World Cup từ A đến Z

Trải qua 17 kỳ World Cup sôi động, thế giới đã được chứng kiến biết bao khoảnh khắc đầy cảm xúc. Bảng chữ cái alphabet dưới đây chắc chắn sẽ chỉ ghi lại được một phần rất nhỏ trong số những điều thú vị ấy.

A: Alf Ramsey

 

Không phải Alfredo di Stefano mà là Alf Ramsey, hay đơn giản là Sir Alf, được gọi như vậy sau khi đội tuyển Anh giành chức vô địch World Cup 1966. Ông là một HLV "khôn ngoan, láu cá" và cũng "bất cần đời".

 

Ngay sau khi ĐT Anh giành thắng lợi 1-0 trước Argentina ở vòng tứ kết WC 1966, ông đã chạy ngay ra sân ngăn các cầu thủ của mình đổi áo với câu nói khá nổi tiếng: "Chúng ta không đổi áo với những tên thú vật."

 

B: Brothers (Anh em)

 

Kể từ World Cup 1930, việc hai anh em có mặt trong ĐTQG là rất hiếm có, chứ chưa kể đến việc họ có mặt trong đội hình đội vô địch như trường hợp của anh em nhà Charlton - Bobby và Jack trong đội hình Anh giành chức vô địch năm 1966; hay Fritz và Ottmar Walter trong đội hình Tây Đức đánh bại Hungary trong trận CK 1954. Jack Charlton được gọi vào đội tuyển Anh khi đã 30 tuổi trong khi người em Bobby đã có đến hơn trăm lần khoác áo ĐTQG.

 

Trường hợp của anh em Victor và Vyacheslav Chanov cũng rất đặc biệt. Họ đều là thủ môn của đội tuyển Liên Xô dự World Cup 1982, nhưng không được một lần ra sân bởi sự xuất sắc của thủ môn huyền thoại Rinat Dassaev.

 

C: Captains (Các đội trưởng)

 

Làm thủ quân đội bóng vô địch World Cup là mơ ước của bất cứ "đầu tàu" nào trên thế giới. Nhưng lịch sử cũng đã cho thấy, điều đó chỉ xảy ra một lần với mỗi cá nhân. Có hai danh thủ suýt phá vỡ được "rào cản" này là Diego Maradona (vô địch thế giới năm 1986 nhưng thất bại trong trận chung kết 4 năm sau trước Đức), và Carlos Dunga (đăng quang tại Mỹ năm 1994 nhưng thua Pháp ở chung kết năm 1998).

 

Huyền thoại bóng đá Đức, Karl Heinz Rummenigge, là đội trưởng duy nhất thua trong hai trận chung kết (1982 và 1986).

 

Gerd Muller (trái) - sát thủ mang áo số 13 của đội tuyển Đức.

Gerd Muller (trái) - sát thủ mang áo số 13 của ĐT Đức

 

D: "Der Bomber" (Cỗ máy dội bom)

 

Đó là biệt danh của tiền đạo Gerd Muller. Cho đến nay vẫn chưa có cầu thủ nào vượt qua được con số 14 bàn thắng qua các kỳ World Cup của ông. Nhưng Ronaldo (hiện đã có 12 bàn) sẽ làm được điều đó nếu có thêm 3 lần lập công nữa.

 

E: Erik Nilsson

 

(Thụy Điển) và Alfred Bickel (Thụy Sỹ) là hai cầu thủ duy nhất tham dự các World Cup cả trước và sau Chiến tranh thế giới II. Đó là các giải năm 1938 và 1950.

 

F: For (Dành cho)

 

For the United Arab Emirates (dành cho các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất). Dù chẳng bao giờ vô địch World Cup, nhưng các cầu thủ UAE vẫn được lĩnh những phần thưởng khổng lồ. Đó là vào năm 1990, khi đội tuyển quốc gia nước này bị loại thẳng cánh sau 3 trận thua liên tiếp ở vòng bảng.

 

Nhưng UAE cũng kịp ghi 2 bàn danh dự và các cầu thủ lập công nhảy cẫng lên như thể được nâng Cup vàng. Đơn giản là vì nhà lãnh đạo đất nước hứa thưởng một chiếc xe Rolls Royce sang trọng cho mỗi bàn thắng. 

 

G: Gabriel Batistuta

 

Các cầu thủ có cuộc sống phóng túng, tóc dài và đeo khuyên tai không có chỗ trong đội tuyển Argentina dưới thời HLV Daniel Passarella. Ông đã ban ra một kỷ luật sắt cho các thành viên tham dự World Cup 1998 tại Pháp. Do không chịu cắt tóc, tiền vệ tài ba Fernando Redondo đã phải ở nhà, trong khi Gabriel Batistuta lại tỏ ra "ngoan" hơn.

 

H: Harald Schumacher

 

Schumacher là thủ môn vĩ đại nhất trong lịch sử Tây Đức, với hai ngôi á quân bóng đá thế giới. Sau thất bại lần thứ hai tại trận chung kết World Cup 1986, anh thề sẽ không bỏ lỡ cơ hội trong Vòng chung kết tiếp theo. Tuy nhiên, Schumacher đã không hoàn thành được tâm nguyện của mình.

 

Năm 1987, anh cho ra đời một cuốn sách, trong đó nói rằng 90% cầu thủ thi đấu tại Bundesliga đều dùng ma túy. Chính vì sai lầm này, Schumacher không bao giờ được triệu tập vào đội tuyển quốc gia nữa. Sau đó, anh phải chuyển sang chơi bóng tại Thổ Nhĩ Kỳ.

 

I: Injury time (thời gian bù giờ)

 

Trong trận bán kết giữa đội chủ nhà Italia và Argentina tại World Cup 1990, trọng tài người Pháp Michel Vautrot đã cộng thêm tới 8 phút vào hiệp phụ thứ nhất. Sau đó, Vautrot thừa nhận rằng ông đã quên cả thời gian.

 

J: Jose Batista

 

Cầu thủ Uruguay này đã bị đuổi khỏi sân chỉ 56 giây sau khi bắt đầu trận đấu với Scotland tại Mexico 1986, do phạm lỗi với Gordon Strachan. Đây là chiếc thẻ đỏ sớm nhất trong lịch sử World Cup. Chơi thiếu người nhưng Uruguay vẫn cầm hòa 0-0 và lọt vào giai đoạn hai, trong khi Scotland bị loại.

 

World Cup từ A đến Z - 2

Những chàng trai châu Á
làm chấn động thế giới năm 1966.

 

K: Korea (Triều Tiên)

 

Đội tuyển Bắc Triều Tiên đã làm nên một kỳ tích tại World Cup 1966: loại người khổng lồ Italia ngay tại vòng đấu bảng. Ở đất nước bên bờ Địa Trung Hải, một cuộc chia tay quá sớm như vậy là không thể chấp nhận được.

 

Chuyến bay về nhà của đội Italia đã được giữ bí mật để tránh giới báo chí và đám cổ động viên giận dữ. Tuy nhiên, nhiều fan vẫn lần ra đường đi và dội lên chiếc xe chở đội một cơn mưa cà chua và trứng thối.

 

L: Laszlo Kiss

 

Tiền đạo Hungary này là cầu thủ vào thay người duy nhất lập được hat-trick tại World Cup. Kiss ghi bàn thắng đầu tiên khi đội nhà đang dẫn El Salvador 5-1 ở vòng đấu bảng Tây Ban Nha 1982. Trận đấu kết thúc với kết quả 10-1 nghiêng về Hungary. Đây cũng là tỷ số đậm nhất trong lịch sử các VCK bóng đá thế giới.

 

M: Mario Zagallo

 

Cựu danh thủ Brazil là người đầu tiên giành chức vô địch World Cup ở cả cương vị cầu thủ và HLV. Zagallo là thành viên của đội bóng áo vàng xanh lên ngôi năm 1958 và 1962. Sau đó, ông lại dẫn dắt Brazil tới chiếc Cup vàng thứ ba tại Mexico 1970. Trên thế giới, mới chỉ có Franz Beckenbauer lập lại được thành tích này.

 

N: No (Không)

 

Không một trận đấu nào trong lịch sử World Cup lại bê bối hơn cuộc gặp gỡ giữa Tây Đức và Áo, tại Tây Ban Nha 1982. Hai đội bóng láng giềng gặp nhau tại lượt đấu cuối của vòng bảng, và Đức chỉ cần thắng 1-0 là cả hai sẽ dắt tay nhau vào giai đoạn hai, còn Algeria bị loại.

 

Sau khi Tây Đức ghi được bàn thắng cần thiết vào phút thứ 10, cầu thủ hai bên bắt đầu đi bộ trên sân. Tất nhiên là chẳng đội nào nghĩ đến chuyện tấn công nữa. Những khán giả Tây Ban Nha trung lập và đám cổ động viên của Algeria bắt đầu la ó. Một fan người Đức cũng tỏ ra rất phẫn nộ và đốt cờ nước mình trên khán đài.

