hàn Quốc Pomnyun Sunim, Đại sư viết rằng nếu không muốn bảo vệ và chở che con thì cớ sao lại mang chúng đến với nhân gian. Đã sinh con ra thì phải bảo vệ và nuôi dưỡng chúng. Nếu không gánh vác nổi nghĩa vụ nặng nề ấy thì đừng mang một sinh mệnh mới đến với thế giới này.

Tôi nghĩ, Đại sư là một người không lập gia đình mà ông có thể đúc kết ra như vậy vì ông rất hiểu những hệ lụy khi trẻ bị bố mẹ bỏ mặc. Và tôi cũng nghĩ giống như vậy. Chúng ta có quyền lựa chọn sinh con hoặc không sinh con trong cuộc đời chúng ta, và khi quyết định sinh con, thì việc tìm hiểu về những kiến thức hỗ trợ cho việc nuôi dạy con là điều rất cần thiết.

Điều đó giúp ích cho chính bản thân chúng ta, con chúng ta và sau nữa là cho xã hội. Bởi một người hạnh phúc sẽ góp phần làm xã hội thêm hạnh phúc. Một người "có vấn đề" sẽ làm xã hội thêm vấn đề.

Theo Facebook Vũ Thị Minh Thương

Khi các thiên thần trở nên thật phiền toái

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm