Dùng “mỹ từ” dạy con cháu

(Dân trí) - Cậu con trai lớp 6 trường Lê Quý Đôn, Thủ Đức, TPHCM vừa ra khỏi cổng trường ngay lập tức bị ông bố quát: “Mày làm gì giờ mới ra hả, biết tao chờ lâu rồi không!”.

Đứa con lí nhí: “Con ở hội trường với mấy bạn”. Ngay lập tức một tràng chi vang lên: “Làm chó gì trong đó, về nhà mày chết với tao”. Nhiều người đi đón con đứng quanh đó nhìn hai bố con rất lâu, lắc đầu ái ngại.

 

Bà ngoại Loan, ở Thủ Đức, TPHCM, năm nay đã 76 tuổi, thế nhưng mỗi lần bà mắng cháu thì mấy người trong nhà và những sinh viên ở trọ quanh đó cảm thấy rất chói tai.

 

Hôm trước, do ham, Loan tắm hơi trễ không ra ăn cơm với gia đình. Bà ngoại quát một tràng: “Về nhảy nhót cho lắm vào giờ mới mò đi tắm, bà mẹ nó sướng quá nên để cả nhà chờ à”. Tội cho cô cháu gái năm nay mới lớp 7 vội vàng dội mấy gáo nước chạy ra ăn cơm ngay không lại nghe điệp khúc nữa.

 

Hải, anh trai của Loan đang học trung cấp, lâu lâu đi chơi về trễ là ngay lập tức được xổ một bữa ra trò: “Ăn rồi đi như ngựa nhỉ, suốt ngày đi với con quỷ cái này đến con quỷ cái khác. Nuôi mày còn mệt hơn nuôi mấy con chó nữa, có gì ngon tao cho mấy con chó ăn còn hơn”. Cậu cháu trai cũng chẳng nói gì, im ỉm đi vào phòng làm luôn một giấc đến sáng.

 

Khuê đang học lớp 9 nội trú ở một trường trong thành phố, cứ thứ Bảy hay Chủ nhật về nhà là cậu phải chạy ngay sang hàng xóm, tránh cái điệp khúc quen thuộc của ông bố tuổi 50:

 

“Mày học gì ngu như con bò vậy, nhà trường mới điện thoại than phiền cho tao nè. Học vậy thì khăn gói về đi ăn xin, hoặc đi móc c*t bán lấy tiền ăn cho đỡ tốn công tao bỏ tiền nuôi mày”.

 

Đó không phải chuyện lạ nữa bởi trong nhiều gia đình ngày nay vẫn có những kiểu dạy con, dạy cháu bằng lời lẽ như thế. Nhiều người lớn họ vẫn vô tư văng ra “đủ thứ” khi dạy con, dạy cháu của mình. Bởi vậy nên con cháu chẳng còn kính trọng ông bà, cha mẹ nữa.

 

Cậu học sinh lớp 6 kia lần sau bố đón cứ im lặng ngồi lên xe không nói một lời nào, trên mặt luôn thường trực nỗi sợ hãi. Còn Loan thì không thèm nhìn bà ngoại, mỗi lần bà la là chạy ngay vào phòng đóng cửa mặc kệ, cho đến khi nào bà chán thì thôi. Hải ngồi với bạn bè luôn nhắc đi nhắc lại: “Sao bà ngoại tao không “khuất” đi cho rồi, sống mà cứ sủa hoài như thế điếc cả tai”.

 

Riêng Khuê cuối tuần về nghỉ được hai ngày thì ngồi ở tiệm net hoặc nhà bạn bè mất ngày rưỡi! Cậu không dám ở lâu trong nhà bởi những “mỹ từ” của bố cứ xa xả vào mình, nghe mệt lỗ tai, nhức cái óc.

 

Cũng vì ảnh hưởng từ người lớn mà lớp trẻ ngày nay dùng “mỹ từ” rất nhiều. Ghé một tiệm net ở quận Phú Nhuận, chơi game chút đã thấy mấy game thủ mặt búng ra sữa lâu lâu lại văng ra những câu đến nóng mặt. Nói chuyện hằng ngày chúng cũng văng tục, chửi thề ngay cả với đứa bạn.

 

Có lẽ đôi lúc người lớn nên nhìn lại mình trong việc sử dụng lời ăn tiếng nói khi dạy con, dạy cháu. Dạy làm sao để hướng con cháu sống tốt hơn, biết kính trọng mình, đừng làm chúng sợ một lúc đó nhưng sau này không còn coi mình ra gì nữa.

 

Lê Mỹ

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con cái