So sánh khi nuôi dạy con: Làm khổ cả bố mẹ và con

(Dân trí) - Việc so sánh có thể ngay lập tức chuyển chúng ta từ trạng thái hạnh phúc sang trạng thái bất hạnh, từ vui sang buồn, bởi lẽ vốn dĩ các sự việc, các cá nhân là khác nhau ở nhiều khía cạnh, do vậy không thể đưa lên một bàn cân giống nhau để cân đo. Trong việc nuôi dạy con cũng vậy.

Mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau, mỗi đứa trẻ có những thế mạnh riêng, không đứa trẻ nào giống hệt đứa trẻ nào. Khi còn nhỏ, em bé này có thể tăng cân nhanh hơn, em bé kia có thể dài nhanh hơn; em bé này sớm biết đi, em bé kia sớm biết nói… Cũng như thế, khi lớn lên, em bé này có thể trội về Toán, em bé kia có thể giỏi Ngoại ngữ.

Không em bé nào phát triển y hệt một em bé nào, mỗi bé phát triển khác nhau, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thể trạng, người chăm sóc, cách nuôi dạy, môi trường sống, thức ăn…; thậm chí cả thời gian khi còn trong bụng mẹ cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ…

So sánh khi nuôi dạy con: Làm khổ cả bố mẹ và con - 1

Mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau, không đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào. (ảnh minh họa)

Bởi vì mỗi em bé đều khác nhau, nên nếu bố mẹ nào mà so sánh con nhà mình với “con nhà người ta”, rồi buồn rầu vì con mình kém hơn con nhà kia về mặt a, b, c nào đó thì thật là một sự buồn rầu không đáng có. Biết đâu, nhà kia cũng đang nhìn sang con nhà này rồi rầu lòng vì “con nhà ấy” hơn con nhà mình.

Nếu không nhìn sang nhà hàng xóm, thì nhiều khi bố mẹ lại so sánh chính các con của mình với nhau, và thường là đứa con nào có thế mạnh mà bố mẹ đang mong muốn thì sẽ được bố mẹ cưng hơn, còn đứa con kém hơn về khía cạnh đó thì bị bố mẹ chê bai.

Việc so sánh như vậy không chỉ tạo tâm lý tiêu cực cho bố mẹ mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực với trẻ. Đứa trẻ bị so sánh với đứa trẻ khác ở những mặt mà con yếu kém sẽ nảy sinh cảm giác tự ti khi mình không bằng người khác. Dù đứa trẻ ấy có thể kém người khác về mặt này, trong khi lại có nhiều thế mạnh ở những mặt khác, nhưng trẻ vẫn mang mặc cảm mình là người kém cỏi.

So sánh khi nuôi dạy con: Làm khổ cả bố mẹ và con - 2

Mỗi đứa trẻ là một cá thể duy nhất, có những thế mạnh khác nhau. (ảnh minh họa)

Trong cuộc sống, người ta hay rơi vào thái cực lấy cái mà mình đang không có để so sánh với cái mà người khác có, rồi tự cho là mình bất hạnh, kém may mắn, kém cỏi. Và riêng trong việc nuôi dạy con, nhiều người cũng dễ rơi vào tình cảnh này. Và như vậy, vô hình trung quá trình nuôi dạy con lẽ ra là quá trình tràn đầy tình yêu thương, niềm vui hạnh phúc khi bố mẹ nhìn ngắm con lớn lên, trưởng thành mỗi ngày thì lại trở thành những tháng ngày rầu rĩ của bố mẹ khi thấy con mình sao chẳng được như “con nhà người ta”.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Giáo dục người Nhật Shichida Makoto, mỗi đứa trẻ là một cá thể duy nhất, nếu bạn có thể nhìn nhận con như vậy thì bạn sẽ không cảm thấy áp lực bởi những ý nghĩ so sánh vô nghĩa.

Giáo sư Shichida Makoto khuyến cáo rằng, các bậc phụ huynh nên phát huy những điểm mạnh của con sao cho phù hợp với cá tính riêng.

Nguyên Chi

Dòng sự kiện: Phương pháp giáo dục

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm