Cưng chiều con bằng lời ngon ngọt: Đừng xây ảo tưởng bằng… đường mật

Cưng chiều con bằng những lời ngon ngọt bản chất là một tình cảm thiêng liêng. Bởi, bố mẹ nào cũng muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con.

Song sự cưng chiều, nịnh con đã tạo ra những ông vua con, đứa trẻ chỉ biết hưởng thụ và đòi hỏi.

Những đứa trẻ được bố mẹ nịnh sẽ có xu hướng đề cao bản thân quá mức. Theo các chuyên gia, phụ huynh có thể sử dụng những câu nói khác, vừa để trẻ hợp tác và cũng nhằm thể hiện tình yêu của cha mẹ.

Những đứa trẻ "khuyết" kỹ năng

Trước đây, ông bà ta quan niệm "đông con - nhiều của". Mỗi gia đình có 5 - 6 người con là điều bình thường. Song, ngày nay, mỗi gia đình có xu hướng sinh từ 1 - 2 con. Điều đó đồng nghĩa với việc cha mẹ có thời gian chăm lo cho con nhiều hơn.

Với điều kiện "đầu tư" tốt như vậy, các phụ huynh kỳ vọng, con mình sẽ phát triển toàn diện. Song, thực tế, không ít trẻ thường "khiếm khuyết" kỹ năng sống, thậm chí được "chiều quá, sinh hư".

Bữa cơm nhà chị Hà (Chương Mỹ, Hà Nội) thường kéo dài hơn 1 tiếng. Lý do là vì cô con gái thứ 2, năm nay học lớp 4 vẫn đòi mẹ bón từng thìa. Thậm chí, chị Hà phải nịnh đủ kiểu, "tiểu công chúa" mới nuốt được một miếng.

Nữ phụ huynh chia sẻ, bé có thói quen sà vào lòng bố ngồi, trong khi được mẹ bón cơm. Thậm chí, vợ chồng chị Hà liên tục nịnh con bằng những câu như: "Con ăn ngoan rồi bố mẹ cho đi siêu thị nhé", hoặc "Bé yêu của nhà mình ăn giỏi quá, con xinh đẹp và đáng yêu nhất trên đời!".

Vì muốn con ăn, tất nhiên, chị Hà sẵn sàng "nói ngọt". Không chỉ bữa cơm, bất kể việc gì nếu muốn con thực hiện, chị Hà cũng phải dùng tới chiêu... nịnh. Ví dụ, muốn con ngồi vào bàn học, chị Hà cũng phải nói: "Con chịu khó học một lúc thôi, vì con là gái yêu chăm nhất thế giới mà".

Có lẽ, chuyện nhà chị Hà không quá xa lạ. Mỗi khi nhắc đến chuyện nịnh con, anh Hoàng Hiệp (Từ Liêm, Hà Nội) đều thở dài: "Do chỉ sinh mình Bi, nên vợ chồng tôi chiều cháu hết mực. Chúng tôi thậm chí thường xuyên nịnh để con nghe lời. Tuy nhiên, chúng tôi vô tình đã hình thành cho con thói quen chỉ thực hiện điều gì đó khi có điều kiện".

"Uốn cây từ thuở còn non/Dạy con từ thuở con còn ngây thơ" - câu ca dao xưa đúng với mọi hoàn cảnh. Cưng chiều con - bản chất là một tình cảm thiêng liêng. Bởi, bố mẹ nào cũng muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con. Song, sự cưng chiều, bao bọc quá mức đó đã tạo ra những đứa trẻ chỉ biết hưởng thụ và đòi hỏi.

Nhiều người phàn nàn rằng, bọn trẻ ngày nay không biết làm gì. Thậm chí, nhiều trẻ không kiểm soát cảm xúc của bản thân hoặc nhanh chóng thất bại trước sức ép từ cuộc sống. Một số phụ huynh vì quá lo cho tương lai của con mà định hướng trẻ chỉ tập trung vào học tập, bỏ qua các lĩnh vực khác.

Điều đó vô tình biến con trở thành một đứa trẻ "khiếm khuyết" về kỹ năng sống thông thường, ngay cả khả năng tự phục vụ. Trên mạng xã hội, không ít ông bố, bà mẹ đã bất lực thốt lên rằng: "Lúc mình ốm, mệt nhoài mà con vẫn ung dung ngồi lướt Facebook chờ bố mẹ phục vụ ăn uống, đưa đón. Thất vọng muốn khóc, ân hận vì đã biến con thành cây tầm gửi".

Sự chiều chuộng thái quá, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của con vô điều kiện và buông lời nịnh ngọt khiến trẻ tự cho rằng mình có những đặc quyền, đặc lợi riêng.

Theo các chuyên gia, khi được đáp ứng mọi yêu cầu, trẻ dễ trở thành người ích kỷ, tham lam. Cha mẹ thương con không đúng cách đã vô tình hình thành nên một lớp trẻ "cậu ấm, cô chiêu" chỉ biết hưởng thụ mà không hề muốn lao động.

Cưng chiều con bằng lời ngon ngọt: Đừng xây ảo tưởng bằng… đường mật - 1

Nhiều phụ huynh nịnh để con nghe lời (Ảnh minh họa).

"Hội chứng con cưng"

Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, việc trẻ được cả nhà cưng chiều trở thành "ông vua con" được các nhà chuyên môn gọi là hội chứng con cưng. Đặc biệt, đây là tình trạng không xa lạ trong xã hội Việt Nam.

"Từ những "rối nhiễu tâm lý" do hội chứng này gây ra khiến nhiều trẻ nam khi lớn lên thành một người đàn ông có tính gia trưởng. Cho đến nay, nữ quyền có được đề cao và người phụ nữ đã trở nên độc lập, tự chủ hơn. Tuy nhiên, tính cách gia trưởng, độc đoán ở người chồng vẫn còn là một điều khá phổ biến trong xã hội chúng ta. Bởi, tinh thần "trọng nam khinh nữ" còn phổ biến trong nhiều gia đình và cả trong các tổ chức xã hội", ông Lê Khanh phân tích.

Bên cạnh đó, hội chứng "con vua" cũng mang đến cho trẻ những phiền toái, khó khăn trong khả năng giao tiếp, ngôn ngữ. Dần dà, việc nuông chiều con quá mức của bố mẹ khiến trẻ trở thành thiếu niên ích kỷ, kém thích nghi, có nhiều đòi hỏi và cả những ảo tưởng về năng lực bản thân. Đồng thời, rất dễ rơi vào những thú vui thấp kém, thậm chí là mắc bệnh trầm cảm.

Trong khi đó, lúc trưởng thành, tính cách gia trưởng đưa người đàn ông vào hoàn cảnh bất lợi, dễ dẫn đến những mâu thuẫn, khủng hoảng trong cuộc sống gia đình. Thậm chí, có thể đi đến những rạn nứt không thể hàn gắn trong các mối quan hệ giữa vợ chồng hay bố mẹ và con.

"Một hiểu lầm không hề nhẹ, là có người cho rằng chứng tự kỷ ở trẻ em và hội chứng con cưng là một. Đây cũng là một quan điểm sai lầm dễ hiểu khi có nhiều trẻ do chậm nói, có những hành vi không phù hợp, kém khả năng giao tiếp đồng thời cũng là một "cục cưng" trong nhà.

Nhưng rõ ràng, nhiều trẻ tự kỷ không biết đòi hỏi, yêu sách như đứa trẻ được cưng chiều mà chỉ có sự thu mình và rối loạn giao tiếp. Có điều, việc "làm thay" cho con, đáp ứng ngay và luôn mọi yêu cầu mà trẻ không cần nói ra, giống như một "ông vua con" chỉ cần liếc mắt là cả nhà nháo nhào lên để phục vụ, thì lại là một sự cản trở không hề nhỏ trong tiến trình can thiệp cho một bạn VIP!", chuyên gia chia sẻ.

Lý giải về vấn đề này, chuyên gia Lê Khanh cho biết, việc đáp ứng quá nhanh, chăm sóc "tận răng" và "che chắn" cho trẻ trước mọi thử thách là những nguy cơ khiến trẻ có yếu tố tự kỷ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc xây dựng các mối tương tác với những người xung quanh. 

