“Thanh lọc” đầu vào để gạo Việt vừa “ngon và bổ”
Người nông dân bị “bơ vơ” trong chuỗi cung ứng lúa gạo, dẫn đến tình trạng sử dụng giống, phân bón, thuốc BVTV “lôm côm”, làm tăng giá thành sản xuất, gây thiệt hại cho nông dân, giảm hiệu quả sản xuất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam.
TS Phan Huy Thông, Giám đốc Trung Tâm Khuyến nông Quốc gia, cho rằng, việc nông dân (ND) sử dụng giống, phân bón, và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không đúng quy định xuất phát từ thực tế quy mô sản xuất nhỏ lẻ, điều kiện đất đai không đồng đều nên phải dùng nhiều giống khác nhau. Vì không có doanh nghiệp (DN) tham gia vào sản xuất, nên người dân không được kết nối với các cơ sở vật tư đầu vào có uy tín, chất lượng.
Hơn nữa, công tác công nhận giống của nước ta “vừa chặt lại vừa lỏng”. Khâu công nhận giống làm rất bài bản, khắt khe; nhưng quản lý giống sau công nhận lại lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng sử dụng giống rất “lôm côm”.
“Khâu nghiên cứu giống chưa xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mà theo ý kiến chủ quan của người đặt đề tài, nên Hội đồng Khoa học cứ công nhận, còn việc sử dụng giống đó ra sao thì chưa được quan tâm thích đáng,” ông Thông nói.
Người nông dân bị “bỏ rơi” giữa “ma trận” giống, trong khi trình độ nhận thức của họ chưa đầy đủ nên cứ nghe nói có giống nào tốt, giống nào mới là sử dụng.
“Không có nước nào có quá nhiều loại phân bón như Việt Nam. Hiện, có quá nhiều nhà sản xuất phân bón và trên thị trường có tới 5.000-6.000 loại phân bón thì không thể kiểm soát được,” ông Thông nhận định.
Nhiều DN kê khai đủ điều kiện sản xuất nhưng thực tế họ không đủ máy móc, nhân lực, nên chất lượng phân bón kém, nhiều hàng giả, hàng nhái nhưng người dân không phân biệt được.
Tương tự với thuốc trừ sâu, hệ thống quản lý không dựa theo hoạt chất mà quản lý theo tên thương phẩm, trong khi tên sản phẩm lại thay đổi thường xuyên. Vì thế, người dân không thể nhận thức loại nào phù hợp mà phụ thuộc hoàn toàn vào người bán.
Nhận định về vấn đề này, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, người nông dân ở ĐBSCL gieo xạ lượng giống quá nhiều nên có nhiều sâu bệnh, phải tốn tiền mua nhiều thuốc BVTV, bón nhiều phân nên chi phí sản xuất cao, để lại dư lượng trong gạo, làm ô nhiễm đất, nước, và giảm lợi nhuận.
“Nếu để nông dân làm theo ý họ thì giá thành sản xuất lúa tốn kém từ 3.500-4.000 đồng/1kg, đắt gấp đôi so với làm theo quy trình VietGAP hay GAP, chi phí chỉ từ 1.500-2.000 đồng/1kg,” GS Xuân nói.
“Siết” quản lý vật tư, áp dụng mô hình sản xuất tiên tiến
Để quản lý giống có hiệu quả, TS Phan Huy Thông cho rằng: “Cần có quy định giống nào nông dân chấp nhận thì mới được công nhận, thay vì công nhận dựa trên báo cáo khoa học”.
Để hạn chế tình trạng sử dụng vật tư “quá liều”, cần tăng cường công tác khuyến nông để người dân sử dụng vật tư đúng cách và hiệu quả; khuyến khích DN tham gia liên kết với nông dân để có nguồn cung ứng vật tư chất lượng, uy tín. Cần siết chặt công tác quản lý vật tư và điều kiện cho các DN sản xuất phân bón và đóng gói thuốc BVTV, và có chế tài xử lý nặng với các trường hợp vi phạm.
“Hiện chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ nên chưa có tính răn đe. Một nhà sản xuất phân bón chất lượng kém có thể lãi 500-700 triệu đồng, thậm chí cả 1 tỷ đồng, nhưng phạt hành chính chỉ 20-50 triệu thì không có nghĩa lý gì,” TS Thông cho biết.
Chính quyền địa phương cũng phải vào cuộc để tố giác những hành vi kinh doanh bất chính, vì họ là người gần dân và nắm được những trò kinh doanh không lành mạnh.
GS Võ Tòng Xuân cho rằng: Cần nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo quy trình tiên tiến. Theo mô hình GAP, DN liên kết với nông dân để sản xuất, giảm được giảm ½ giống, giảm 1/3 lượng phân bón, giảm 2/3 lượng thuốc BVTV, nên chi phí sản xuất thấp, hạt gạo ngon hơn, bảo vệ môi trường và tăng lợi nhuận cho nông dân.
“Nếu bón phân khi cây lúa lên thì phân bón sẽ nằm trên mặt đất, không được đồng đều trong đất và khoảng 50-60% lượng phân đó sẽ bốc lên bầu khí quyển, gây hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu. Còn theo quy trình GAP, phải bón phân trước khi gieo xạ, phân không bị bốc đi, lúa được hưởng trọn và trưởng thành nhanh, giảm chi phí đầu vào,” GS Xuân nói.
Ngoài mô hình GAP cũng có nhiều mô hình sản xuất tiên tiến khác như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, làng lúa thông minh,... mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, những mô hình này chủ yếu được thực hiện theo hình thức khuyến nông đi tuyên truyền và hô hào nông dân, nên nông dân chưa tự giác làm theo.
Khi liên kết “4 nhà”, DN cam kết nếu năng suất lúa, sản lượng lúa thấp hơn trước thì họ sẽ đền bù cho ND. Nếu năng suất và sản lượng tăng thì ND được hưởng. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình liên kết này còn gặp nhiều khó khăn vì rất ít DN thực sự tâm huyết với ND; nhiều DN nhà nước vẫn chỉ hợp tác với thương lái.
“Nhà nước cần có chính sách ưu đãi lãi suất vay ngân hàng, ưu đãi thuế thu nhập DN để họ trang bị được máy móc tốt, có giống lúa tốt, sản xuất sản phẩm chất lượng và đăng ký thương hiệu, và xúc tiến thương mại trong và ngoài nước,” GS Xuân nói.
Thảo Nguyên