Con trẻ sốc vì bố mẹ ly hôn vẫn... ngủ chung giường

Nguyên Hoài Phong

(Dân trí) - Chồng đi "công tác" về, cả nhà chị Điệp cùng đi xem phim, ăn uống. Đến tối, chuẩn bị vào phòng ngủ, anh chị rụng rời khi cô con gái 9 tuổi hỏi: "Sao ba mẹ vẫn còn ngủ chung?".

Chị Điệp và anh Thăng chết điếng, đứng hình trước câu hỏi của con. Cả hai, không ai dám nhìn thẳng vào con lúc đó. Họ không biết phải làm gì, nói gì vào lúc này. 

Sau những xung đột, mâu thuẫn "ngầm" triền miên, anh Thăng cũng đã có người mới, vợ chồng chị Điệp ly hôn cách đây tính ra đã gần hai năm.

Tuy nhiên, trước khi đi đến quyết định này, họ có thỏa hiệp sẽ không để con gái biết sự thật. Hai người diễn vở kịch "gia đình hoàn hảo" trước mắt con vì sợ con bị ảnh hưởng, sốc tâm lý. 

Con trẻ sốc vì bố mẹ ly hôn vẫn... ngủ chung giường - 1

Nhiều cặp vợ chồng ly hôn vẫn "diễn kịch" để che đậy con trẻ 

Anh Thăng đã chuyển ra ngoài sống với người mới nhưng mọi đồ dùng trong nhà vẫn giữ nguyên. Anh chị nói với con, bố nhận công việc mới, làm việc ở tỉnh nên lâu lâu mới về. 

Theo lịch, tháng anh Thăng về nhà 2-3 lần, mỗi lần tầm hai ngày. Dịp đó, anh chị luôn tổ chức đưa con đi chơi, ăn uống. Lâu lâu còn đi du lịch ngắn ngày, anh chị vẫn ngủ chung một phòng, nhìn ngoài còn hạnh phúc hơn cả khi còn là vợ chồng. 

Vì nếu đang cãi nhau, con xuất hiện là họ im bặt, quay sang cười nói lởi xởi, một anh, hai em. Nhiều khi, đi cùng con, anh chị cầm tay, bá vai, không ai biết họ đang bấm điện thoại nhắn tin miệt thị nhau, hay ghé vào tai người kia rót lời: Đồ khốn nạn.

Trong phòng ngủ, anh Thăng trải nệm dưới sàn, mỗi người một thế giới. Nếu có nói chuyện chỉ là những lời chửi bới, đay nghiến, trách móc nhau.

Thật ra, chị Điệp cũng đôi chút ngờ ngợ con gái đoán ra điều gì đó bất ổn như cháu ngày càng ít nói chuyện, lầm lì, khó gần. Mỗi lần, hai anh chị gọi điện, chị đưa máy cho con nói chuyện với bố, cháu đều khước từ. 

Nhưng chị gạt đi ý định thật nói với con về tình trạng của bố mẹ. Anh Thăng cũng cho rằng con không cần phải biết, sau này con lớn nói chưa muộn. Cả hai tin mình đang làm những gì tốt nhất cho con nên càng ra sức hoàn thành vai diễn. 

Anh chị nào ngờ, hóa ra gần hai năm nay, cháu không chỉ phải một mình chịu đựng thực tế bố mẹ ly hôn, không nhận được sự hỗ trợ về tâm lý mà còn phải chứng kiến "hài kịch" như chưa hề có cuộc chia ly của hai người. 

Con cần biết sự thật 

"Chúng tôi ly hôn cách đây đã hơn 10 năm, tôi đã có gia đình mới nhưng tôi và vợ cũ vẫn giấu con, vẫn diễn kịch yêu thương trước mắt con. Điều này có nên không?", đó là câu hỏi của một ông bố tại chuyên đề về tư vấn tâm lý tuổi mới lớn tại TPHCM làm nhiều người bị choáng váng.

Hay có trường hợp, bố mẹ giấu, con trẻ chỉ biết sự thật khi nghe người khác nói "Bố mẹ mày li hôn lâu rồi mà". Sốc vì bố mẹ ly hôn đã đành, sốc vì bị bố mẹ che đậy, qua mặt càng khủng khiếp hơn. 

Con trẻ sốc vì bố mẹ ly hôn vẫn... ngủ chung giường - 2

Con trẻ luôn cảm nhận một cách chính xác tình trạng mối quan hệ của bố mẹ (Ảnh minh họa)

Khi ly hôn, với nhiều cặp, mối bận tâm duy nhất còn lại chính là con. Nên việc họ lo lắng con bị ảnh hưởng tâm lý cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy, Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM, việc giấu con chuyện ly hôn, có thể cả cha mẹ và con đều không cố tình làm tổn thương nhau nhưng lại làm cho nhau buồn đau và khó xử hơn. 

Bố mẹ có thể không nói ra, diễn kịch, trẻ có thể không hiểu rõ sự việc nhưng rất nhạy bén. Những biểu hiện qua tâm trạng, ngôn ngữ, cảm xúc, hành vi, cử chỉ... không thể giấu được con trẻ. 

Sự thật dù có cố giấu thế nào thì vẫn là sự thật, không thay đổi được. Bố mẹ ly hôn chắc chắn sẽ tác động đến trẻ nhưng sẽ còn tệ hơn nữa nếu trẻ phải kìm nén, chịu đựng nỗi đau, không được chia sẻ... 

Theo bà Thúy, việc bố mẹ ly hôn cần cho con biết càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước cả khi ly hôn để con được chuẩn bị về tâm lý đối diện tùy độ tuổi, nhận thức. 

"Bố mẹ cần nhấn mạnh cho trẻ hiểu, tình yêu đã hết, mối quan hệ vợ chồng của bố mẹ chấm dứt. Cả hai sẽ có cuộc sống mới, có quyền yêu và đến với người khác. Nhưng dù thế nào, hãy cho con thấy mối quan hệ, tình cảm cha mẹ, con cái không thay đổi", bà Phạm Thị Thúy nhấn mạnh. 

Không đứa trẻ nào có thể hạnh phúc, an yên trên sự giả tạo, giả dối của chính bố mẹ. Với nhiều đứa trẻ, bố mẹ không sống chung không đáng sợ bằng việc chúng bị mất niềm tin vào bố mẹ. 

Chưa kể, việc diễn kịch này làm cho người trong cuộc khó tìm cơ hội mới hay phải vụng trộm yêu đương qua lại, thêm một lần nữa lại lừa dối trẻ con. 

Nếu lỡ "diễn kịch" với con, việc cần ngay là ngồi lại, xin lỗi con. Xin lỗi vì đã làm tổn thương con, vì bố mẹ đã chưa đủ dũng cảm để nói thật. Trẻ có những bất ổn không thể cải thiện, rất cần sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm