1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

VTV không chắc chắn bản quyền Asiad 2018 sẽ hạ giá vào giờ chót

(Dân trí) - Đại diện Đài truyền hình Việt Nam (VTV) thừa nhận sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ Việt Nam với đội tuyển Olympic chính là lý do khiến đối tác ép giá bản quyền Asiad 2018.

Sau thành công của đội tuyển U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á năm 2018 và kèm theo đó là cơn sốt hâm mộ của khán giả Việt Nam, giá cả bản quyền truyền hình các giải bóng đá khu vực và châu lục có sự tham dự của ĐTQG Việt Nam đều bị đẩy lên mức cao.

Ngay cả ở World Cup 2018 không có đội tuyển Việt Nam thi đấu, thì mức giá mà đối tác chào hàng được cho là lên tới 15 triệu USD, khiến VTV không thể đáp ứng mà phải nhờ sự giúp đỡ của một doanh nghiệp lớn vào phút chót.


Hiệu ứng U23 Việt Nam khiến bản quyền Asiad 2018 bị đối tác đẩy mức giá lên cao

Hiệu ứng U23 Việt Nam khiến bản quyền Asiad 2018 bị đối tác đẩy mức giá lên cao

Lần này, dù bản quyền Asiad 2018 thấp hơn nhưng vẫn ở mức rất cao, thậm chí là rất vô lý. Bên lề cuộc họp báo giới thiệu giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup 2018, ông Phan Ngọc Tiến, Trưởng Ban sản xuất các chương trình Thể thao VTV, cho biết: “Chúng tôi đã có thời gian dài đàm phán với đối tác. Tuy nhiên chúng tôi không mua được bản quyền Asiad 2018 vì đối tác chào giá quá cao, quá đắt”.

Cũng theo ông Tiến, VTV không dám chắc về khả năng sẽ có bản quyền Asiad 2018 vào giờ chót, vì hiện tại chưa có dấu hiệu cho thấy đơn vị nắm giữ bản quyền Đại hội thể thao châu Á tại Việt Nam sẽ giảm giá chào bán với VTV.

“Chúng tôi luôn nỗ lực hết sức, nhưng mức giá phải nằm trong khả năng của mình. Điều kiện tiên quyết để VTV có thể tiến hành thương thảo là đối tác phải thay đổi mức giá đã chào trước đây”, ông Tiến chia sẻ.

Trước đó, vào năm 2016, Công ty dịch vụ truyền thông Dentsu – Nhật Bản chào bán gói bản quyền Asiad 18 cho các đài tại Việt Nam và chỉ duy nhất Đài truyền hình Việt Nam tiến hành đàm phán. Được biết giá cả mà công ty này đưa ra khá dễ chịu nên đôi bên chỉ sau vài cuộc gặp gỡ đã gần như thỏa thuận thành công và chuẩn bị ký kết hợp đồng.

Tuy nhiên sau đó, một đối tác khác nhảy vào là Công ty Hàn Quốc KJ Investment Group (KJI) nắm độc quyền bản quyền phát sóng khu vực có Việt Nam, đã hét một giá lên đến vài triệu USD khiến VTV không thể kham nổi.

Không mua bản quyền truyền hình Asiad 2018, nhưng VTV sẽ cử sang Indonesia đội ngũ sản xuất chương trình với số lượng hùng hậu nhất từ trước tới nay, để phần nào đáp ứng nhu cầu xem các trận đấu đỉnh cao ở Á vận hội.

Thuỳ Anh