Vì sao giá bản quyền Asiad 2018 tăng vọt khiến VTV phải “bó tay”?

(Dân trí) - Người hâm mộ Việt Nam sẽ không được xem trực tiếp trên truyền hình các trận đấu của Olympic Việt Nam cũng như các môn thể thao khác tại Asiad 2018. Đây là điều đáng tiếc, nhưng có lẽ chúng ta cũng phải quen về điều này khi các đối tác đang ngày càng muốn ép giá trước sự hâm mộ, cuồng nhiệt của người dân Việt Nam.

Ở kỳ World Cup 2018, vấn đề bản quyền truyền hình trở thành tâm điểm, tốn kém nhiều giấy mực của báo chí. Thậm chí cho đến sát ngày diễn ra ngày hội bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh, các bên vẫn chưa thể chốt lại vụ đàm phán. Vấn đề nan giải nhất vẫn là tài chính. Phía đối tác đã hét mức giá quá cao khiến VTV cùng nhiều đài Việt Nam không thể đáp ứng.

Phải đến phút chót, VTV mới được một nhà tài trợ “giải cứu” bằng gói 5 triệu USD, vụ mua bản quyền truyền hình World Cup 2018 mới khép lại, và người hâm mộ Việt Nam đã được xem toàn bộ 64 trận bóng đá tại World Cup 2018 như đã thấy.


Người hâm mộ sẽ không được xem Olympic Việt Nam trên sóng truyền hình

Người hâm mộ sẽ không được xem Olympic Việt Nam trên sóng truyền hình

Sau World Cup là Asiad, và một lần nữa vấn đề bản quyền truyền hình lại khiến VTV phải đau đầu. Dù chỉ là sân chơi mang tầm châu Á nhưng với sự tham dự của Olympic Việt Nam, thì giải đấu này bỗng trở nên rất đáng xem với người hâm mộ Việt Nam. Sau thành công của thầy trò HLV Park Hang Seo ở VCK U23 châu Á 2018 hồi đầu năm, U23 Việt Nam không chỉ trở thành đội bóng nổi tiếng của khu vực mà còn cả châu lục, thế giới.

Nắm bắt được tâm lý “khát” xem Olympics Việt Nam ở Asiad 2018, đối tác sở hữu gói bản quyền truyền hình (Hàn Quốc) đã đưa ra mức giá “trên trời”. Theo một số nguồn tin, đối tác này đã đưa ra mức giá tới vài triệu USD, thức là chỉ bằng khoảng một nửa hoặc thấp hơn một chút so với bản quyền truyền hình World Cup 2018.

VTV với vị thế của đài quốc gia, vẫn là đơn vị đứng ra đàm phán với đối tác, và lần này lại gặp khó khăn khi mức giá như trên là khó đáp ứng. Chia sẻ với báo chí, một lãnh đạo VTV cho biết: “Đúng là vụ đàm phán mua bản quyền truyền hình Asiad 2018 đã gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề mức giá. VTV dù nỗ lực hết sức để có thể mang những trận đấu đỉnh cao của bóng đá châu lục với người xem nhưng cũng không thể mua với cái giá phi lý”.

Cũng theo vị lãnh đạo này, ngoài U23 Việt Nam, thì những môn thi đấu khác của đoàn thể thao Việt Nam cũng rất được quan tâm tại Asiad. Vì thế, nếu như không mua được bản quyền để xem trực tiếp những cuộc tranh tài của VĐV Việt Nam, là điều quá đáng tiếc.

Từ cách đây 2 năm, công ty dịch vụ truyền thông Dentsu - Nhật Bản chào bán gói bản quyền Asiad 18 cho các đài tại Việt Nam và chỉ duy nhất Đài truyền hình Việt Nam (VTV) tiến hành đàm phán. Mọi việc tưởng như đã được chốt lại khi các bên đạt được thỏa thuận với mức tiền rất hợp lý. Thế nhưng, đến phút chót, không hiểu lý do vì sao công ty Hàn Quốc KJ Investment Group (KJI) lại nhảy vào cuộc, trở thành đơn vị nắm bản quyền truyền hình Asiad trên lãnh thổ Việt Nam. Từ sự thay đổi này đã mang đến rất nhiều những rắc rối khác.

Theo một lãnh đạo VTV, với mức giá này, VTV không thể đáp ứng, bởi rõ ràng dù có thương hiệu U23 Việt Nam thì Asiad vẫn chỉ là giải đấu tầm châu lục. Hơn nữa, trong lịch sử các kỳ Asiad, chưa bao giờ giá bản quyền truyền hình lại cao như vậy.

“Chúng tôi đang ở thế thuận lợi vì sắp chốt hợp đồng thì VTV bị rơi vào tình cảnh khóc dở mếu dở. Mục tiêu phục vụ khán giả luôn được VTV coi trọng nhưng để giải quyết hài hòa bài toán kinh tế không phải điều đơn giản”, vị lãnh đạo nhà đài chia sẻ.

Được biết, VTV chủ động đề nghị chỉ mua gói bản quyền môn bóng đá. Tuy nhiên, VTV cũng bị lắc đầu vì KJI chỉ bán trọn gói. Cuối cùng thì VTV chọn giải pháp bỏ không mua bản quyền.

Để đáp ứng nhu cầu thông tin của khán giả về kết quả thi đấu của Đoàn thể thao Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ cử đội ngũ phóng viên, biên tập viên gồm 9 người đến Indonesia từ ngày 11/8 để tác nghiệp. Đây là số lượng phóng viên đông nhất từ trước đến nay của VTV cử đi tác nghiệp tại Á vận hội.

Hoàng Quốc