Tình yêu qua lăng kính khoa học

Hormone và cảm giác yêu

(Dân trí) - Văn học nghệ thuật không tiếc lời ngợi ca tình yêu cùng những cung bậc khác nhau của nó. Song có bao giờ bạn băn khoăn đâu là điểm mấu chốt ẩn sau mỗi giai đoạn yêu đương? Thật thú vị khi biết rằng, những cảm xúc nhân văn ấy do chính các hormone trong cơ thể chúng ta điều khiển.

Khoa học chia tình yêu thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn ứng với một cung bậc tình cảm khác nhau:

 

Ham muốn

 

Giai đoạn đầu tiên lúc tình yêu nhen nhóm. Sự ham muốn được điều khiển bởi 2 loại hormone giới tính là testosterone và oestrogen.

 

Testosterone không chỉ giới hạn ở phái nam như người ta vẫn tưởng. Thực tế cho thấy loại hormone này đóng vai trò khá lớn trong việc đưa đẩy ham muốn tình dục ở nữ. Chung quy lại, chính hai loại hormone này xui khiến người ta “ra đi tìm kiếm bạn tình”.

 

Cuốn hút

 

Đây có thể coi là giai đoạn “cảm giác mạnh” nhất của tình yêu. Bước sang giai đoạn này, người trong cuộc chẳng thể nghĩ đến điều gì khác ngoài tình yêu và đối tượng của họ.

 

Các chàng trai, cô gái thậm chí mất hẳn cảm giác ngon miệng, ngủ ít hơn, họ dành đến hàng giờ đồng hồ trong ngày chỉ để mộng mơ suy tưởng về hình bóng đã chiếm trọn trái tim mình.

 

Đóng vai trò chủ chốt trong giai đoạn Cuốn hút là một nhóm tập hợp các amin đơn sắc bao gồm:

 

- Dopamine: Còn được “kích hoạt” bởi cocaine và nicotine.

 

- Norepinephrine: Hay adrenalin, “thủ phạm” gây ra “chứng” toát mồ hôi và tim đập rộn ràng.

 

- Serotonin: Một trong những chất hóa học quan trọng nhất của tình yêu có khả năng đưa đẩy con người ta đến những phút điên cuồng đầy ngẫu hứng.

 

Quyến luyến

 

Nếu tình yêu có xu hướng bền vững, lâu dài, bạn sẽ vượt qua giai đoạn Cuốn hút để tiếp tục bước vào thời kỳ Quyến luyến.

 

Giai đoạn được coi là đánh dấu sự gắn kết bền vững hơn, là sợi dây nối giữa hai người trên con đường tiến tới sinh con đẻ cái.

 

Hai loại hormone quan trọng của quá trình này là Oxytocin và Vasopressin, được giải phóng bởi hệ thần kinh, có vai trò chủ chốt trong việc tạo ra sự quyến luyến đối với các mối quan hệ xã hội.

 

- Oxytocin: Giải phóng trong quá trình sinh nở, liên quan đến việc hình thành nguồn sữa mẹ nuôi con và thắt chặt thêm tình mẫu tử.

 

Oxytocin cũng được giải phóng trong cơ thể cả hai giới khi ở đỉnh cao của khoái cảm tình dục, và người ta tin rằng chính loại hormone này thúc đẩy mối dây liên kết giữa hai người đã thân thiết, gần gũi với nhau.

 

Giả thuyết cho rằng, càng có nhiều phút ân ái mặn nồng, tình cảm quyến luyến giữa hai người càng trở nên sâu sắc.

 

- Vasopressin: Một chất hóa học khác có vai trò quan trọng trong việc gắn kết lâu dài, phát hiện qua nghiên cứu trên cơ thể loài chuột thảo nguyên.

 

 Huyền Anh

Theo BBC

Dòng sự kiện: Khoa học yêu