“Phụ huynh đừng bao bọc trẻ, hãy đẩy chúng ra xa”
(Dân trí) - Đây là lời khuyên của PGS.TS Tâm lý Trần Thị Thu Hương, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) trước vấn đề trẻ em ngày càng có nhiều biểu hiện stress trong học đường và cuộc sống.
Ngày 25/8, Viện Tâm lý và Tâm thần học Việt Pháp phối hợp với Câu lạc bộ đọc sách cùng con tổ chức tọa đàm “Ứng phó với stress học đường”.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm phụ huynh Nguyễn Mai Lan (Hà Nội) lo lắng cho biết: "Con tôi năm nay 17 tuổi, tính cách hướng nội, cháu gần như không có bạn thân và rất ngại ngùng khi đến nơi đông người. Tôi cảm thấy con đang bị stress nhưng chưa biết ở mức độ nào và làm sao giúp con thoát khỏi stress?".
PGS.TS Trần Thị Thu Hương tư vấn, con trẻ sẽ nhìn vào thói quen của bố mẹ để hình thành hành động của mình. Bố mẹ giao tiếp tốt, nhiều bạn bè thì ắt con sẽ có thế giới mở, mạnh dạn tiếp xúc với nhiều người và ngược lại.
Về khía cạnh tính cách con hướng nội, phụ huynh cần xác định bạn thân của con là bố mẹ, cô giáo, anh, chị, em hay bạn học? Mỗi một mối quan hệ có bản chất chia sẻ khác nhau. Khi trẻ thấy an toàn trong vòng tay bố mẹ và nguy hiểm khi ra khỏi vòng đó, trẻ sẽ tự động thu hẹp các mối quan hệ xã hội.
“Đối với trẻ tự thấy đủ về tâm lý và tinh thần khi bên gia đình, điều này không xấu. Nhưng nếu phụ huynh muốn trẻ hướng ngoại thì nên giảm bớt tính kiểm soát và thân thiết với con; giúp chúng mở lòng mình ra ngoài, không còn gò ép, tạo tính tự lập, làm cho trẻ nhận ra rằng ngoài gia đình thì có thể chia sẻ với bạn bè xung quanh. Chúng ta đừng quá bao bọc trẻ, hãy đẩy chúng ra xa mình” - PGS.TS Trần Thị Thu Hương cho hay.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, phụ huynh Nguyễn Thanh Hải (Hà Nội) kể: "Trước đây, tôi từng là một người con hướng nội, vì mẹ là người bạn rất thân thiết như là tri kỉ, nên tôi không cần một người bạn nào khác ở xã hội nữa. Cho đến khi mẹ tôi mất, lúc đó tôi 30 tuổi, tôi suy sụp hoàn toàn khi mất mẹ và cũng mất luôn cả người bạn tri kỉ, tôi chìm vào thế giới cô đơn một mình.
Nhưng sau đó tôi nhận ra việc phải vực dạy bản thân, mở lòng và liên hệ với những người bạn cũ của mình để cùng nhau đi lên, bứt ra khỏi vùng an toàn của một đứa trẻ hướng nội."
“Từ chính bản thân mình, tôi rút ra bài học, cần dạy cho con cách kết bạn, trước tiên hãy là một người bạn tốt, nhiệt tình, sẽ giúp con mở lòng với bạn bè, cho con một thế giới phong phú hơn” - chị Hải bày tỏ.
Đừng bao giờ nói “con phải làm” mà thay bằng…
Sau những câu chuyện từ phía phụ huynh, PGS.TS Thu Hương nhận định, hiện nay, số lượng trẻ bị stress (tạm gọi là căng thẳng, áp lực) học đường đang tăng cao, thể hiện ở việc trẻ có tính cách hướng nội, ngại giao tiếp, mệt mỏi, sợ học tập…, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó xuất phát từ bố mẹ.
Yếu tố đầu tiên gây ra áp lực cho trẻ là “luật” của bố mẹ, thể hiện qua sự rèn rũa, gò ép trẻ trong học tập và cuộc sống hàng ngày bằng các câu mệnh lệnh: con phải làm thế nọ, con phải làm thế kia. Vô tình việc dạy dỗ con, muốn con ngoan lại đang tạo áp lực rất nhiều.