 

Một ngày sau, Algeria khiếu nại lên FIFA rằng trận đấu đã được sắp đặt và yêu cầu loại cả Tây Đức lẫn Áo vì tội chơi không fair-play. Tuy kháng nghị của đội bóng Bắc Phi không được chấp nhận, nhưng LĐBĐ thế giới cũng tìm cách tránh những scandal kiểu này với quy định kể từ World Cup 1986 trở đi, những trận đấu ở lượt cuối vòng bảng diễn ra cùng giờ.  

 

World Cup từ A đến Z - 3

Leonidas - vua phá lưới World Cup 1938,
huyền thoại đầu tiên của bóng đá Brazil

 

O: One (Một)

 

Một trong những huấn luyện viên bị chỉ trích nhiều nhất là Ademar Pimenta, dẫn dắt đội tuyển Brazil năm 1938. Cầu thủ Leonidas đã ghi 6 bàn thắng chỉ trong hai vòng đấu, nhưng anh phải ngồi ghế dự bị trong trận bán kết với Italia.

 

Huấn luyện viên Pimenta tự tin giải thích, ông muốn để dành cầu thủ vàng cho trận chung kết. Tuy nhiên, ý định tốt đẹp này không thành hiện thực vì Brazil bị Italia cho phơi áo.

 

Hai bàn thắng của Leonidas trong trận thắng giúp đội bóng vàng xanh giành huy chương đồng sau đó càng khiến Pimenta bị chỉ trích thậm tệ hơn.

 

P: Penalty

 

Các trận đấu phải phân thắng bại bằng loạt đá luân lưu ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong World Cup. Đức và Argentina luôn gặp may với những cú sút từ chấm phạt 11m, và đã 3 lần giành chiến thắng.

 

Trong khi đó, đội quân áo thiên thanh Italia kém may mắn nhất khi bỏ lỡ cả 3 cơ hội có được (World Cup 1990 thua Argentina ở bán kết, 1994 thua Brazil ở chung kết, và 1998 thua Pháp ở tứ kết).

 

Q: Quiroga

 

Ramon Quiroga, người trấn giữ khung thành đội tuyển Peru tại World Cup 1978 là thủ môn duy nhất bị phạt thẻ vàng vì phạm lỗi bên......phần sân đối phương. Sự cố đã xảy ra trong trận Peru gặp Ba Lan. Dù nhiệt tình quá thể như vậy, Quiroga cũng không thể giúp đồng đội giành chiến thắng, phải chịu thua với tỷ số sát nút 0-1.

 

R: Russia (Nga)

 

Trọng tài người Nga Miroslav Stupar đã có một quyết định gây tranh cãi trong trận đấu giữa Kuwait - Pháp diễn ra vào kỳ World Cup 1982. Pháp đang dẫn 3-1 thì trái bóng lăn vào lưới Kuwait trước sự ngạc nhiên của hàng thủ đội này.

 

Họ khẳng định đã nghe tiếng còi của trọng tài nên đứng chôn chân tại chỗ. Bản thân chủ tịch liên đoàn bóng đá Kuwait là hoàng tử Fahid cũng nhảy khỏi chỗ ngồi ra tận sân bóng để phản đối.

 

Sự nói dài nói dai của Fahid đã khiến Stupar lùi bước, tước bỏ của Pháp một bàn thắng. Dù vậy, đến phút cuối cùng của trận đấu, Pháp đã làm tung lưới đối phương và giành chiến thắng giòn giã 4-1. Kuwait sau đó bị phạt 8.000 bảng vì sự can thiệp quá lố của hoàng tử Fahid.

 

World Cup từ A đến Z - 4

Paolo Rossi (phải) là nhân tố chủ yếu
giúp Italia đăng quang năm 1982

 

S: Suspension (Treo giò)

 

Do bị buộc tội dàn xếp tỷ số nên Paolo Rossi bị treo giò trong hai năm liền. Đúng hai tuần trước World Cup 1982, anh thoát khỏi hình phạt và ngay lập tức được HLV Enzo Bearzot tin tưởng gọi vào đội hình.

 

Tuy nhiên, cả vòng loại, Rossi không ghi một bàn thắng nào. Toàn thể nước Italia phát cuồng lên, sức ép dồn cả lên Rossi và Bearzot. May thay, trong trận đấu quyết định giữa Italia và Brazil, Rossi đã lập hat-trick, đưa đội tuyển quốc gia vào vòng bán kết.

