Điện thoại của người thân

(Dân trí) - Gã nhận lời vì công việc chẳng vất vả gì mà lại có tiền cho gã mua mồi nhậu mỗi ngày. Gã vẫn vỗ ngực nhận mình là “lính đánh thuê”, ai đưa tiền là chỉ đâu gã đánh đấy, làm gì cũng được.

Việc lần này rất nhẹ nhàng, gã chỉ việc đúng vào lúc nửa đêm, buổi trưa hay bất kể giờ nào đó trong ngày, dùng sim rác, gọi điện đến số cố định của một gia đình mà người thuê gã căm ghét bởi một mâu thuẫn nào đó gã chẳng thèm quan tâm, gọi đến để quấy nhiễu không cho họ ngủ, gọi để nói những lời nhơ bẩn, thô tục, xúc phạm đến họ, giúp người trả tiền cho gã bõ tức.

Điện thoại của người thân




Gã cần mẫn làm tốt nhiệm vụ của mình, đều đặn gọi điện đến nhà người đó, ban đầu họ bất ngờ nên chỉ nói, "anh nhầm máy rồi", sau đó thấy gã làm phiền thường xuyên thì họ hiểu mục đích của cuộc gọi, nghe thấy giọng gã là cúp máy, song cũng đủ để gã nói những điều cần nói, gã sa sả tuôn ra những điều bẩn bựa, khiến đối phương tối tăm mặt mũi...

Song gã cũng rất ngạc nhiên là hàng tuần trôi qua, hàng tháng trôi qua, không một lần nào gã gọi mà họ không "a lô". Tò mò mãi, cho đến một ngày gã đánh liều, sau khi nghe họ lên tiếng, không như mọi lần nhanh nhẹn chửi rủa, lần này, sau một vài giây im lặng, gã nói: "Cháu là đứa vẫn gọi điện đến đây chửi bới, song cháu chỉ thắc mắc một điều, tại sao bác không rút dây điện thoại ra hoặc dùng số điện thoại di động khác nếu cần nhận cuộc gọi nào đó".

Tiếng người đàn bà đứng tuổi khẽ nói: “Hàng ngày cô con gái út vốn đang ở xa của tôi vẫn thường gọi điện hỏi thăm sức khỏe tôi, một năm có bao nhiêu ngày thì có bấy nhiêu lần nó gọi điện. Đó là thói quen duy trì suốt nhiều năm nay, giờ không thể chỉ vì một kẻ rắp tâm phá quấy mà tôi khiến con gái mình phải từ bỏ thói quen ấy. Thấy tôi không nghe máy nó sẽ cảm nhận được điều bất an và sẽ lo lắng".

Gã lặng người đi, lí nhí nói xin lỗi rồi cúp máy. Từ đó không còn ai thấy gã lang thang rượu chè làm những việc vô lương tâm. Nghe nói, hình như gã đã xin vào làm công nhân của một công ty nào đó.

TSL