Khen chị dâu sắm Tết hào phóng, mẹ chồng câm nín khi nghe tôi nói câu này
(Dân trí) - Chị dâu lâu ngày về quê chồng, hào phóng sắm Tết khá nhiều, còn biếu mẹ chồng 20 triệu đồng tiêu Tết. Vì vậy, bà khen chị hết lời và quay ra nói xấu, chê bai tôi.
Tết đến, không khí trong nhà chồng tôi rộn ràng hơn. Người bận rộn sắm sửa, người vui vẻ dọn dẹp, trang trí nhà cửa. Nhưng tôi lại thấy lòng mình nặng trĩu. Nguyên nhân không phải vì làm việc mệt nhọc, mà là bởi những lời nói vô tâm của mẹ chồng.
Mẹ luôn miệng khen chị dâu: "Chị con sắm Tết hào phóng thế này, đúng là biết nghĩ cho gia đình, chẳng bù cho những năm trước". Lời khen ấy xoáy vào lòng tôi, khiến tôi cảm thấy bao năm qua mình sống ở nhà chồng, làm mọi việc, sắm sửa Tết cho nhà chồng nhưng không được mẹ chồng tôn trọng.
Chị dâu ở xa, mỗi năm chỉ về nhà chồng 1-2 lần nếu có dịp nghỉ dài. Lần nào về, chị cũng mua nhiều quà, tôi không phủ nhận. Năm nay, chị mới về ăn Tết cùng nhà chồng và sắm khá nhiều. Nhưng lời mẹ nói ra thực sự không có sự tôn trọng nào dành cho tôi.
Tôi im lặng cho qua nhưng càng nghĩ, càng thấy bức xúc. Bao nhiêu năm nay, tôi làm dâu, làm mẹ, làm vợ nhưng vì câu nói của mẹ chồng mà công sức của tôi như bị phủi sạch.
Hôm nay, trong bữa cơm, mẹ lại nhắc: "Con xem chị con đấy, biết lo cho nhà chồng. Còn con, cái gì cũng tính toán quá thành ra Tết không ra Tết. Mọi năm con sắm, nhưng mẹ chưa thấy năm nào được rực rỡ như năm nay chị dâu con làm. Chị còn biếu mẹ 20 triệu đồng tiêu Tết đấy".
Tôi không chịu nổi, phản ứng gay gắt: "Mẹ ơi, chị dâu cả năm về nhà mình được mấy lần? Đã năm nào chị về ăn Tết chưa mẹ? Quanh năm chị không làm gì, làm được một lần thì mẹ khen hết lời. Còn con làm cả năm ở nhà mình thì chưa được một lời".
Mẹ nghe câu tôi nói thì câm nín, không đáp lại lời nào. Câu nói của tôi đủ khiến bà nhận ra sự bất công và ấm ức tôi phải chịu ở nhà chồng. Sống chung ở nhà chồng, từ cái tăm tôi cũng phải mua.
Bố mẹ chồng không có lương, chưa từng bỏ ra một nghìn nào từ tiền điện, tiền nước... Thức ăn, thức uống hàng ngày, giỗ chạp, mọi thứ tôi đều lo liệu. Vậy sao mẹ chồng không hỏi những thứ đó ở đâu mà có, do ai lo? Bao năm số tiền tôi bỏ ra thì số quà chị dâu sắm bõ bèn gì, sao mà so sánh được?
Chồng tôi lần đầu tiên không bênh mẹ mà bảo vệ tôi: "Con thấy vợ con nói đúng mẹ ạ. Đừng để ai cũng cảm thấy mình bị coi thường ở nhà mình. Vợ con quanh năm vất vả. Mẹ đừng thấy cái trước mắt mà quên cái cũ. Mẹ làm vậy không tốt cho ai, mà làm con cái bất hòa đó mẹ ạ".
Mẹ im lặng, bữa cơm không còn vui vẻ như thường ngày. Những lời chồng nói là tất cả sự ấm ức tôi đã kìm nén không dám nói ra.
Sau lần đó, tôi bàn với chồng chuyện chuyển ra ở riêng. Chúng tôi cần không gian riêng, cần sự bình yên để vun đắp hạnh phúc. Khi biết tin, mẹ chồng khóc lóc, nói rằng bà không cố ý làm tôi buồn. Bà thậm chí còn xin lỗi, mong chúng tôi quay lại. Nhưng tôi hiểu, đôi khi khoảng cách là cần thiết để mọi người hiểu nhau hơn.
Tôi không giận mẹ chồng, chỉ mong bà hiểu rằng, tình cảm gia đình không nên đặt lên bàn cân so sánh. Đừng vì ai "xa thơm" mà quên đi những người gần gũi, âm thầm hy sinh mỗi ngày.
Tết này, tôi không còn ở cùng nhà chồng. Nhưng tôi tin, với sự thay đổi trong suy nghĩ của mẹ, những năm sau, cả nhà sẽ nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn. Điều quan trọng nhất, tôi đã tìm lại được sự tôn trọng và tiếng nói trong gia đình chồng.
Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.