“Vũ khí bí mật” Công Phượng của HLV Park Hang Seo

(Dân trí) - Có thể người hâm mộ bất ngờ khi Công Phượng bắt đầu trận đấu từ băng ghế dự bị, nhưng người làm chuyên môn nói chung thì không bất ngờ. Vấn đề chỉ là thời điểm HLV Park Hang Seo tung Công Phượng vào để gây đột biến.

Công Phượng ghi bàn duy nhất giúp Olympic Việt Nam đánh bại Bahrain

Cựu HLV Nguyễn Thành Vinh cho rằng Công Phượng không phải là cầu thủ dự bị như cách mà người ta thường vẫn hiểu về từ này. Công Phượng chỉ đơn giản bắt đầu trận đấu sau một cầu thủ nào đấy trên hàng tấn công, rồi tuỳ thời điểm thích hợp sẽ được sử dụng để gây đột biến.

Cũng theo ông Vinh, Công Phượng nói cho đúng là quân bài trong tay áo của HLV Park Hang Seo, để ông dùng khi cần thiết, chứ không phải là cầu thủ dự bị.

Còn trước đó, chúng tôi cũng từng nhận định về chuyện Công Phượng có khả năng ngồi dự bị cho Văn Quyết tại Asiad năm nay. Nhưng ngay cả khi ngồi dự bị, không thể nói cầu thủ đang khoác áo HA Gia Lai sẽ không đóng góp cho đội tuyển.

Công Phượng hiệu quả khi được tung sân ở thời điểm đối phương mất tập trung (ảnh: Huyền Trang)
Công Phượng hiệu quả khi được tung sân ở thời điểm đối phương mất tập trung (ảnh: Huyền Trang)

Điểm yếu của Công Phượng là tính ổn định. Nếu giữ Công Phượng quá lâu trên sân, có thể lãng phí, bởi Công Phượng thi đấu càng lâu, càng lặp đi lặp lại các pha đi bóng của mình, đối phương càng dễ bắt bài. Khả năng hỗ trợ phòng ngự bước 1 của Công Phượng không tốt, nên anh càng thi đấu lâu trên sân, gánh nặng với hàng thủ có thể càng lớn.

Nhưng điểm mạnh của Công Phượng là khả năng gây đột biến. Anh vẫn là cầu thủ có kỹ thuật và có khả năng đi bóng qua người. Một cầu thủ như thế, nếu biết dùng đúng thời điểm sẽ rất nguy hiểm.

Và Công Phượng đã toả sáng theo cách như thế trong trận đấu với Bahrain: Vào sân trong khoảng hơn 20 phút cuối trận, rồi xuất hiện đúng lúc ghi bàn cho đội tuyển Olympic Việt Nam.

Khi Công Phượng xuất hiện từ băng ghế dự bị, đối phương ít để ý đến anh, đồng thời thể lực của các cầu thủ phòng ngự Bahrain ở những phút cuối trận cũng không còn sung mãn, nên khó đeo bám các pha đi bóng của Công Phượng.

Thành ra, thời điểm mà vị HLV người Hàn Quốc tung Công Phượng vào sân là rất quan trọng và rất hợp lý. Đồng thời, điều đó cũng một lần nữa chứng minh cầu thủ dự bị không có nghĩa là cầu thủ không có đóng góp cho đội tuyển.

Dự bị hay chính thức đôi khi chỉ khác biệt ở thời điểm từng người bắt đầu trận đấu của mình, theo tính toán của các HLV, tuỳ từng đối thủ và từng tình huống cụ thể trên sân.

Đội tuyển Olympic Việt Nam dự nội dung bóng đá nam Asiad 2018 có đến 8 – 9 cầu thủ có khả năng đá tiền đạo. Dĩ nhiên, HLV Park Hang Seo không thể cùng lúc sắp tất cả các tiền đạo nói trên trong đội hình xuất phát, mà ông sẽ phải tính toán người nào bắt đầu trước để phá sức đối thủ, người nào bắt đầu sau để tạo đột biến!

Kim Điền

“Vũ khí bí mật” Công Phượng của HLV Park Hang Seo - 2

Dòng sự kiện: Asiad 2018

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm