Ngành lúa gạo tìm “đường tắt” để phát triển đột phá:

Bài 1: Đặt lại tên cho "hạt ngọc" Việt Nam

Là một nước xuất khẩu gạo lâu năm nhưng Việt Nam chưa có thương hiệu gạo trên thị trường thế giới. Việc gạo Việt Nam phải "mang danh" gạo Thái Lan, Trung Quốc,… để vào các thị trường khó tính như Mỹ và EU càng khẳng định tính bức thiết trong xây dựng thương hiệu gạo quốc gia.

Mặc dù có kinh nghiệm xuất khẩu gạo trong hơn 26 năm và gạo Việt Nam đã có mặt trên 135 nước trên thế giới, nhưng hầu hết gạo Việt Nam xuất khẩu cạnh tranh ở các thị trường có giá trị thấp và không có thương hiệu.

Việt Nam đang xúc tiến các chương trình xây dựng thương hiệu gạo quốc gia (Ảnh minh họa)
Việt Nam đang xúc tiến các chương trình xây dựng thương hiệu gạo quốc gia (Ảnh minh họa)

Giải thích điều này, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Nông nghiệp (IPSARD) - Bộ NN&PTNT cho rằng: Lý do trước đây Việt Nam chọn thị trường gạo giá thấp, tiêu chuẩn không cao là vì định hướng của chúng ta là cạnh tranh về giá thấp.

Trước bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời gian gần đây liên tục giảm do áp lực cạnh tranh với các đối thủ mới trong khu vực, thu nhập của người nông dân còn thấp, thì việc hướng tới các thị trường xuất khẩu gạo giá trị cao là nhu cầu bức thiết, sống còn để cứu sống người nông dân Việt và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành lúa gạo nước ta.

Tuy nhiên, câu chuyện xây dựng thương hiệu gạo không hề đơn giản mà cần có thời gian và rất nhiều yếu tố. “Trong giai đoạn đầu cần nhắm cả vào hai mảng thị trường: Thị trường dễ tính, rẻ tiền và thị trường giá trị cao,” TS Sơn nói.

Duy trì thị trường dễ tính, rẻ tiền như Trung Quốc, châu Á, châu Phi,… để đảm bảo công ăn việc làm và có thu nhập tạm thời cho nhóm nông dân không có năng lực cạnh tranh, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, những tỉnh thuần nông,…

Với thị trường giá trị cao, các doanh nghiệp cần đầu tư vào các tỉnh có quyết tâm và có vốn, các vùng mũi nhọn, các vùng chuyên canh và nhanh chóng tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại để tiến vào các thị trường cao cấp, có tiêu chuẩn cao như Mỹ, EU, và Nhật Bản,… để từng bước thu hẹp thị trường giá thấp.

Thương hiệu chỉ là "ngọn"

Theo TS. Đặng Kim Sơn, việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam không chỉ đơn giản là đặt cho hạt gạo một cái tên thật kêu để rồi không ai biết đến nó, mà vấn đề cốt lõi chính là hạt gạo ấy phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, và phải hình thành các chuỗi sản xuất lúa gạo.

“Cái gốc là khoa học công nghệ, con người, cơ sở hạ tầng, còn thương hiệu là cái ngọn. Chúng ta có thể đặt cho hạt gạo một cái tên cao xa, đẹp đẽ mà bán ra thị trường không ai biết đến thì không giải quyết được vấn đề. Vấn đề là hạt lúa đó phải là hạt lúa sạch, chất lượng cao, hương thơm, dẻo, dài, người nông dân có cuộc sống đàng hoàng, có chế độ bảo hiểm tử tế, không có lao động trẻ em, không có lao động tù nhân sản xuất ra,... Tất cả những tiêu chuẩn đó cùng với yếu tố đất, nước trời cho, cho đến cơ sở hạ tầng mới tạo nên giá trị hạt lúa và lúc đó có đặt tên hay không đặt tên thì bản thân nó cũng có giá trị rồi,” TS Sơn nói.

Ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thuỷ sản và Nghề muối cho rằng: Để xây dựng được thương hiệu gạo quốc gia, Việt Nam cần triển khai rất nhiều giải pháp ở từng công đoạn khác nhau, như: lựa chọn giống, quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản…

Một chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp cho rằng: Khi xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam cần phải xác định được thị trường tương lai xem họ có nhu cầu loại gạo nào, chất lượng ra sao,... Việt Nam nên chọn một vài giống có diện tích lớn, thích nghi trong dài hạn được và có thị trường để cải tiến những đặc tính còn đang thiếu.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, cần ưu tiên chọn ra 3 nhóm giống gồm: lúa thơm, lúa đặc sản địa phương và nếp đặc sản để xây dựng thương hiệu quốc gia.

Trong khi dó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: “Chúng ta không thể chấp nhận tình trạng doanh nghiệp nước ngoài mang bao bì, nhãn mác của họ vào mua gạo Việt Nam để xuất khẩu. Để khắc phục tình trạng này thì Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ cơ chế chính sách. Hiệp hội Lương thực Việt Nam sẽ giúp quảng bá thương hiệu cũng như tìm kiếm thị trường, còn việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia có thành công hay không chính là từ các doanh nghiệp. Bởi lẽ, doanh nghiệp muốn có gạo chất lượng để xuất khẩu thì phải xây dựng được vùng lúa nguyên liệu”.

Nhiều ý kiến cho rằng để xây dựng thương hiệu gạo cần tổ chức liên kết sản xuất, khép kín chuỗi giá trị của hạt gạo từ đầu vào đến đầu ra, để nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn trong sản xuất, tiêu dùng; cần nghiên cứu để có một bộ tiêu chuẩn chung cho thương hiệu gạo Việt Nam.

 Thảo Nguyên