1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chuyển đổi đất lúa: “Biến” khô cằn, sỏi đá thành “cơm”

Trước thực trạng sản lượng lúa dư thừa, xuất khẩu gạo khó khăn, nhiều nơi trồng lúa hiệu quả thấp, hạn hán nhiều; Bộ NN&PTNT đang đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa sang trồng các cây khác như ngô, rau, quả, nuôi trồng thủy sản,...để nâng cao giá trị sản xuất và tăng thu nhập cho người dân.

Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết: Đất lúa thuộc diện chuyển đổi là những nơi trồng lúa bấp bênh, hiệu quả không cao; khu vực thường xuyên bị hạn, trồng lúa rất kho khăn; hoặc nơi có cây trồng khác hiệu quả cao hơn cây lúa.

Đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, đất khô hạn sang trồng cây khác (Ảnh minh họa)
Đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, đất khô hạn sang trồng cây khác (Ảnh minh họa)

“Hiện nay, diện tích đất lúa ở nước ta quá nhiều, hơn 7 triệu ha với sản lượng lương thực là 45 triệu tấn/năm, mỗi năm nước ta dư thừa 7-8 triệu tấn gạo. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn vì các nước trước đây nhập khẩu lương thực đã tự sản xuất được, nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới hiện nay chỉ khoảng 30 triệu tấn nhưng lại có nhiều nước xuất khẩu gạo. Do đó, Việt Nam chủ trương từ nay đến năm 2020 giảm từ 700.000 – 1 triệu ha diện tích đất trồng lúa để giảm áp lực về xuất khẩu,” ông Trung nói.

Theo ông Trung, nhà nước khuyến khích tập trung chuyển đổi sang trồng ngô vì hiện nay nước ta đang phải nhập khẩu 3-4 triệu tấn ngô/năm.

Để khuyến khích việc chuyển đổi đất lúa, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 580 ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi đất lúa sang cây ngắn ngày ở ĐBSCL. Tuy nhiên, hiện Bộ NN&PTNT đang tham mưu Chính phủ điều chỉnh lại quy định này để mở rộng hỗ trợ chuyển đổi đất lúa ra cả nước. Theo kiến nghị này, mức hỗ trợ chuyển đổi sang trồng cây ngô là 3 triệu/ha, và các cây trồng khác là 2 triệu/ha, và quy định của Chính phủ sẽ sớm được ban hành.

Theo tổng kết, sau 3 năm thực hiện chủ trương này, cả nước đã chuyển đổi được 240.000ha diện tích đất lúa, đạt khoảng 26% so với mục tiêu chuyển đổi tối thiểu 700.000 ha, riêng ĐBSCL đã chuyển đổi được trên 100.000ha đất lúa. Như vậy việc đạt được mục tiêu đến năm 2020 chuyển đổi tối thiểu 700.000ha là rất khả thi.

Cốt lõi là liên kết sản xuất, xác định thị trường đầu ra

Ông Trung cho biết: “Chuyển đổi sang cây trồng khác không được ồ ạt làm quá nhiều mà cần có giới hạn diện tích phù hợp với nhu cầu thị trường đối với từng loại cây. Hiện nay, việc chuyển đổi chưa nhiều nên chưa có sức ép tiêu thụ. Sắp tới, phải tổ chức lại sản xuất, có tổ chức của nông dân và kêu gọi sự tham gia của DN để tạo ra chuỗi giá trị, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.”

GS Võ Tòng Xuân cho rằng: Chuyển đổi cây trồng cần căn cứ vào lợi thế của từng địa phương và nhu cầu của thị trường. Ví dụ: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc có nhu cầu vải thiều, thì nên tăng diện tích trồng vải thiều ở Hải Dương, Hưng Yên để xuất khẩu. Cần đầu tư cơ sở, chế biến, bảo quản vải thiều đảm bảo chất lượng. Ở miền Trung, Tây Nguyên, và miền Nam thì nên trồng bơ, xoài để xuất khẩu quả tươi; đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản để chế biến thành nước bơ, xoài sấy, nước xoài thay thế nước uống Coca, Fanta,...

Ông Trung nhận định: Với miền Trung hạn hán nhiều, cần chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả, cây lâu năm; do đó phải có chính sách và cơ chế riêng vì cây lâu năm cần đầu tư lớn và lâu được thu hoạch, và cần tính toán kỹ việc chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Ưu tiên chuyển đổi đất lúa sang trồng ngô, rau, quả (Ảnh minh họa)
Ưu tiên chuyển đổi đất lúa sang trồng ngô, rau, quả (Ảnh minh họa)

Lý giải tình trạng chuyển đổi đất lúa trong thời gian qua còn manh mún và chậm, ông Trung nói: “ Cây lúa là cây nông dân quen làm lâu đời nên cần có thời gian để họ thay đổi tư duy sản xuất. Họ cũng cân nhắc khi chuyển đổi thì sẽ bán sản phẩm đi đâu vì trồng lúa thu hoạch về chưa bán được thì tích trữ nhưng trồng rau, củ, quả mà không bán được thì đáng lo ngại. Hơn nữa, việc chuyển đổi này chưa thành phong trào của cả nước.”

Trong thời gian tới, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi đất lúa với quy mô lớn hơn, Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ chính sách hỗ trợ áp dụng cho cả nước. Với vùng núi cao, đồng bào dân tộc, và miền Trung hạn hán phải chuyển sang cây dài ngày thì cần có đề án phù hợp. Nếu làm quy mô lớn thì cần tổ chức lại sản xuất thành hợp tác xã và tổ hợp tác, kêu gọi DN đầu tư vốn, công nghệ chế biến, bảo quản và tiếp cận thị trường.

Ở ĐBSCL, Bộ NN&PTNT đang khuyến cáo giảm bớt 1 vụ lúa, và làm các mô hình tôm – lúa, lúa – vịt như ở tỉnh Kiên Giang, cho thu nhập rất cao.

Nhận định về vấn đề này GS. Võ Tòng Xuân cho rằng: Mô hình lúa - vịt ở ĐBSCL đã làm hàng trăm năm nay và cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, mô hình tôm - lúa phải đầu tư thủy lợi tốt, lấy nước sạch vào xử lý và đưa vào hệ thống mương và vào ruộng nuôi tôm. Trong ruộng tôm, cần có hệ thống lấy nước sạch và hệ thống dẫn nước thải ra biển. Ở ven biển thì trồng cây ven biển như cây đước,... sẽ xử lý được nước trước khi thải ra biển, đảm bảo vệ sinh môi trường.

“Hiện nay nuôi tôm ở ĐBSCL bị dịch bệnh nhiều vì không có đầu tư hệ thống thủy lợi chuẩn, nước thải từ ruộng này sang ruộng kia, gây nhiễm bệnh chéo. Đầu tư thủy lợi chi phí khá cao nên nhà nước cần hỗ trợ và thu thuế thủy sản để bù lại nguồn thu ngân sách,” GS Xuân nói.

Thảo Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm