1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

"Vụ việc Đinh Thanh Trung và cầu thủ Hà Tĩnh là do các CLB quá nuông chiều"

Trọng Vũ

(Dân trí) - Vụ việc 5 cầu thủ đội Hà Tĩnh bị bắt vì nghi dính đến ma túy là lời cảnh tỉnh cho giới bóng đá Việt Nam. Cựu Chủ tịch VFF Dương Vũ Lâm nói về chuyện một bộ phận cầu thủ có lối sống không lành mạnh.

Ngoài cương vị cựu Phó Chủ tịch (PCT) Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), ông Dương Vũ Lâm từng là PCT Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF).

Ông Lâm từng nhiều lần giữ cương vị trưởng đoàn điều hành các giải quốc tế (tương đương với cách gọi trưởng Ban tổ chức các giải trong nước). Vì thế, ông Lâm tường tận công tác kiểm tra doping ở các giải quốc tế.

Vụ việc Đinh Thanh Trung và cầu thủ Hà Tĩnh là do các CLB quá nuông chiều - 1

Đoạn cuối sự nghiệp của cựu Quả bóng vàng Việt Nam là Đinh Thanh Trung khá buồn sau khi anh dính đến ma túy (Ảnh: Hoài Anh).

Sự việc 5 cầu thủ thuộc CLB bóng đá Hà Tĩnh bị phát hiện sử dụng chất cấm có phải là sự việc xảy ra lần đầu với giới bóng đá Việt Nam?

- Đây là câu chuyện không mới, trước đây từng có vài trường hợp, nhưng một bộ phận cầu thủ nội vẫn không xem đấy là bài học, vẫn tiếp tục sa ngã. Ngay cả trường hợp cầu thủ ngôi sao dính đến chất cấm cũng không phải lần đầu.

Điều này đặt ra giả thuyết từ một bộ phận dư luận cho rằng có một số CLB trong nước nuông chiều cầu thủ, không sát sao đến sinh hoạt của họ bên ngoài sân cỏ, dẫn đến việc các cầu thủ sinh hoạt phóng túng.

Còn với một vài CLB, một vài ông bầu, càng là ngôi sao lại càng được nuông chiều, chỉ cần ngôi sao đấy và những cầu thủ đấy có thành tích tốt trên sân cỏ. Nhưng khi sự việc xảy ra thì chúng ta thấy rồi, cầu thủ lãnh đủ, ví dụ như nhóm 5 cầu thủ Hà Tĩnh vừa bị phát hiện sử dụng ma túy vừa rồi, có thể họ sẽ bị cấm thi đấu vĩnh viễn.

Tại các CLB chuyên nghiệp ở nước ngoài, họ ngăn chặn cầu thủ sử dụng chất cấm như thế nào, thưa ông?

- Các CLB ở nước ngoài họ không quản lý cầu thủ sau giờ tập luyện và thi đấu, nhưng thường thì vào buổi sáng, các CLB ở nước ngoài có thể kiểm tra doping, kiểm tra chất cấm đột xuất với cầu thủ của họ.

Đặc biệt, trong vài trường hợp các CLB nghi ngờ thông qua biểu hiện của cầu thủ vào những buổi sáng, họ càng kiểm tra kỹ hơn. Khi đó, những người sử dụng chất cấm chắc chắn không thể giấu được đội bóng chủ quản.

Vụ việc Đinh Thanh Trung và cầu thủ Hà Tĩnh là do các CLB quá nuông chiều - 2

Công tác kiểm tra doping tại giải V-League chưa được thực hiện tốt (Ảnh: Hoài Anh).

Một khi các CLB có biện pháp như thế, được trang bị hệ thống y tế phù hợp để kiểm tra đột xuất cầu thủ như thế, các cầu thủ sẽ ít dám vi phạm nội quy. Đấy là chưa kể ở các giải đấu quốc tế, Ban tổ chức (BTC) giải cũng kiểm tra doping thường xuyên, nên cầu thủ nào sử dụng chất cấm sẽ bị phát hiện ngay.

Ông đánh giá thế nào về khâu kiểm tra doping, kiểm tra chất cấm ở giải trong nước hiện nay?

- Trước đây, giải V-League có kiểm tra doping các cầu thủ theo kiểu đột xuất. Hồi đấy tôi nhớ rằng VPF có hợp tác với anh Phượng (Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quý Phượng) kiểm tra doping theo kiểu xác suất ở các CLB.

Sau này thì tôi không rõ giải V-League có còn kiểm tra doping các cầu thủ kiểu đột xuất hay không. Với các giải đấu quốc tế, họ kiểm tra cầu thủ theo kiểu bốc thăm ngẫu nhiên hoặc chọn lựa.

Họ nhìn biểu hiện của cầu thủ ở trên sân, ví dụ như hôm đấy cầu thủ đấy chạy khỏe một cách bất ngờ, hoặc mỏi mệt một cách bất thường, người đó có nguy cơ bị kiểm tra rất cao.

Đấy là biện pháp kỹ thuật để giới bóng đá quốc tế ngăn ngừa cũng như phòng chống doping, phòng chống chất cấm. Bóng đá Việt Nam thiếu biện pháp kỹ thuật, nên phần lớn các vụ bị phát hiện sử dụng chất cấm được biết đến sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, chứ rất hiếm khi giới bóng đá chủ động phát hiện ra những hiện tượng này từ đầu.

Ngoài biện pháp kỹ thuật, còn cần thêm biện pháp nào khác để phòng chống doping, thưa ông?

- Giáo dục cầu thủ. Biện pháp kỹ thuật và biện pháp mang tính giáo dục là 2 phương pháp sử dụng song song để phòng tránh chất cấm trong bóng đá. Tôi lấy ví dụ hiện tại lứa cầu thủ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Quang Hải, Đình Trọng, Văn Toàn, Hoàng Đức hầu như ít khiến người hâm mộ và giới chuyên môn lo lắng về vấn đề sử dụng chất cấm.

Có nghĩa là phương pháp giáo dục cầu thủ ở các lò đào tạo LPBank HAGL, Hà Nội FC, Thể Công Viettel sau này giúp các cầu thủ nhận thức đúng hơn, đủ hơn về tác hại của lối sống phóng túng. Môi trường tốt tạo cho cầu thủ có suy nghĩ tốt.

Ví dụ như khi họ phóng túng, không chỉ bản thân họ chịu hậu quả, mà gia đình của các cầu thủ này cũng khổ theo. Nếu họ suy nghĩ được như thế, có được ý thức như thế, họ sẽ tránh được việc sa ngã theo con đường không tốt. Suy nghĩ này đến từ nền tảng giáo dục, một số CLB và lò đào tạo trong nước đã giúp một vài cầu thủ hình thành nền tảng này từ nhỏ. 

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!