Bố mẹ ly hôn: Đừng dùng con là nơi xả giận
Nói dối con hay lờ đi khi con hỏi đến là việc mà nhiều cha mẹ thường làm khi đã ly hôn. Những điều này cha mẹ đa phần làm là vì sợ con bị tổn thương, nhưng họ đâu biết trốn tránh không nói sự thật chính là cách làm tổn thương con nhanh nhất.
Chị K. mới ly hôn và được quyền nuôi con gái 4 tuổi, sau khi ly hôn hai mẹ con chị dọn về nhà mẹ đẻ sống. Từ lúc đó, chị K. luôn nhận được những câu hỏi thắc mắc từ con như: “Mẹ ơi sao mình không ở nhà cùng bố?”, “Mẹ ơi con muốn chơi với bố?”. Một loạt những câu hỏi mà chị K. không biết trả lời thế nào nên chị quyết định lờ đi hoặc nói dối rằng chuyển về nhà bà ngoại để tiện đi học. Tuy nhiên, con chị thường hỏi thêm “Mẹ ơi mình không ở nhà ai nấu cơm cho bố?”… cứ như thế, cô bé dần dần không bằng lòng với câu trả lời của mẹ, khóc lóc đòi về với bố.
Chị K.nghĩ rằng giải pháp lờ đi hoặc nói dối là an toàn nhất, nhưng thật ra, mỗi khi con hỏi về bố cũng chính là cơ hội vàng để chị K. chia sẻ với con, nói rõ lý do vì sao bố mẹ không còn ở với nhau. Nhân tiện giải thích cho con hiểu về tình yêu thương của bố mẹ dành cho con là không thay đổi. Đồng thời tạo điều kiện để con gọi điện cho bố, cuối tuần có thể cho đi chơi với bố hoặc cùng chồng cũ đưa con đi chơi. Chị K. cần sẵn lòng đối diện với con và đồng hành với con bằng tình yêu thương, sự rõ ràng để không tạo mô thức xấu cho con, ảnh hưởng đến nhận thức và tương lai sau này.
Sau khi được chuyên gia tâm lý tư vấn, chị K. đã thay đổi suy nghĩ và quyết định thành thật với con. Thật tuyệt vời sau một thời gian, con chị đã tiếp nhận chuyện bố mẹ ly hôn một cách thoải mái. Bé còn chủ động xin phép mẹ gọi điện mỗi khi nhớ bố. Chị K. hạnh phúc vì đã trút bỏ được gánh nặng như đeo đá trong lòng mấy tháng.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Đại Hải (Công ty Tài Năng Việt) khuyên rằng, khi bố mẹ vì một lý do nào đó mà không thể ở được với nhau, hãy sẵn sàng đối diện với con, giúp con chia sẻ và đồng hành cùng con, và hãy dạy con sự rõ ràng.
Tuy nhiên, trẻ rất nhạy cảm, chúng hầu như đã đoán ra được những vấn đề mà chúng là một phần trong đó. Chúng ta từng thấy một cô bé gần 4 tuổi cũng có những lập luận mà người lớn không thể xử lý được, vậy thì việc nói dối hay lờ đi liệu có lừa được trẻ?
Việc lờ đi hay cho rằng lúc con hỏi là cơ hội để kể hết tội lỗi của đối phương cho con nghe, chính là gieo dấu ấn xấu cho con mình. Điều đó lý giải vì sao khi bố mẹ ly hôn thì các con cũng có cuộc sống giống như của bố mẹ chúng vậy.
Vì thế, những bậc cha mẹ hãy rõ ràng với con và thống nhất với nhau cách yêu thương con, đừng dùng con là chỗ trút giận hay xả ra những điều uất ức về bố hay mẹ chúng.
Theo An Khê
Phụ Nữ Việt Nam