"Đừng kết hôn trước tuổi 30" - tuyên ngôn mới của phụ nữ Trung Quốc
Với cuốn sách “Đừng kết hôn trước tuổi 30” và hàng tá những buổi trò chuyện về nữ quyền, Joy Chen, một Hoa kiều Mỹ đã trở thành người phụ nữ giải cứu phụ nữ Trung Quốc khỏi những bế tắc trong hôn nhân.
Phụ nữ Trung Quốc và mặc cảm "gái già"
Nữ quyền ở Trung Quốc phát triển theo con đường khá phức tạp. Một mặt, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gạt bỏ được những biểu tượng áp bức khét tiếng dành cho nữ giới như những đôi chân bị bó đến biến dạng, những cuộc hôn nhân sắp đặt hay đàn ông đa thê... Khi Chủ tịch Mao Trạch Đông tuyên bố, phụ nữ chiếm một nửa bầu trời, Đảng cũng đã ghi nhận sự bình đẳng giới trong hiến pháp. Nhưng mặt khác, chính sách một con kéo dài từ năm 1979 đến năm 2013 đã dẫn đến những hệ lụy kinh khủng khi nhiều bé gái sơ sinh bị bỏ rơi, thậm chí bị giết để nhường chỗ cho những bé trai.
Nhìn chung, xã hội Trung Quốc vẫn bảo thủ và gia trưởng. Đặc biệt, nếu đến tuổi mà không kết hôn, phụ nữ sẽ bị coi là "những người phụ nữ còn sót lại" hay còn gọi là “gái già”.
Tuy nhiên, hiện tư tưởng phương Tây về sự tự tin, thành công và quyến rũ đang truyền cảm hứng cho rất nhiều phụ nữ Trung Quốc. Và những người phụ nữ Trung Quốc ở độ tuổi 20, 30 không còn muốn cam chịu những điều mà mẹ họ đã phải trải qua vì đất nước đã phát triển rất khác so với thế hệ trước.
Thế hệ phụ nữ Trung Quốc hiện tại có lẽ là thế hệ phụ nữ đầu tiên tại nước này có thể đắm mình trong chủ nghĩa tự do không bị khống chế.
Người phụ nữ "Đừng kết hôn trước tuổi 30"
Joy Chen sinh ra trong một gia đình Trung Quốc di cư sang Mỹ. Ban đầu, cô làm việc trong ngành bất động sản thương mại và trở thành phó thị trưởng Los Angeles ở tuổi 31. Sau đó, cô đã trở thành một headhunter (người chuyên tìm kiếm các giám đốc điều hành cho những công ty Fortune 500).
Ý tưởng cho cuốn sách “Đừng kết hôn trước tuổi 30” của Chen xuất phát từ một blog mà cô bắt đầu viết từ năm 2008. Cô đã viết blog đó bằng tiếng Anh, sau đó được dịch và đăng tải rộng rãi ở Trung Quốc, thu hút sự chú ý của Nhà xuất bản Citic Presscủa Trung Quốc. Nhà xuất bản này đã đề nghị cô viết một cuốn sách về "những người phụ nữ còn sót lại".
Chen kể lại: “Khi tôi nghỉ thai sản sau khi sinh con gái thứ hai, tôi lại quyết định thử với một mục blog có tên “Đừng kết hôn trước tuổi 30”. Ngay ngày hôm sau, máy chủ blog đã bị sập vì quá tải”. Và thế là Chen biến blog đó thành một cuốn sách.
Chen cho biết cô mang Quốc tịch Mỹ nhưng cũng như bao người phụ nữ Trung Quốc khác, cô lớn lên trong một gia đình Trung Quốc truyền thống rất bảo thủ. Cha mẹ cô là những nhà khoa học gặp nhau khi làm nghiên cứu tiến sĩ ở Mỹ. Họ có thể được giáo dục tốt nhưng họ vẫn kết hôn một cách không bình đẳng khi mẹ cô phải đóng vai trò phụ thuộc.
Về con đường tiến đến hôn nhân của mình, Chen tiết lộ: “Tôi có một vệt dài các mối quan hệ tồi tệ nhưng khi 37 tuổi, tôi đã gặp chồng tương lai của mình trong một quán cà phê và tôi biết anh ấy là người dành cho tôi. Vì vậy, tôi đã săn lùng anh ấy như một headhunter. Tôi muốn phụ nữ biết rằng họ cũng có thể làm điều đó”.
Ngoài xuất bản sách, Chen hiện đã ra mắt một khóa học video trực tuyến 99 nhân dân tệ (khoảng 350.000 VNĐ) với những lời khuyên về cả sự nghiệp lẫn tình yêu. Cô đặt tên khóa học này là "Trở thành Thợ săn", bởi vì chỉ có thợ săn mới chiến thắng trong thế giới khốc liệt này.
Không tiết lộ đã bán được bao nhiêu cuốn sách “Đừng kết hôn trước tuổi 30” vì thỏa thuận bảo mật với nhà xuất bản, tuy nhiên, chỉ riêng những video miễn phí của cô đã thu hút hơn 2 triệu lượt xem trên nền tảng miaopai.com và những nội dung khác của cô, cũng như các cuộc phỏng vấn của cô trước truyền thông Trung Quốc đã thu hút tổng cộng 89 triệu lượt xem từ năm 2012-2018.
Kể từ năm 2012, Chen đã thực hiện 80-100 cuộc nói chuyện trên khắp Trung Quốc.
Kết hôn với chính mình
Khi Feng Jinjin (33 tuổi) đọc cuốn sách “Đừng kết hôn trước tuổi 30” của Joy Chen vào năm 2012, cô nhận ra mình đã phạm phải tất cả những sai lầm mà Chen viết trong cuốn sách.
“Tôi đã làm mọi thứ trong danh sách những điều không nên làm của cô ấy. Tôi kết hôn khi tôi 26 tuổi. Khi đó, tôi còn quá trẻ. Tôi thiếu tự tin. Tôi đã không hiểu thế giới và cả bản thân mình”, Feng chia sẻ.
Năm 2016, Feng đã ly dị. Gửi con gái nhỏ cho cha mẹ, Feng bay sang Mỹ để tham dự cuộc họp cổ đông của Berkshire Hathaway và gặp thần tượng Warren Buffett. Sau đó, cô bắt đầu một cuộc sống mới ở Bắc Kinh với tư cách là một doanh nhân tự do và độc thân. Đặc biệt, cô đã quyết định... kết hôn với chính mình. Feng cũng đi chụp ảnh cưới và lễ cưới chính thức được tổ chức vào tháng 1/2017 tại một khu nghỉ dưỡng ở Bali với sự tham dự của khoảng 20 người bạn.
Kết hôn với bản thân dường như là một điều lập dị nhưng có lẽ với Feng, việc này đáng để ăn mừng vì đây là biểu hiện công khai nhất của chủ nghĩa cá nhân mà cô cảm thấy rất cần cho bản thân. “Cha mẹ của chúng tôi đã không có nhiều sự lựa chọn. Bây giờ, chúng tôi chỉ muốn có cơ hội tương tự như đàn ông”, Feng nói.
Cũng là độc giả của Chen, Angela Li có hoàn cảnh éo le hơn Feng. Cô bị cha mẹ ruột bỏ rơi lúc mới 7 tuổi. Cô được một cặp vợ chồng người Mỹ làm việc cho một tổ chức từ thiện ở tỉnh Vân Nam nhận nuôi.
Là một người phụ nữ hiện đại và có học thức nhưng cô cho biết, mình thiếu tự tin và ký ức về những năm đầu đời khiến cô mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương.
“Tôi đã đọc blog Joy Joy của Joy Chen, sau đó chuyển sang đọc sách của cô ấy. Tôi đã gặp cô ấy và thật may mắn khi tìm được một người thực sự có thể giúp tôi. Phụ nữ cần nghe những điều như: “Nếu bạn muốn mua một chiếc xe hơi, bạn sẽ mua chiếc đầu tiên mà bạn nhìn thấy sao? Vậy tại sao bạn lại phải làm thế với hôn nhân?”, Li chia sẻ.
Theo Trà Li
Phụ Nữ Việt Nam