Chịu hết nổi khi bị mẹ đẻ "khiêu khích" phải sinh bằng được con trai
(Dân trí) - Vừa đăng mấy bức ảnh xinh tươi lên Facebook, chị Thanh nghẹn đắng khi mẹ vào bình luận, con tag con rể vào: Con gái mẹ lung linh thế này là muốn chồng tặng thêm đứa con trai lắm rồi đây!
Chị Thanh như hóa điên hóa rồ về thái độ của mẹ ruột về chuyện vợ chồng chị sinh hai cô con gái. Từ vòng vo đến nói bóng gió, nhiều năm qua suốt ngày mẹ nhắc đến việc chị sinh hai "vịt trời".
Chị sinh hai cô con gái, bé sau 4 tuổi. Minh, chồng chị xác định 2 con là đủ, không sinh thêm, lúc nào anh cũng phấn khởi "đời không có con trai nhưng ít nhất phải có hai cô con gái".
Chồng chị là con trai duy nhất, gia đình bên chồng không hề nặng nề vấn đề con trai con gái, với ông bà cháu gái lại càng quý càng cưng.
Những tưởng vậy là chị Thanh được yên nhưng có ai ngờ người gây áp lực phải sinh con trai lại là mẹ ruột chị.
Biết mẹ mình có tư tưởng trọng nam khinh nữ ăn sâu nhưng những gì bà thể hiện, chị Thanh vẫn không thể nào tưởng tượng nổi.
Còn nhớ, ngày chị sinh đứa thứ 2, dù đã biết trước là bé gái mà khi bế cháu trên tay, mẹ chị nói như đinh đóng cột: "Kiểu này rồi cũng phải đẻ đứa nữa!".
Đã nhiều lần chị Thanh phản ánh về tư tưởng phải có con trai của mẹ, nói chồng con không câu nệ, sao mẹ phải quan tâm. Nào ngờ, bà nói: "Thằng Minh nói vậy thôi chứ trong lòng thèm con trai nhỏ dãi ra. Vợ không đẻ thì nó đi gửi bên ngoài".
Chị Thanh cố giữ bình tâm nhưng tư tưởng khác biệt, thêm cách thể hiện thiếu tế nhị của mẹ làm khó tránh những xung đột, tình cảm mẹ con càng trở nên xa cách.
Nhiều cuộc họp gia đình hay cuộc nói chuyện của mẹ con chị thường kết thúc trong việc cãi vã khi mẹ lại lôi chuyện chị không đẻ con trai như một nỗi bất hạnh, tỏ ra đầy thương hại, tội nghiệp.
Với chị em trong nhà, mẹ chị thường xuyên thở dài nhắc nhở: "Mấy đứa phải thương con Thanh nhất, nó không có con trai!". Lần nào bế hay gặp con của chị, bà lại cảm thán: "Giá như con trai thì tốt!".
Có lần, bé đầu chị Thanh òa khóc đi tìm mẹ vì nghe câu "ước gì cháu là con trai cho mẹ mày đỡ khổ" vừa vô duyên vừa tàn nhẫn của bà ngoại. Đến độ, chị Thanh phải hạn chế không để bà tiếp xúc với con mình.
Lần khác, em gái chị Thanh chơi với bé út của chị Thanh, vừa ôm hôn cháu vừa nói: "Ước gì có cô con gái thế này mà nuôi!". Ai dè, mẹ chị đề xuất ngay ý tưởng, dì nhận nuôi cháu để mẹ nó... đẻ thêm kiếm đứa con trai.
Chị Thanh nhiều lần nói rõ quan điểm với mẹ, chị em trong nhà cũng đề nghị bà không nhắc đến chuyện con trai, con gái, rất cổ hủ và phản cảm.
Mẹ chị phản ứng lại, nói chẳng qua chị em trong nhà thấy tội nghiệp, không muốn nhắc đến vì sợ chị Thanh tủi thân.
Tấn công con gái không xong, mẹ chị còn quay sang khiêu khích cả con rể, cả ông bà sui. Thêm vô duyên có thừa, bà nói với Minh, con rể: "Đàn bà không đẻ được con trai thì dẹp con ạ" làm Minh vừa khó xử vừa khó chịu.
Ngay trước mắt hàng xóm, đồng nghiệp của con rể, bà cũng chép miệng: "Thằng Minh chỉ có làm ông ngoại, cũng vì tội con vợ không biết đẻ".
Chị em trong nhà đều biết, mẹ tỏ ra với con dâu "con gì không phải là con", nhưng đứa thứ hai của vợ chồng em trai chị nếu không phải con trai, chắc bà sẽ đày đọa, mỉa mói không được yên.
Bất chấp mọi phản ứng, mức độ hối thúc con sinh tiếp đứa nữa của mẹ chị Thanh ngày càng dày đặc, nhất là khi chị sắp bước qua tuổi 40 mươi vì "đẻ nhanh thì kịp".
Mới đây, bà còn ra giá, nếu chị Thanh đẻ tiếp, trai hay gái gì đi nữa thì khi chia gia sản cho 4 đứa con, sẽ phần chị Thanh một nửa.
Chị Thanh gào lên: "Con không đẻ con chỉ vì tiền của mẹ". Mẹ chị bĩu môi: "Gớm, sợ đẻ đứa nữa cũng không ra nổi con trai thì có. Cái số đã không có con trai thì chịu khổ ải đi con!".
Với mẹ chị, không có con trai như thể là thất bại cuộc đời. Con trai không ra gì vẫn hơn dàn con gái giỏi giang, tự lập.
Từ bé đến giờ, đã nhiều lần chị em gái trong nhà phải khóc vì cách cư xử "đội" con trai lên đầu của mẹ. Và cho đến bây giờ, chị Thanh vẫn chảy nước mắt...
Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 do Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra về tỉ số giới tính khi sinh là 104-106 bé trai/100 bé gái.
Theo các chuyên gia, nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục diễn ra nghiêm trọng, thì đến năm 2050, ít nhất Việt Nam sẽ dư thừa ít nhất 2,3 triệu và cao nhất là 4,3 triệu đàn ông không có khả năng kết hôn.