PGS Hương đưa ra ví dụ, với các bạn học sinh, một ngày học ở trường 8 tiếng, sau đó phụ huynh sẽ cho trẻ học phụ họa và học ở nhà từ 3 tiếng đồng hồ, trung bình hơn 11 tiếng/ngày. Một tuần có 6 ngày đi học tương đương hơn 66 giờ/tuần (trong khi giới hạn làm việc của người lớn 60 giờ/tuần) quá cao và cực kì căng thẳng với não bộ của trẻ.
Tiếp một vấn đề trẻ thường gặp, khi kết quả học các môn của con đều cao, nhưng lại có một môn duy nhất bị điểm thấp; khi ấy trẻ rất sốc và hoảng loạn tâm lý, không biết vì sao nó bị điểm thấp.
Những lúc như vậy, phụ huynh tuyệt đối đừng mắng, nạt nộ con vì sao bị điểm thấp, trách con lười học, thậm chí là đánh đòn… như vậy là sai. Chúng ta nên trấn an tinh thần con, điểm thấp lần này có thể sửa chữa học tốt hơn để lần thi sau đạt điểm cao. Dần dần cùng con tìm cách tháo gỡ, lấy được lòng tin của trẻ, ắt trẻ sẽ tự chia sẻ với bố mẹ.
Đồng thời, PGS Hương cho rằng, ngay từ khi trẻ biết nói (3 tuổi trở lên) đồng nghĩa trẻ đã có quyền được chọn hoặc thương lượng “luật” cùng bố mẹ. Đừng bao giờ nói “con phải làm” mà thay bằng “con hãy làm”, “con nên làm”, “con đừng làm”.
Thay vì áp đặt, phụ huynh hãy đưa ra các phương án lựa chọn cho con, khi con chọn đồng nghĩa con thích thú và tự ý thức được việc cần làm, trẻ sẽ dễ dàng tuần thủ theo.
GS.TS Tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Viện trưởng Viện Tâm lý và Tâm thần học Việt Pháp khuyên rằng, với các bạn học sinh đang có dấu hiệu stress, phụ huynh nên cùng con đi chơi, xem phim, khám phá những điều mới lạ trong chuyến đi du lịch, đó cũng là cách dễ nhất giúp con giảm bớt stress.
Trẻ con rất dễ mở lòng, nhưng phải bằng sự nhẹ nhàng, thấu hiểu mới có thể làm bạn cùng con. Phụ huynh nên giao tiếp với trẻ nhỏ bằng mắt, nhìn mắt và da chạm da, cụ thể như khi nói chuyện thì nhìn con bằng ánh mắt dịu dàng, nhẹ nhàng, đừng cáu mà con sợ, khép mình; việc da chạm da là hành động ôm, dắt tay, thơm vào má, bế bồng con… tăng tính tương tác thể hiện tình yêu thương.
Ngoài ra, GS Lộc chia sẻ thêm, stress không phải chuyện khủng khiếp, nó hiện hữu ngay trong cuộc sống mỗi người, phụ huynh đừng vội lo lắng, hãy nghĩ nó theo hướng tích cực là con bạn đang cố gắng và đang rèn luyện.
“Stress giống như lực của ma sát, có đấu tranh mới dẫn đến thành công, chúng ta nên nhẹ nhàng đón nhận và tìm cách tháo gỡ các nút thắt của con” - GS Lộc cho hay.
PGS.TS Trần Thị Thu Hương nhận định, trong cuộc sống không ai có thể tránh được stress, trẻ con cũng stress về bài vở, các mối quan hệ… rất nặng và chúng ít thể hiện ra ngoài. Cần nhận biết sớm các dấu hiệu để giảm thiểu được stress cho con.
6 dấu hiệu nhận biết stress ở trẻ: không ngủ được; sợ hãi sự kiện gây stress quay trở lại; hung bạo do ấm ức tích lũy trong lòng; lảng tránh sự giúp đỡ hoặc tìm cách đổ lỗi; bồn chồn cáu bẳn; tăng phải xạ giật mình; không tập trung, mất khả năng chú ý.
Hà Cường