Giảm áp lực thi cử cho con

(Dân trí) - Mang cốc sữa ấm lên phòng bồi dưỡng sức khỏe cho con, chị Quyên chóang vì đập ngay vào mắt mình dòng khẩu hiệu to tướng trên tường: “Đỗ hay là chết”.

Ân cần vuốt tóc con gái dỗ dành: “Con nghỉ ngơi, uống sữa đi rồi học tiếp”. Đáp trả lại cử chỉ của mẹ, Quỳnh Anh khẽ nhăn nhó: “Không được mẹ ơi, con sắp thi rồi. Bọn bạn con là sinh viên hết, năm nay con không thể trượt tiếp được”.

 

Thấy con nỗ lực như thế, chị Quyên cũng phấn khởi trong lòng nhưng cũng không khỏi rùng mình lo lắng vì động một tẹo Quỳnh Anh lại nhắc đến chết chóc.

 

Sức học tuy khá nhưng run rủi thế nào, Quỳnh Anh lại trượt trong kỳ Đại học năm ngoái. Cú sốc đầu đời khiến cô bé ốm một trận, không cơm không nước, dằn vặt bản thân. Bố mẹ, bạn bè động viên mãi, Quỳnh Anh mới gượng dậy được. Bữa ấy, chị Quyên cũng không cầm được nước mắt khi con gái ôm cổ khóc ngất: “Mẹ ơi, con xấu hổ, tủi nhục với bạn bè lắm”.

 

Ước mơ của Quỳnh Anh là vào Đại học Ngoại thương. Anh nhà chị ủng hộ con lắm, còn lớn tiếng xin hứa: “Nếu đỗ bố sẽ thưởng cho con một chuyến du lịch Trung Quốc”. Khỏi phải nói, Quỳnh Anh mê tít, còn khéo nằn nèo thêm: “Bố đổi cả di động cho con bố nhé”.

 

Nỗi thất vọng mang tên “Học sinh lớp 13” khiến Quỳnh Anh tự ti tột độ, tự nhốt mình trên phòng riêng, quyết chí “phục thù rửa hận”, không giao tiếp hay trò chuyện với bất kỳ người bạn nào từ khi biết kết quả đáng buồn ấy. Điều này khiến chị Quyên vô cùng lo lắng. Chị sợ con bị sức ép học hành mà ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần.

 

Cuối tuần, rảnh rỗi, chị Quyên tranh thủ dọn dẹp phòng trong khi cô con gái yêu còn đang say giấc. Nhanh tay thu xếp mấy đống giấy vở lộn xộn trong ngăn bàn, chị mới giật mình ngã ngửa: Một lọ thuốc ngủ lăn lông lốc xuống sàn. Sốc hơn khi trang nhật ký mở của con mà chị vô tình đọc được có đoạn: “Năm nay mình mà không đỗ, chỉ có nước chết. Còn mặt mũi nào mà gặp thầy cô, bố mẹ, bạn bè. Mình đã chuẩn bị sẵn thuốc ngủ và cất kỹ rồi”.

 

Chị muốn trò chuyện với con, muốn con hiểu rằng ngoài Đại học ra còn trăm ngả vào đời nếu con biết nỗ lực, phấn đấu; rằng con đã cố gắng như vậy, bố mẹ không trách cứ điều gì. Nhưng, chị không biết mở lời thế nào vì tính con vốn cương quyết, hiếu thắng…

 

Vợ chồng chị Mai cũng đang trong hoàn cảnh chăm nuôi sĩ tử. Anh nhà chị làm trong ngành Y và cứ muốn Nam- cậu con trai cả của gia đình theo nghiệp bố. Khổ nỗi, cậu bé lại khăng khăng: “Con thi sư phạm. Con chỉ muốn làm thầy giáo thôi. Bố mẹ thích Y thì bố mẹ tự thi đi”. Nghe thằng bé nói vậy, anh nhà nổi giận đùng đùng: “Mày phải thi. Không thì đừng có trách”.

 

Bố con đối đầu, chẳng ai chịu nhượng bộ. Kẹt ở giữa, chị Mai qua chồng năn nỉ không thành, đành an ủi, khích lệ con: “Thôi, con ạ, học trường Y cũng làm thầy được mà”. Động viên mãi, thấy mẹ nói cũng hợp lý, Nam mới chịu xuôi theo nhưng trong lòng còn ấm ức. Tuy vậy, chị Mai cũng phải thừa nhận một thực tế: Sức học của con chỉ ở mức trung bình khá trong khi điểm đầu vào của trường Y năm nào cũng cao ngất ngưởng. Sợ rằng “trèo cao ngã đau”, chị bàn bạc với chồng tìm một trường nào đó phù hợp hơn với sức học của thằng bé, anh lại gạt đi: “Em chỉ được cái nói gở. Chưa thi sao biết”. Chị cũng đành thử vận may rủi cùng con với hy vọng mong manh, biết đâu…

 

Nghe cô bạn đồng nghiệp mách nước và cho số điện thọai của một cậu sinh viên trường Y giỏi đang học năm cuối, chị Mai quay số thỏa thuận để mời làm gia sư kèm việc học cho con. Chẳng ngờ, qua hai buổi, cậu này đã tìm cách tháo lui với lý do: “Em nhà cô không biết có phải do học nhiều không chứ cháu không thể dạy thêm được. Sai lè lè mà em cứ cãi lấy cãi để còn bảo cháu kém cỏi, dạy sai kiến thức. Thôi, cô chịu khó tìm gia sư khác cho em”. Chị Mai chỉ biết nước cười méo mó. Từ hôm ấy, chị thấy con hay ngẩn ngơ, ngơ ngẩn, ngồi vào bàn học mà thường không tập trung, tâm hồn lơ đãng, mơ màng, nói trước quên sau…

 

Mùa thi đang đến gần, các bậc phụ huynh dành nhiều công sức để bồi bổ, chăm sóc thể chất cho con cái thì cũng nên chăm lo đến sức khỏe tinh thần cho các em. Theo Kidshealth, nếu phát hiện con trẻ có một số biểu hiện rối lọan sau, cần nhanh chóng kịp thời phát hiện và can thiệp sớm:

 

- Buồn chán, thất vọng, ủ rũ

 

- Rối loạn giấc ngủ, đau dạ dày, đau đầu, đau ngực…

 

- Lo lắng, hoảng loạn, nôn nóng, dễ bị kích động

 

Ngọc Anh