CEO tình nguyện đi thắt ống dẫn tinh và câu chuyện về đàn ông thương vợ

(Dân trí) - Đàn ông Việt thương vợ có nhiều cách: Nấu cơm, rửa bát, giúp vợ chăm con, bảo vệ vợ mọi lúc, nộp lương đều v.v… nhưng triệt sản để "thay vợ" kế hoạch hóa gia đình thì vẫn là cách xưa nay hiếm.

Mạng xã hội xôn xao mấy ngày nay về câu chuyện một CEO 35 tuổi chia sẻ trải nghiệm đi thắt ống dẫn tinh vì muốn kế hoạch hóa gia đình sau khi vợ chồng anh đã sinh 3 đứa con nhưng lại thương vợ 3 lần sinh mổ, muốn thử một lần chủ động "gánh vác chuyện khó nói" thay cô ấy.

CEO tình nguyện đi thắt ống dẫn tinh và câu chuyện về đàn ông thương vợ - 1

Hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội về người chồng CEO tình nguyện triệt sản vì lo cho vợ.

Ông chồng này chia sẻ, khi đăng câu chuyện của mình anh biết sẽ có rất nhiều người bất ngờ vì mấy ai việc riêng tư như vậy lại để lộ thông tin, có thể khi công khai anh sẽ bị châm chọc, trêu đùa, nhưng anh muốn "thử cảm giác này thay vợ một lần".

Vợ chồng anh đã nghĩ đến chuyện triệt sản sau khi sinh bé thứ ba, nhưng quá trình tìm hiểu giúp anh nhận ra là phụ nữ triệt sản có nhiều nguy cơ hơn nam giới, có thể gặp tác dụng phụ, hơn nữa vợ anh đã phải 3 lần sinh mổ rồi. Lo lắng cho vợ là lý do khiến anh quyết định mình sẽ là người đi triệt sản.

Được chia sẻ trên trang facebook cá nhân, nhưng câu chuyện của người chồng CEO đã nhanh chóng lan truyền trên các hội nhóm mạng xã hội và khiến nhiều người, nhất là cánh chị em, ngợi khen nức nở.

Nhiều người cho rằng trong khi đàn ông triệt sản không còn là chuyện hiếm ở nước ngoài thì ở Việt Nam, lựa chọn này vẫn còn rất mới và phải có phần "dũng cảm" các ông chồng mới dám làm. Ai làm được chắc chắn phải là người yêu vợ, thương vợ lắm.

Còn nhớ cách đây ít lâu, một nam ca sĩ nổi tiếng cũng chia sẻ việc mình chủ động đi triệt sản, san sẻ cùng vợ trách nhiệm kế hoạch hóa gia đình. Hành động của chàng ca sĩ khiến cư dân mạng xôn xao, rất nhiều người ủng hộ quyết định của anh và sự việc ít nhiều tạo nên được "hiệu ứng thương vợ" trong trách nhiệm kế hoạch hóa gia đình của đàn ông Việt.

Song đó vẫn chỉ là một bước đi dè dặt trong một cộng đồng đã quen với cách nghĩ cũ về thước đo "bản lĩnh đàn ông". Bất kể việc thắt ống dẫn tinh có là một thủ thuật hết sức nhẹ nhàng, không ảnh hưởng đến phong độ đàn ông mà lại giúp mang lại sự thoải mái cho hai vợ chồng khi không còn mối lo sinh con ngoài ý muốn, thì nhiều người, theo nếp cũ, vẫn tin rằng "đó là việc của phụ nữ", "đàn ông mà đi "thắt" thì còn gọi gì là đàn ông".

Ông chồng CEO đã lại một lần nữa khơi lên câu chuyện này khi khẳng định rằng sau trải nghiệm của mình, mọi thứ đều bình thường, "thề với anh em là rất nhẹ nhàng", "thắt ống dẫn tinh 2 bên hết khoảng 15 phút", về đá bóng sau 1 tuần, sinh hoạt vợ chồng còn tốt hơn trước… là những gì anh khẳng định.

Cũng có người cho rằng trong bối cảnh xã hội mới, khi việc dân số già được đánh giá là một nguy cơ và sinh nhiều con đang quay lại là lựa chọn của nhiều cặp vợ chồng, thì việc chồng đi triệt sản có vẻ là động tác thừa.

Song các ý kiến phản bác cho rằng bất kể lựa chọn của các cặp vợ chồng là tiếp tục sinh thêm con hay kế hoạch hóa gia đình, dừng sinh con để tập trung lo cho tài chính gia đình, để có điều kiện sống tốt hơn, thì việc đàn ông vượt qua định kiến cũ kỹ, tình nguyện "kế hoạch" thay vợ, vì thương vợ, thấu cảm cho cái khổ của đàn bà, vẫn là chuyện rất đáng hoan nghênh.

Còn bạn thì sao? Bạn có nghĩ đi triệt sản làm mất bản lĩnh đàn ông? Bạn sẽ thay vợ làm điều đó chứ hay vẫn cho rằng tất tật chuyện liên quan đến sinh con đẻ cái là việc của đàn bà?

Huyền Anh

Phản ứng hoang mang cực độ của bé khi bộ râu của bố biến mất