Bố chồng tôi gia trưởng

(Dân trí) - Nếu biết gia đình anh ngay từ đầu, có lẽ tôi không đủ can đảm để tìm hiểu chứ đừng nói đến đồng ý yêu, rồi lấy...

 
Bố chồng tôi gia trưởng - 1
Hình chỉ có tính chất minh họa (Veer).

Từ chỗ chúng tôi về nhà anh mất 3 tiếng đồng hồ đi xe máy, ê ẩm cả người. Nhà anh là nhà đắp đất, lợp mái lá tưởng chỉ có trong TV. Trong nhà độc hai cái giường, bộ bàn ghế, chiếc tủ, và cái ban thờ.

 

Bố anh vui vẻ chỉ xuống chái bếp phập phù: “Yên tâm, sửa lại là thành buồng cưới đẹp ngay”. Tôi thót tim vì sợ, nhưng nghĩ lại đâm áy náy vì đã chê gia cảnh anh nghèo.

 

Rồi chúng tôi cưới nhau. Lấy lý do xa nên bỏ màn thông gia thăm nhà, kẻo chẳng đời nào bố mẹ tôi gật.

 

Bố mẹ đẻ tôi không giàu có gì, cũng ở xa song thương cảnh vợ chồng con cái tôi chen chúc trong nhà trọ bé tý, nên bàn sẽ vay hộ ít tiền, hai đứa lo nốt, cố mua mảnh đất trong ngõ, dựng tạm căn nhà mà ở. Vợ chồng tôi run run mừng vui: “Nhờ bên nội vay hộ ít nữa, chắc cũng ổn”.

 

Thế mà ý định ấy khi mang về trình đã bị bố chồng tôi gạt phăng. Cụ bảo chúng tôi cứ ở nhà thuê, sau già phải về quê sống. “Lá rụng về cội, tha phương cầu thực mãi sao được”. Rồi cụ nói: “Tiền đưa đây bố sửa cái nhà, sang năm chú út còn lấy vợ”.

 

Cứ nhắc đến chuyện này đầu tôi lại bốc hỏa. Tôi không vô ơn khi bố mẹ nuôi chồng tôi lớn bằng này. Nhưng giá bố mẹ thông cảm cho con mới đầu lập nghiệp còn cơ cực. Đã không giúp đỡ, hỗ trợ hay động viên gì, còn tạo thêm gánh nặng. Lúc ấy cơn tức ứ lên đến tận cổ tôi, mặt đỏ gay gắt chực “phản ứng” nhưng chồng níu tôi lại. Tưởng anh sẽ nói, ai ngờ im lặng.  

 

Ngôi nhà xiêu vẹo này nghe nói làm từ hồi sinh em chồng tôi, có nghĩa đã được hai sáu năm, giờ vẫn thế. Vì không có nổi một đồng tiết kiệm dù nhà trồng lúa, hoa màu như ai, còn chăn nuôi vài chuồng lợn, gà đầy sân, trứng hôm nào không bán, xếp đến hàng mấy chục quả... Vợ chồng tôi thi thoảng về lại biếu bố mẹ ít tiền, nhưng chẳng biết đi đâu hết. Nhà có “truyền thống” ăn nhậu và bài bạc. Ba ngày một bữa nhậu to, hai ngày một bữa nhậu bé. Không căn cơ tính toán nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Chồng tôi mà góp ý, bố sẽ sửng cồ: “Tao chả khiến thằng nào phải nuôi”. Cụ nói thế, nhưng lúc đau ốm, bệnh tật, ai dám bỏ?

 

Ở quê chồng tôi, mọi người không có tiền song hay sĩ hão. Ngày cưới chúng tôi định không sắm nhiều, vì kinh tế khó khăn, lo được đám cưới đã chật vật phải nợ kha khá. Nhưng bố chồng tôi không nghe, cứ nghĩ chồng tôi nhiều tiền, “dịp này phải mua đủ, phải đồ tốt, xịn cho mát mặt, anh em họ hàng đến chơi còn khoe”.

 

Thế là buộc lòng vợ chồng tôi sắm sanh đủ cả. Chúng tôi tính sau sẽ chuyển đồ xuống nhà trọ. Ai dè đến lúc đưa ra ý đó bố chồng mắng tanh bành, bắt để ở nhà, trong khi chúng tôi phải dùng chiếc tủ bạt từ thời độc thân, ngoài giường nhà trọ có sẵn chẳng có thêm gì. Càng nghĩ càng thấy tủi.

 

Vợ chồng tôi làm ăn xa đã vô cùng cực nhục, phải thuê nhà, thuê người trông con, trăm thứ cần tiêu, dôi dư tý‎ lại về thăm ông bà hai bên, vậy mà bố mẹ chồng không chịu hiểu. Chồng tôi ngại chẳng dám thổ lộ với họ về những khó khăn hiện tại. Vợ chồng cứ xoay đủ cách, tiết kiệm nhặt nhạnh từng tý mà đôi khi tôi thấy họ còn nhìn mình như kẻ ăn bám. Sao mà khó chịu, ức chế thế!  

 

Tôi đã sai khi lấy anh ư? Đã có lúc tôi muốn tự giải thoát, nhưng nghĩ đến chồng con lại mủi lòng. Giờ tôi cứ phải chịu cảnh hì hục lao động vất vả, chui rúc ở trọ suốt, dành tiền đưa bố mẹ chồng sửa nhà, cuối đời về với miền quê cằn cỗi, sống cùng ông bố chồng gia trưởng ấy ư?

 

Hoan_kt2@

Dòng sự kiện: Bố chồng gia trưởng