Những câu nói yêu thương

Theo các chuyên gia, thay vì nịnh con, phụ huynh có thể áp dụng các phương pháp khác để trẻ hợp tác. Thậm chí, cha mẹ yêu thương con vô điều kiện, nhưng cần đúng cách.

Chuyên gia tâm lý học trẻ em Phan Linh gợi ý, phụ huynh có thể sử dụng một số câu nói tác động tốt đến trẻ, trong đó bao gồm: "Bố mẹ tin con". Theo chuyên gia này, trẻ có nhiệt huyết lớn nếu được đặt niềm tin. Chỉ bằng cách biết là mình được tin tưởng, trẻ sẽ tin vào bản thân và tin tưởng những người khác. Nếu bố mẹ nghi ngờ con không ngừng, cuối cùng, trẻ sẽ tổn thương và cảm thấy bị hiểu lầm, bỏ rơi. Vì thế, phụ huynh hãy thường xuyên nói "Bố mẹ tin con".

Ngoài ra, câu "Bố mẹ hạnh phúc/vui vì có con (hoặc được ở cạnh con)" cũng sẽ khiến con tự tin hơn.

"Trẻ nhỏ tin rằng, chúng là những người thay đổi thế giới, làm được mọi điều. Thậm chí chúng nghĩ Mặt trời mọc lên vì chúng muốn như vậy và cũng như vậy trong cách chúng tự nhìn nhận chính bản thân mình. Con nghĩ rằng, con cần chịu trách nhiệm về mọi thứ khác đang xảy ra mỗi ngày. Những em bé cần sự tự tin và tin rằng bố mẹ đang hạnh phúc vì có chúng", bà Phan Linh chia sẻ.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng không nên ngại nói "Bố mẹ yêu con". Bởi, trẻ cần tin rằng, chúng được yêu thương. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ không nên sử dụng "tình yêu" để liên kết với các điều kiện như "Con đi lấy đồ đi rồi mẹ sẽ yêu con" hoặc để trừng phạt những việc con làm ví dụ như "Con nói dối, mẹ không còn yêu con nữa". Con sẽ rất hiểu nếu bố mẹ nói "Bố mẹ rất yêu con, nhưng nếu con đánh em, thì đó là một việc không tốt. Bố mẹ buồn vì điều đó".

"Bố mẹ hiểu mà" cũng là câu nói được khuyến khích. Mất một đồ chơi yêu thích, sợ bóng tối… tất cả những điều này có thể đơn giản với người lớn. Song, với trẻ, đó có thể là vấn đề lớn. Trong những trường hợp này, trẻ cần sự cảm thông và thoải mái. Tuy nhiên, sự động viên dành cho con không phải là "Nó chỉ là món đồ chơi thôi mà" hoặc "Sao con lại sợ những thứ vô nghĩa này" hoặc "Ma không có thật đâu"… bởi, con không thực sự hiểu rõ về những khái niệm đó.

Thay vào đó, phụ huynh được khuyến khích không nên nói những điều từ thế giới người lớn, cũng như dựa trên những kinh nghiệm của cha mẹ. Bởi, đó là điều trẻ chưa từng có.

Nhờ những câu nói như vậy, trẻ sẽ hiểu rằng: "Nếu có vấn đề gì xảy ra, bố mẹ sẽ luôn giúp mình". Theo chuyên gia Phan Linh, đây là điều giúp cải thiện niềm tin và lòng dũng cảm của trẻ.

"Trẻ cần được khuyến khích và chấp nhận những gì cha mẹ đã cho phép. Những câu như: "Làm tốt lắm", "Mẹ biết con có thể làm điều đó" hoặc "Bố mẹ tự hào về con" sẽ truyền cảm hứng cho con rất nhiều. Mặt khác, những câu nói như: "Đừng khóc nữa" hoặc "Con lúc nào cũng thế" hay "Con không biết cách làm thế nào à" có thể vĩnh viễn làm suy giảm niềm tin vào bản thân mình của con", chuyên gia Phan Linh chia sẻ.