"Bố mẹ mày bỏ nhau, mẹ mày có ông khác rồi mà..."
(Dân trí) - Cháu bé bật khóc tức tưởi khi về nội đón Tết được nhiều người hỏi han: "Bố mẹ mày bỏ nhau rồi à?", "Mẹ mày có ông khác rồi mà", "Sao mẹ mày không nuôi con"...
Cháu bé đang học lớp 4, sau khi bố mẹ chia tay, cháu sống với bố. Tết nhất, những tưởng là dịp cháu vui vẻ nhất khi được sum vầy cùng bên nhà nội nhưng đây lại là quãng thời gian cháu khủng hoảng nhất. Cô bé rất ngại đi ra khỏi nhà vì những lời... hỏi thăm.
Từ ông bà, cô chú, cho đến hàng xóm, cả những người cháu bé không biết tên cũng dành cho cháu sự "quan tâm" đặc biệt, hay nói chính xác hơn là dành cho hoàn cảnh của cháu.
Bà nội nhiều lần tò mò hỏi cháu, mẹ có chồng rồi, Tết này có còn gọi điện, gửi quà, gửi tiền không?
Bước ra ngoài, đứa bé lập tức nghe những tiếng chép miệng thương hại, ánh mắt tội nghiệp, rồi bị nhiều người hỏi thăm dồn dập với đủ các câu hỏi dựa vào các thông tin mà họ có được: "Bố mẹ mày bỏ nhau rồi à?, Mẹ mày có ông khác rồi, Sao không ở với mẹ? Mẹ mày không chịu nuôi cho rảnh tay đi lấy chồng đấy, Chồng mới của mẹ giàu không?"...
Những câu hỏi mà cháu bé không thể trả lời. Nó quay mặt đi, hoặc chạy đi nơi khác như tự giải thoát cho mình. Có lúc dồn nén quá, cháu gào lên: "Cháu không biết!" rồi bỏ chạy về nhà, vào phòng đóng cửa lại khóc tức tưởi.
Phía sau, vẫn có thêm vài ba lời nhận xét: "Con nít con nôi hỗn hào, đúng con không có mẹ dạy"...
Từ lâu, nhiều lời hỏi thăm trong giao tiếp của người Việt bị lên án, chê trách khi gây ức chế cho người được quan tâm. Nhất là dịp Tết về, lâu ngày gặp nhau, rất nhiều người hồn nhiên hỏi thăm nhau bằng những câu như có người yêu chưa, bao giờ cưới, lương bao nhiêu, thưởng thế nào, sao chưa đẻ, sinh đứa nữa đi, đẻ đi kiếm đứa con trai...
Đi quá sâu vào những vấn đề riêng tư, cá nhân làm nhiều người rất khó chịu, chẳng biết phải trả lời thế nào. Có người không dám ra ngoài vì sợ được... hỏi thăm.
Không ít trường hợp, chính người lớn phải xù lông lên, xéo xắt đáp lại sự soi mói của người khác có thể dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột không hay.
Người lớn hỏi han nhau đã gây khó xử, ức chế đến vậy. Nhưng điều ít người để ý, trẻ nhỏ cũng là nạn nhân của sự hỏi thăm, quan tâm quái gở này. Người lớn tấn công đứa trẻ về mặt tinh thần trong khi trẻ chưa có khả năng phòng vệ hay tự trấn an bản thân.
Nhiều đứa trẻ, ngay giữa chỗ đông người, hay ngay khi vừa nhận xì lì chúc mừng liền được người hỏi thăm những vấn đề tế nhị như bố mẹ bỏ nhau, bố có con riêng, dì ghẻ thế nào, bố mẹ có quan tâm gì không hay những phán xét về hình thức sao bố mẹ đẹp mà con nhìn thế này...
Có đứa trẻ, mẹ đang mang bầu, đi đâu cũng được người lớn an ủi: "Mẹ có em, mày sắp ra rìa rồi phải không?".
Đó là những câu chuyện, tình huống trong quan hệ gia đình vốn rất cần sự ứng xử tế nhị, tâm lý của người lớn. Vậy nhưng, lại được nhiều người, lại là những người ngoài cuộc không hiểu rõ sự tình đưa làm câu chuyện đầu môi, trêu đùa, soi mói, châm chọc.
Chưa nói đến những vấn đề riêng tư, tế nhị trong quan hệ gia đình, ThS Phạm Phúc Thịnh, hiệu trưởng hệ thống trường Tuệ Đức, TPHCM chia sẻ, ngay chuyện trẻ bị người lớn truy hỏi về điểm số, thi cử ông đã thấy xót xa vô cùng.
Dịp Tết cũng là lúc các em vừa thi học kỳ xong. Trẻ đi đâu cũng dễ bị người lớn kéo lại truy điểm cao không, đạt học sinh giỏi không. Với những trẻ có thành tích còn đỡ nhưng nhiều em học có kết quả học tập bình thường thì những câu hỏi này cũng đẩy các em vào tình huống khó xử.
Nhiều người, hỏi han người khác theo phản xạ, theo thói quen. Tuy nhiên, qua lời hỏi thăm dành cho người khác cũng thể hiện phông văn hóa, tâm tư, đời sống của chính người hỏi. Lòng người hỏi còn đầy sự hẹp hòi, nhỏ nhen, ích kỷ, cay nghiệt...
Gọi là hỏi nhưng với biết bao nhiêu người đưa vấn đề riêng tư của người khác ra để lên án, phán xét, mỉa mai...
Đó không phải là sự quan tâm, sự sẻ chia mà là sự soi mói, có chút gì đó hả hê trên hoàn cảnh của người khác.
Đặc biệt, khi những câu hỏi, sự quan tâm đó dồn lên một đứa trẻ, đẩy chúng vào tình huống khó xử, xoáy thêm vào nỗi lo lắng, đau đớn của con trẻ. Thì phải nói, người lớn đang thật sự thật độc ác. Cái ác nhân danh sự quan tâm, thông cảm.
Những gì xấu xí thì cần phải loại bỏ. Nếu không thể làm điều gì, nói gì tốt đẹp cho người khác, không ai cấm chúng ta im lặng.
Nhất là trong giao tiếp với trẻ nhỏ, mọi câu nói, hành vi của người lớn đều phải thật sự cẩn trọng. Chúng ta nói rồi là thôi nhưng không bao giờ biết được những sát thương có thể đi theo trẻ đến suốt cuộc đời...
Người lớn cần phải bớt tàn nhẫn với nhau, bớt tàn nhẫn với trẻ!