Bài 2: “Chân dung” chuỗi giá trị lúa gạo ở Việt Nam

Hiện, nông dân sản xuất lúa gạo còn manh mún, thiếu liên kết; hoạt động sản xuất còn bóc lột tài nguyên cao, và thu nhập của người dân còn thấp. Việc hình thành chuỗi giá trị lúa gạo sẽ giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị sản xuất và tăng thu nhập cho người dân.

Theo TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tập trung tìm giải pháp đột phá chính là xây dựng chuỗi giá trị.

Xây dưng chuỗi giá trị lúa gạo để nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân và phát triển bền vững (Ảnh minh họa)
Xây dưng chuỗi giá trị lúa gạo để nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân và phát triển bền vững (Ảnh minh họa)

“Có hai loại chuỗi là chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị. Trong chuỗi sản xuất gồm các khâu cung cấp vật tư đầu vào, sản xuất vật nuôi cây trồng, chế biến, và thương mại. Nếu trong tất cả các khâu ấy gắn chặt với nhau và ở mỗi khâu tăng giá trị thì đó là chuỗi giá trị,” TS. Sơn nói.

Ở khâu cung ứng vật tư đầu vào, người nông dân được cung ứng giống xác nhận, rõ ràng về nguồn gốc, đảm bảo chất lượng. Họ được cung cấp phân bón, thuốc BVTV chất lượng, giá hợp lý và được hướng dẫn cách sử dụng hiệu quả sẽ giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị sản phẩm.

Trong khâu chế biến, thay vì xuất khẩu đổ đống để nước ngoài đóng nhãn mác của họ vào thì đẩy mạnh chế biến để nâng cao giá trị của sản phẩm, và thậm chí tái chế cả phế phụ phẩm thì giá trị được nâng cao.

Ở khâu thương mại, việc mua bán phải diễn ra công bằng, người bán lẻ và người bán buôn chia sẻ lợi ích, rủi ro cho nhau; cung cấp sản phẩm cho cả người giàu và người nghèo, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thì giá trị cũng sẽ tăng lên.

“Khi cả 4 khâu trong chuỗi sản xuất liên kết từ đầu vào đến bàn ăn thì sẽ dễ dàng truy xuất được nguồn gốc. Người nông dân trước khi sản xuất đã nắm được nhu cầu của người tiêu dùng và các yêu cầu về tiêu chuẩn, thì đó thực sự là chuỗi giá trị,” TS Sơn nhận định.

Ông Trần Công Thắng Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng: Khi hình thành chuỗi sản xuất lúa gạo sẽ đem lại lợi ích cho cả nông dân, doanh nghiệp (DN) và nhà nước. Khi có một chuỗi tốt thì DN nắm được quy trình sản xuất, kiểm soát được chất lượng, xây dựng thương hiệu, xuất khẩu, và chủ động về nguyên liệu. Nông dân chủ động được đầu vào, đầu ra, và được DN hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, đảm bảo quyền lợi về thu nhập. Nhà nước đạt được mục tiêu ổn định thu nhập của người dân, đảm bảo thị trường tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ môi trường. Hệ thống ngân hàng sẽ yên tâm khi cho người nông dân vay vốn có hợp đồng làm theo chuỗi.

Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều cản trở trong xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo ở nước ta. Theo TS Đặng Kim Sơn, cản trở lớn nhất là các khâu trong chuỗi sản xuất chưa có sự liên kết. Người nông dân không được kết nối với các nhà cung ứng vật tư đầu vào. Họ mua giống, phân, thuốc BVTV từ đại lý mà không nắm rõ nguồn gốc, chất lượng, và bị tác động khi giá cả vật tư lên xuống.

Trong sản xuất, người nông dân sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc BVTV làm chi phí đầu vào tăng, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Khi thu hoạch, người nông dân không có kết nối với người chế biến mà phải bán qua thương lái, và bị thương lái ép giá. Thương lái không được được đặt hàng trước mà thu mua gạo rồi đổ đống bán. Người làm thương mại chưa nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng nên tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, giá bán thấp.

Thứ hai là chính các khâu trong chuỗi sản xuất chưa có giá trị gia tăng. Không những giá trị phân, thuốc, giống không đạt tiêu chuẩn mà mà người dân còn bị ép giá. Người sản xuất thì manh mún, nhỏ lẻ không liên kết với nhau, sử dụng nước lãng phí, kỹ thuật lạc hậu…

Cần hình thành quy mô sản xuất lớn

Trong khi đó, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho rằng: Một trong những cản trở lớn nhất đối với việc xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo là chính sách đất đai. DN cần vùng nguyên liệu trong khi quy mô sản xuất của nông dân thì nhỏ và các chính sách về tích tụ đất đai, hạn điền,... còn nhiều hạn chế.

Để khắc phục những vướng mắc trên, ông Trần Công Thắng cho rằng: Cần tăng cường vai trò của hợp tác xã (HTX) hoặc tổ hợp tác để hỗ trợ DN hình thành vùng nguyên liệu; có chính sách ữu đãi đối với DN làm chuỗi sản xuất để huy động được cả DN đầu vào và đầu ra cũng như hệ thống ngân hàng tham gia vào chuỗi.

Để nông dân mặn mà với hình thức liên kết thì quan trọng là hợp đồng phải đảm bảo cho họ quyền lợi về giá cả, hình thức thanh toán, và DN cần tạo điều kiện cho họ các thủ tục kiểm tra chất lượng.

“Điều quan trọng là phải hình thành được quy mô sản xuất lớn,” ông Tháng nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Xuân Định cho rằng: Để hình thành vùng sản xuất quy mô cần giải quyết được vấn đề tích tụ ruộng đất, mà để giải quyết vấn đề này cần có lộ trình và có chính sách về đất đai. Vấn đề cần giải quyết là làm sao để người dân không bị cùng hóa, người nông dân có đất vẫn được sở hữu đất. Để giải quyết vấn đề này thì một mình Bộ NN&PTNT không làm được mà cần có sự tham gia của Bộ Tài nguyên & Môi trường và các quyết sách của Chính phủ.

Thảo Nguyên