 

Tiếp theo, anh một mình ghi hai bàn thắng vào lưới Ba Lan để cả đất nước Italia run sướng bước vào trận đấu cuối cùng. Rossi một lần nữa lập công ghi bàn thắng đầu tiên giúp đội quân áo thiên thanh giành chiến thắng thuyết phục 3-1 trước Tây Đức.

 

Với 6 bàn thắng, anh đã giành danh hiệu Vua phá lưới của giải.

 

T: The World Cup

 

Lịch sử Cup thế giới chứng kiến 5 trường hợp cầu thủ khoác áo hai đội tuyển quốc gia khác nhau là Jose Altafini (đội tuyển Brazil năm 1958 và Italia 1962), Luis Monti (Argentina 1930 và Italia 1934), Ferenc Puskas (Hungary 1954 và Tây Ban Nha 1962), Jose Santamaria (Uruguay 1954 và Tây Ban Nha 1962), và Robert Prosinecki (Nam Tư cũ 1990 và Croatia 1998).

 

Bốn trường hợp đầu xảy ra khi luật của FIFA chưa chặt chẽ. Riêng trường hợp của Prosinecki là do Nam Tư cũ bị chia tách thành nhiều tiểu quốc.

 

U: Usually (thường xuyên)

 

Các trận chung kết World Cup thường xuyên có rất nhiều bàn thắng. Không một trận chung kết nào cung cấp cho khán giả ít hơn 3 bàn cho tới khi Tây Đức hạ Argentina 1-0 ở World Cup 1990. Trong 3 trận chung kết gần nhất, chỉ có 5 bàn thắng được ghi. Đây thực sự là một xu hướng đáng báo động.

 

V: Venue (địa điểm)

 

Địa điểm tổ chức trận khai mạc World Cup 1970 giữa chủ nhà Mexico và Liên Xô là SVĐ Azteca. Nơi đây đã chứng kiến một kỷ nguyên mới trong lịch sử ngày hội bóng đá hành tinh khi luật thẻ vàng, thẻ đỏ, thay người lần đầu tiên được áp dụng.

 

W: Walter Zenga

 

Thủ môn huyền thoại người Italia đang nắm giữ kỷ lục giữ sạch lưới lâu nhất tại một VCK World Cup (517 phút, tương đương với gần 6 trận). "Mũi tên vàng" Caniggia là người đã buộc thành tích kỳ diệu trên phải dừng bước, trong trận bán kết năm 1990. Quả là một ngày "đen đủi" cho Zenga, vì sau đó Italia thua trong loạt luân lưu may rủi.

 

X: Xuereb

 

Cho tới khi cầu thủ Pháp Daniel Xuereb vào sân thay Bruno Bellone trong trận bán kết với Đức năm 1986, bảng chữ cái alphabet (từ A đến Z) mới "kiếm" được nốt cái họ bắt đầu bằng vần X.

 

World Cup từ A đến Z - 5

Whiteside từng là cầu thủ MU

 

Y: Youngest player (Cầu thủ trẻ nhất)

 

Norman Whiteside (Bắc Ireland) là cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử Cup thế giới. Khi vào sân trong trận gặp Nam Tư cũ ở Tây Ban Nha 1982, Whiteside mới 17 tuổi 42 ngày. Cầu thủ lập kỷ lục già nhất là Roger Milla (Cameroon).

 

"Ông lão" người Cameroon góp mặt trong trận gặp Nga năm 1994 khi đã 42 tuổi 39 ngày. Chính Milla là người ghi bàn danh dự cho "những chú sư tử bất khuất" (thua 1-6), qua đó ẵm luôn kỷ lục "gân" nhất mà vẫn lập công.

 

Z: Zairean (người Zaire)

 

Muampa Kazadi, chàng trai trấn giữ khung gỗ tội nghiệp người Zaire là thủ môn đầu tiên bị thay ra tại các kỳ World Cup, với lý do ngoài chấn thương.

 

Ông HLV trưởng buộc phải đưa ra quyết định này sau khi lưới Zaire bị Nam Tư cũ đá thủng tới ba bàn trong vòng 22 phút đầu. Khổ nỗi, người thế chỗ là Dimbi Tubilandu, còn chơi tệ hơn thế. Và đội bóng châu Phi kết thúc trận đấu với tỷ số thua 0-9.

 

Theo T.T

Vnexpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm